Tuesday, January 25, 2011

Kinh Diệu Pháp Liên Hoa giảng giải part 12

CHÁNH VĂN:

9.- Bấy giờ bốn bộ chúng: Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ni, cận sự nam, cận sự nữ và cả đại chúng: trời, rồng, dạ-xoa, càn-thát-bà, a-tu-la, ca-lâu-la, khẩn-na-la, ma-hầu-la-dà v.v... thấy Xá-lợi-phất ở trước Phật lãnh lấy lời dự ghi sẽ thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, lòng rất vui mừng hớn hở vô lượng. Mỗi người đều cổi y trên của mình đang đắp để cúng dường Phật. Thích đề-hoàn nhơn cùng Phạm Thiên vương v.v... và vô số thiên tử cũng đem y đẹp của trời, hoa trời mạn-đà-la, ma-ha mạn-đà-la v.v... cúng dường nơi Phật. Y trời tung lên liền trụ giữa hư không mà tự xoay chuyển. Các kỹ nhạc trời trăm nghìn muôn thứ ở giữa hư không đồng thời đều trỗi. Rưới các thứ hoa trời mà nói lời rằng:

- Đức Phật xưa ở thành Ba-la-nại, ban đầu chuyển pháp luân, đến nay mới lại chuyển pháp luân rất lớn Vô thượng.

Lúc đó các thiên tử muốn tuyên lại nghĩa trên mà nói kệ rằng:

10.-
Xưa ở thành Ba-nại
Chuyển pháp luân bốn đế
Phân biệt nói các pháp
Sanh diệt của năm nhóm
Nay lại chuyển pháp luân
Rất lớn diệu Vô thượng
Pháp đó rất sâu mầu
Ít có người tin được.
Chúng ta từ xưa lại
Thường nghe Thế Tôn nói
Chưa từng nghe thượng pháp
Thâm diệu như thế này.
Thế Tôn nói pháp đó
Chúng ta đều tùy hỉ
Đại trí Xá-lợi-phất
Nay được lãnh Phật ký
Chúng ta cũng như vậy
Quyết sẽ đặng thành Phật
Trong tất cả thế gian
Rất tôn không còn trên
Phật đạo chẳng thể bàn
Phương tiện tùy nghi nói
Ta bao nhiêu nghiệp phước
Đời nay hoặc quá khứ
Và công đức thấy Phật
Trọn hồi hướng Phật đạo
.

GIẢNG:

Lần đầu đức Phật nói pháp Tứ đế ở vườn Lộc Uyển, để phá ngã chấp cho năm anh em ông Kiều-trần-như khiến chứng Niết-bàn Thanh văn. Nay đức Phật nói pháp Vô thượng vi diệu khó tin khó hiểu, mà ngài Xá-lợi-phất có khả năng tin nhận và được Phật thọ ký, cho nên tất cả thính chúng trong pháp hội đều vui mừng tùy hỉ. Theo các kinh A-hàm thì ngài Xá-lợi-phất là đệ tử lớn của Phật, là người được thời trí, tức là trí tuệ ứng đối kịp thời, hỏi là đáp không cần suy nghĩ, khiến cho người nghe tiếp nhận dễ dàng, nên được khen ngợi là người trí tuệ bậc nhất, là hàng thượng căn. Khi nghe Phật nói pháp tối thượng vi diệu thì Ngài ngộ trước. Cả hội chúng đều hớn hở vui mừng cúng dường y, cúng dường hoa lên đức Phật. Đó là tâm tùy hỉ của người xưa vì đạo. Còn phần đông chúng ta ngày nay thấy có người hơn mình thì không vui, khởi lên những niệm tỵ hiềm, nên tu không tiến là ở chỗ đó. Phần Trùng tụng lặp lại ý trên không có gì khác nên khỏi giảng.


CHÁNH VĂN:

11.- Bấy giờ, Xá-lợi-phất bạch rằng:
- Thế Tôn! Con nay không còn nghi hối, tự mình ở trước Phật đặng thọ ký thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Các vị tâm tự tại một nghìn hai trăm đây, lúc xưa ở bậc hữu học, Phật thường dạy rằng: Pháp của ta hay lìa sanh, già, bệnh, