Saturday, January 29, 2011

Kinh Diệu Pháp Liên Hoa giảng giải part 15 (pham 4)

PHẨM 4

TÍN GIẢI

Tín là tin, giải là hiểu rõ, tín giải là do giải ngộ mà rõ suốt pháp Phật nên có niềm tin sâu xa không thoái chuyển. Nếu nương lời Phật dạy tin suông mà không giải ngộ, hoặc tin hiểu một cách cạn cợt thì chưa gọi là tín giải đối với pháp mà Phật muốn chỉ. Sau khi đức Phật chỉ rõ nơi mỗi chúng sanh có Tri kiến Phật, tức là mỗi người đã có sẵn Phật nhân, nếu tu sẽ thành Phật quả. Các bậc A-la-hán đệ tử Phật như ngài Tu-bồ-đề, Đại Ca-chiên-diên v.v... nghe Phật nói pháp được giải ngộ, các ngài không còn kẹt ở quả vị Thanh văn nữa, do tin hiểu thâm sâu nên các ngài trình sở ngộ lên đức Phật và sẽ được Phật thọ ký cho. Sự kiện này giống như Thiền tông trình kiến giải và được ấn chứng.


CHÁNH VĂN:

1.- Lúc bấy giờ, các ngài Huệ Mạng Tu-bồ-đề, Đại Ca-chiên-diên, Đại Ca-diếp, Đại Mục-kiền-liên, từ nơi Phật được nghe pháp chưa từng có. Đức Thế Tôn dự ghi cho ngài Xá-lợi-phất sẽ thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, sanh lòng hi hữu hớn hở vui mừng, liền từ chỗ ngồi đứng dậy sửa y phục trịch bày vai hữu, gối hữu chấm đất, một lòng chấp tay cúi mình cung kính chiêm ngưỡng dung nhan Phật mà bạch cùng Phật rằng:

- Chúng con ở đầu trong hàng Tăng, đều lụn tuổi già, tự cho đã được Niết-bàn không kham nhiệm gì nữa, chẳng còn thẳng cầu thêm đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Đức Thế Tôn thuở trước nói pháp đã lâu, lúc đó chúng con ngồi nơi tòa thân thể mỏi mệt, chỉ nhớ nghĩ ba pháp: Không, Vô tướng, Vô tác, đối với các pháp du hí thần thông, tịnh cõi nước Phật, độ thoát chúng sanh của Bồ-tát, lòng chúng con không ưa thích.

Vì sao? Đức Thế Tôn khiến chúng con ra khỏi ba cõi đặng chứng Niết-bàn, lại nay đây chúng con tuổi đã già nua, ở nơi đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác của Phật dạy Bồ-tát không hề sanh một niệm ưa thích.

Chúng con hôm nay ở trước Phật nghe thọ ký cho Thanh văn sẽ đặng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, lòng rất vui mừng đặng pháp chưa từng có, chẳng ngờ hôm nay bỗng nhiên đặng pháp hi hữu, tự rất mừng may đặng lợi lành lớn, vô lượng trân báu chẳng tìm cầu mà tự đặng
.

GIẢNG:

Trong pháp hội Phật, ngài Xá-lợi-phất là bậc đại căn đại trí, nên khi Phật nói phẩm Phương Tiện Ngài liền thấy rõ bản hoài của Phật và nhận ra nơi mình có Tri kiến Phật. Ngang đó Ngài trình sở ngộ, được Phật ấn chứng và thọ ký cho sau này sẽ thành Phật. Còn các vị A-la-hán trưởng lão như Tu-bồ-đề, Đại Ca-chiên-diên v.v... thuộc hàng trung căn tuy đã nghe Phật giải nói cái nào là phương tiện, cái nào là cứu kính vẫn chưa dám tin nhận. Đến khi Phật nêu ví dụ rõ ràng, các ngài mới thấy rằng ban đầu được Phật dạy pháp Tiểu thừa, các Ngài tu chứng Niết-bàn Thanh văn. Nhưng nay Phật nói quả vị rốt ráo là quả Phật, quả Thanh văn chỉ là giả lập, không phải cứu kính. Các ngài lãnh hội được lý này và chứng kiến ngài Xá-lợi-phất trình sở ngộ được Phật thọ ký, nên vui mừng đứng lên chiêm ngưỡng dung nhan Phật và nói lên tâm trạng của mình rằng: “Đức Thế Tôn thuở trước nói pháp đã lâu, lúc đó chúng con ngồi nơi tòa thân thể mỏi mệt, chỉ nhớ nghĩ ba pháp: Không, Vô tướng, Vô tác, đối với các pháp du hí thần thông, tịnh cõi nước Phật, độ thoát chúng sanh của Bồ-tát, lòng chúng con không ưa thích.” Vì các ngài đã già và đã chứng được Niết-bàn Thanh văn rồi, nên đối với đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác các ngài không hề nghĩ tới. Nay nghe Phật thọ ký hàng Thanh văn sẽ được pháp Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, các ngài vui mừng vì bất ngờ mà được của báu, thật hi hữu.

Qua đoạn này chúng ta thấy tâm nguyện của Thanh văn khác với tâm nguyện của Bồ-tát. Các vị Thanh văn tuổi già, ngồi nghe pháp lâu sanh mỏi mệt, nên không muốn nhớ nhiều chỉ nhớ có ba điều: Không, Vô tướng, Vô tác là ba môn giải thoát. Khi tu dừng hết mọi vọng tưởng, sạch hết kiết sử gọi đó là Không. Vì không còn vọng tưởng, không còn kiết sử, tâm vắng lặng không hình tướng nên nói là Vô tướng. Bởi không có hình tướng nên không có động tác nói là Vô tác. Vậy, Không, Vô tướng, Vô tác là ba cửa giải thoát của hàng Nhị thừa. Hàng Thanh văn do nhận được lý ấy mà thoát ly sanh tử. Đó là đứng trên pháp vô vi mà nói. Nếu nhìn trên tướng hữu vi thì các pháp do duyên hợp tạm có các tướng, nhưng không có Tự tánh cố định, nó chỉ là giả tướng không thật nên nói là Vô tướng. Vì trên Tánh không, nó không có tạo tác, vì tạo tác là tướng của duyên, nên nói là Vô tác. Hàng Thanh văn lấy làm hài lòng ở ba món giải thoát này, cho đó là đã đủ, không khởi nguyện làm lợi ích chúng sanh, nên đối với pháp du hí thần thông tam-muội, tịnh cõi Phật, giáo hóa chúng sanh thì các ngài không ưa thích.

Thế nào là du hí thần thông tam-muội? Bồ-tát khi đạt lý tất cả pháp duyên khởi Tánh không, bởi Tánh không nên duyên hợp tạm có, có mà có trong hư giả huyễn hóa. Bởi huyễn hóa nên Bồ-tát lấy thân như huyễn độ hữu tình như huyễn, khi làm việc độ sanh không thấy có khổ, vì không còn thấy ta là người giáo hóa, chúng sanh là người được độ, do không chấp ta không chấp người nên không khổ. Hằng ra vào trong ba cõi để độ sanh, tâm an vui không buồn không khổ nên gọi là du hí thần thông tam-muội, đó là tâm hạnh của Bồ-tát. Còn tâm hạnh Phàm tăng của chúng ta ngày nay làm cái gì là kẹt cái nấy, tới đâu là dính đó, do ngã chấp chưa buông, nên ngay khi độ sanh là khởi phiền não. Vì vậy mà không được thần thông du hí tam-muội. Hàng Bồ-tát được du hí tam-muội, nên các ngài hằng tịnh cõi nước Phật bằng cách ra vào trong ba cõi để giáo hóa chúng sanh, chuyển nghiệp xấu thành nghiệp tốt, nhiều đời nhiều kiếp làm mãi mãi mà không chán. Do thấy thân như huyễn, dù có bỏ thân huyễn mộng này trăm ngàn lần cũng chỉ là trò chơi, nên ra vào ba cõi cũng như đi du hí không sợ. Đến khi công hạnh viên mãn thì Bồ-tát thành Phật. Cõi nước của ngài có vô số quyến thuộc là Thanh văn, Duyên giác, Bồ-tát đồng duyên, đồng phước qui hội về, gọi là tịnh Phật quốc độ. Hàng Thanh văn an trụ trong Niết-bàn tịch tịnh, không khởi nguyện độ sanh, vì sợ khởi nguyện là khởi nhân phiền não, nên các ngài chìm lặng mãi trong Niết-bàn tịch tịnh. Nhưng nay nghe Phật thọ ký cho hàng Thanh văn sẽ thành Phật thì các ngài vui mừng, thấy rằng bỗng nhiên được của báu, điều mà các ngài không bao giờ nghĩ tới.


CHÁNH VĂN:

2.- Thế Tôn! Chúng con hôm nay xin nói thí dụ để chỉ rõ nghĩa đó.

Thí như có người tuổi còn thơ bé, bỏ cha trốn đi qua ở lâu nơi nước khác, hoặc mười, hai mươi đến năm mươi năm; người đó tuổi đã lớn lại thêm nghèo cùng khốn khổ, rong ruổi bốn phương để cầu đồ mặc vật ăn, dạo đi lần lần tình cờ trở về bổn quốc.
Người cha từ trước đến nay, tìm con không đặng bèn ở lại tại một thành trong nước đó. Nhà ông giàu lớn của báu vô lượng, các kho đụn, vàng, bạc, lưu-ly, san-hô, hổ phách, pha lê, châu v.v... thảy đều đầy tràn; tôi tớ, thần tá, lại dân rất đông, voi, ngựa, xe cộ, bò, dê nhiều vô số. Cho vay thâu vào lời lãi khắp đến nước khác, khách thương buôn bán cũng rất đông nhiều.

Bấy giờ, gã nghèo cùng kia dạo đến các tụ lạc, trải qua xóm làng, lần hồi đến nơi thành của người cha ở.

Người cha hằng nhớ con, cùng con biệt ly hơn năm mươi năm mà ông vẫn chưa từng đối với người nói việc như thế, chỉ tự suy nghĩ lòng rất ăn năn. Ông tự nghĩ, nhà có nhiều của cải, vàng bạc trân báu, kho đụn tràn đầy, không có con cái, một mai mà chết mất thời của cải tản thất không người giao phó. Cho nên ân cần luôn nhớ đến con. Ông lại nghĩ: Nếu ta gặp đặng con, ủy phó của cải, thản nhiên khoái lạc không còn sầu lo
.

GIẢNG:

Chúng sanh đi trên con đường lầm mê, giống hệt như gã cùng tử thơ bé bỏ cha mẹ đi hoang đến xứ người. Trải qua thời gian dài từ mười năm tới năm mươi năm, vì nghèo cùng khốn khổ nên rong ruổi bốn phương tìm cầu sự ăn mặc, đi lần lần tình cờ trở về bản quốc. Đó là tâm trạng của chúng sanh ở giai đoạn bối giác hiệp trần. Tự mình có sẵn Tánh giác, đầy đủ công đức mà quên, nên đi lang thang trong lục đạo luân hồi, không biết bao nhiêu đời bao nhiêu kiếp. Bấy giờ bỗng nhiên gặp duyên tốt thức tỉnh cạo tóc xuất gia. Tuy xuất gia mà không nghĩ mình sẽ thành Phật, vì quả Phật quá cao siêu, đòi hỏi phải tích lũy vô lượng vô biên công đức, trải qua thời gian lâu dài, e mình không kham nổi, nên không bao giờ dám nghĩ tu để thành Phật. Tu không phải một đời là thành Phật, mà phải trải qua nhiều đời nhiều kiếp gạn lọc phiền não, tích lũy công đức. Song, tập khí phiền não đâu phải một lần buông là hết, công quả lợi sanh đâu phải làm đôi ba việc là đủ. Vì vậy, phải siêng năng cần mẫn, không ngại gian lao khó nhọc tự mình tiến tu và làm lợi ích cho mọi người, thì khả dĩ tiến được từng bước trên con đường đi đến quả Phật. Nếu nhút nhát yếu hèn sợ lao nhọc khó khổ thì đã đi ngược đường mà Phật đã đi rồi! Có lắm người tưởng vô chùa tu là thảnh thơi nhàn hạ, nhưng không ngờ vô chùa phải thức khuya dậy sớm để tu học, lại còn phải chấp tác vất vả khổ cực bao nhiêu năm trường. Chẳng những nhiều năm, mà là nhiều đời nhiều kiếp mới thành Phật. Vì lý do đó nên sanh tâm lười mỏi thối chuyển không muốn tu nữa. Như vậy là người tu chấp nhận làm đứa con đi hoang nghèo khổ lang thang nơi này chốn nọ, để ăn mày ăn xin, chớ không chịu làm con Trưởng giả thừa kế sự nghiệp sang giàu của cha, để cho mọi người nương nhờ. Thật là điều đáng tiếc! Con tuy bỏ cha đi hoang, nhưng cha lúc nào cũng nghĩ đến con. Nghĩa là chúng sanh mê, quên Tánh giác có sẵn nơi mình nên tạo nghiệp đi trong luân hồi sanh tử, còn Tánh giác lúc nào cũng sẵn có nơi mỗi chúng sanh không hề thiếu mất.


CHÁNH VĂN
:

3.- Thưa Thế Tôn! Bấy giờ gã cùng tử làm thuê làm mướn lần hồi tình cờ đến nhà người cha bèn đứng lại bên cửa, xa thấy cha ngồi giường sư tử, ghế báu đỡ chân, các hàng Bà-la-môn, Sát-đế-lợi, cư sĩ đều cung kính bao quanh. Trên thân ông đó dùng chuỗi ngọc trân châu giá trị nghìn vạn để trang nghiêm, kẻ lại dân tôi tớ tay cầm phất trần trắng đứng hầu hai bên. Màn báu che trên, những phan đẹp thòng xuống, nước thơm rưới đất, rải các thứ danh hoa, các vật báu chưng bày, phát ra, thâu vào, lấy, cho v.v... có các sự nghiêm sức dường ấy, oai đức rất tôn trọng.

Gã cùng tử thấy cha có thế lực lớn liền sanh lòng lo sợ, hối hận về việc đến nhà nầy, nó thầm nghĩ rằng: “Ông này chắc là vua hoặc là bậc đồng vua, chẳng phải là chỗ của ta làm thuê mướn đặng tiền vật.

Chẳng bằng ta qua đến xóm nghèo có chỗ cho ta ra sức để đặng đồ mặc vật ăn, nếu như ta đứng lâu ở đây hoặc rồi họ sẽ bức ngặt ép sai ta làm.” Gã nghĩ như thế rồi, liền chạy mau đi thẳng
.

GIẢNG:

Gã cùng tử về đến nhà, thấy ông Trưởng giả giàu sang quá, hoảng hốt hãi kinh không dám nhìn cha, bèn bỏ chạy trốn kiếm chỗ nghèo hèn để mưu cầu ăn mặc. Cũng giống như chúng ta phát tâm cắt tóc xuất gia mà không dám nghĩ mình tu sẽ thành Phật, mặc dù hằng đêm miệng đọc tụng: “Ngã kim phát tâm bất vị tự cầu nhân thiên phước báo, Thanh văn, Duyên giác nãi chí quyền thừa chư vị Bồ-tát. Duy y Tối thượng thừa phát Bồ-đề tâm. Nguyện dữ pháp giới chúng sanh nhất thời đồng đắc A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề.” Như thế mà khi tu không dám nghĩ mình sẽ thành Phật. Vì sợ tu khó khổ, sợ độ sanh nhọc nhằn, sợ trải qua trăm ngàn kiếp quá lâu! Người tu phát nguyện lớn, ngoài việc tu tỉnh nơi mình còn phải lăn xả vào đời để giác ngộ cho chúng sanh đời đời kiếp kiếp, không biết mỏi mệt. Nếu đời này tu ít chục năm mà đã ngao ngán mệt mỏi thoái lui, như vậy không phải hạnh nguyện của Bồ-tát.

Tới đây chắc có nhiều vị sẽ đặt vấn đề với tôi: Thầy nói vậy, tại sao Thầy dự định năm tới sẽ nghỉ dạy? Có phải là Thầy đã thoái Bồ-đề tâm và muốn qui tịch không? Như quí vị đã biết đối với người thực hành Bồ-tát đạo phải tu từ Thập tín... đến Thập địa, đến Đẳng giác, Diệu giác và thành Phật. Muốn thành Phật thì phần tự giác và giác tha phải viên mãn. Nhưng riêng tôi thì những gì tôi tu tôi nhận biết đã nói hết cho quí vị nghe rồi, nếu nói nữa chỉ là việc lặp lại mà thôi, chớ không có gì mới mẻ. Tôi cần phải nghỉ để nỗ lực tu thêm, nếu có phát minh được điều gì mới lạ thì sẽ nói cho quí vị nghe, còn nếu chết thì tôi cũng đi trước quí vị được năm mười bước. Việc thầy tới đâu, trò tới đó thì có gì để học? Vì muốn cho mọi người đều được tiến không dừng thì bổn phận người hướng dẫn phải đi trước. Việc tôi nghỉ dạy không phải là thoái tịch ẩn trốn, mà tôi tự thấy rằng chỗ giác ngộ của tôi chưa viên mãn, nên phải nghỉ dạy để có thì giờ nỗ lực tiến tu. Nếu đời này hướng dẫn quí vị không kịp thì đời sau tiếp tục làm nữa, cho đến viên mãn mới thôi. Tôi không chấp nhận: “Thầy trò chỉ tiến một đoạn, rồi ngang đó dừng nghỉ không chịu tiến nữa.”


CHÁNH VĂN
:

4.- Khi đó, ông Trưởng giả ngồi nơi tòa sư tử thấy con bèn nhớ biết, lòng rất vui mừng mà tự nghĩ rằng: “Của cải kho tàng của ta nay đã có người giao phó rồi, ta thường nghĩ nhớ đứa con nầy làm sao gặp đặng, nay bỗng nó tự đến rất vừa chỗ muốn của ta, ta dầu tuổi già vẫn còn tham tiếc.” Ông liền sai người hầu cận đuổi gấp theo bắt lại.

Lúc ấy, kẻ sứ giả chạy mau qua bắt, gã cùng tử kinh ngạc lớn tiếng kêu xưng, oan: “Tôi không hề xúc phạm, nhân sao lại bị bắt?” Kẻ sứ giả bắt đó càng gấp cưỡng dắt đem về. Khi đó gã cùng tử tự nghĩ không tội chi mà bị bắt bớ đây chắc định phải chết, lại càng sợ sệt mê ngất ngã xuống đất.

Người cha xa thấy vậy bèn nói với kẻ sứ giả rằng: “Không cần người đó, chớ cưỡng đem đến, lấy nước lạnh rưới trên mặt cho nó tỉnh lại, đừng nói chi với nó.”
Vì sao? Cha biết con mình ý chí hạ liệt, tự biết mình giàu sang làm khiếp sợ cho con. Biết chắc là con rồi mà dùng phương tiện chẳng nói với người khác biết là con mình. Kẻ sứ giả nói với cùng tử: “Nay ta thả ngươi đi đâu tùy ý.”
Gã cùng tử vui mừng đặng điều chưa từng có, từ dưới đất đứng dậy, qua đến xóm nghèo để tìm cầu sự ăn mặc
.

GIẢNG:

Đã từ lâu, ông Trưởng giả tiếc sự nghiệp, mong có người thừa kế nay biết con mình đã về, nên yên lòng có người giao phó sự nghiệp. Nhưng gã cùng tử về tới cửa thấy cha quá giàu sang oai quyền, nên khiếp sợ bỏ chạy tới chỗ nghèo hèn mà nương náu. Khi bị sứ giả ví bắt gấp thì kinh sợ ngất xỉu, ông bảo thả ra lấy nước rảy cho tỉnh lại.
Ở đây nói ông Trưởng giả tham tiếc, là tham tiếc kho báu Trí tuệ Phật chưa có người truyền trao, chớ không phải tham tiếc tiền của vật chất thế gian. Tâm trạng gã cùng tử giống như tâm trạng người tu chúng ta ở giai đoạn mới vào đạo, học chút ít kinh điển, nghe nói muốn thành Phật thì phải trải qua vô số kiếp hành Bồ-tát đạo, tu Lục độ ba-la-mật nào là bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn... Bố thí ba-la-mật thì không thấy có người thí, không thấy có kẻ thọ thí và không thấy có vật đem ra bố thí. Bố thí mà không có mình, không có người, không có vật làm sao làm? Khó quá! Bèn thoái Bồ-đề tâm, hoàn tục sống làm lành lánh dữ để có chút phước đời sau hưởng. Chính vì tâm hạ liệt ấy, nên Phật phải dùng phương tiện an ủi, dắt dẫn từ từ.


CHÁNH VĂN:

5.- Bấy giờ ông Trưởng giả toan muốn dụ dẫn người con mà bày chước phương tiện, mật sai hai người, hình sắc tiều tụy không có oai đức: “Hai người nên qua xóm kia từ từ nói với gã cùng tử, nơi đây có chỗ làm trả giá gấp bội. Gã cùng tử nếu chịu thời dắt về đây khiến làm. Nếu nó có hỏi muốn sai làm gì, thời nên nói với nó rằng: thuê người hốt phân, chúng ta hai người cũng cùng ngươi chung nhau làm.” Khi đó hai người sứ liền tìm gã cùng tử, rồi thuật đủ việc như trên.

6.- Bấy giờ gã cùng tử trước hỏi lấy giá cả liền đến hốt phân. Người cha thấy con, thương xót và quái lạ. Lại một ngày khác ông ở trong cửa sổ xa thấy con ốm o tiều tụy, phân đất bụi bặm dơ dáy không sạch. Ông liền cổi chuỗi ngọc, áo tốt mịn màng cùng đồ trang sức, lại mặc áo thô rách trỉn dơ, bụi đất lấm thân, tay mặt cầm đồ hốt phân, bộ dạng đáng nể sợ, bảo những người làm rằng: “Các ngươi phải siêng làm việc chớ nên lười nghỉ.” Dùng phương tiện đó đặng đến gần người con.

Lúc sau lại bảo con rằng: “Gã nam tử này! Ngươi thường làm ở đây đừng lại đi nơi khác, ta sẽ trả thêm giá cho ngươi. Những đồ cần dùng như loại bồn, chậu, gạo, bột, muối, dấm, ngươi chớ tự nghi ngại. Cũng có kẻ tớ già hèn hạ, nếu cần ta cấp cho, nên phải an lòng, ta như cha của ngươi chớ có sầu lo.

Vì sao? Vì ta tuổi tác già lớn mà ngươi thì trẻ mạnh, ngươi thường trong lúc làm việc, không lòng dối khi trễ nải giận hờn nói lời thán oán, đều không thấy ngươi có các điều xấu đó như các người làm công khác. Từ ngày nay nhẫn sau như con đẻ của ta.” Tức thời Trưởng giả lại đặt tên cho cùng tử gọi đó là “con”.

Khi đó gã cùng tử, dầu mừng việc tình cờ đó song vẫn còn tự cho mình là khách, là người làm công hèn, vì cớ đó mà trong hai mươi năm thường sai hốt phân, sau đó lòng gã mới lần thể tin ra vào không ngại sợ, nhưng chỗ gã ở cũng vẫn nguyên chỗ cũ
.

GIẢNG:

Gã cùng tử khi gặp cha mà không dám nhận hoảng kinh bỏ chạy. Ông Trưởng giả ngầm sai hai người làm công có thân hình tiều tụy quê xấu, đến dụ dẫn cùng tử về nhà ông để hốt phân dọn dẹp cho nhà cửa sạch sẽ. Cùng tử nghe nói việc hợp với khả năng mình nên nhận làm. Nhân khi đó, ông mới hóa trang ăn mặc dơ xấu để gần gũi an ủi dụ dẫn cho con biết việc nhà và coi ông như cha.

Nghề hốt phân ngầm dụ cho công phu tu hành tẩy trừ vô minh, ba độc cấu uế. Vô minh cấu uế sạch rồi mới chứng A-la-hán. Các vị tu Thanh văn thường hành hạnh đầu-đà, mặc y bằng vải vụn kết lại nên thô xấu, ăn thì ai cho gì dùng nấy, ở dưới cội cây, sống kham khổ nên thân hình gầy ốm. Ngược lại chúng ta nhìn tượng của các Bồ-tát thì vị nào cũng to mập, ăn mặc sang trọng vui tươi. Qua hai hình ảnh đó chúng ta thấy hạnh Thanh văn tu thì phải cần khổ, nỗ lực tư duy Thiền quán để diệt trừ phiền não ngay trong kiếp này, không muốn tái sanh lại nữa. Còn Bồ-tát được Trí tuệ Bát-nhã thấy các pháp như huyễn, nên tùy duyên ứng hóa, không sợ sanh tử, không cầu Niết-bàn. Thể theo hạnh nguyện, các ngài hiện thân hợp với sở thích của chúng sanh, để gần gũi thân cận mà giáo hóa làm lợi ích cho họ.

Vì tâm hạ liệt của chúng sanh không kham nhận được pháp lớn, nên sau khi Phật thành đạo ở dưới cội bồ-đề, Ngài suy gẫm nếu đem chỗ chứng ngộ của Ngài ra giảng nói, e chúng sanh không tin nổi, nên Ngài mới phương tiện nói Tứ đế là thời pháp đầu tiên tại vườn Lộc Uyển. Trước hết chỉ cho chúng sanh thấy sanh già bệnh chết là khổ; kế đó chỉ cho tập nhân gây ra khổ đau là tham sân si... vô minh phiền não; tiếp theo là nêu bày cảnh giới an vui sau khi đã diệt hết vô minh phiền não; sau cùng là dạy cho phương pháp đoạn diệt vô minh phiền não. Đây là hình ảnh của ông Trưởng giả cởi hết châu ngọc trang sức, mặc y phục thô xấu, cầm đồ hốt phân đến gần cùng tử để an ủi vỗ về và bảo coi ông như cha, những vật dụng có sẵn trong nhà cứ tự nhiên lấy dùng. Gã cùng tử được ông Trưởng giả coi như con, nhưng chưa dám nhận mình là con Trưởng giả. Cũng vậy, tuy hàng Thanh văn tu học theo pháp Phật dạy, nhưng chưa dám tin mình tu sẽ được thành Phật.

No comments:

Post a Comment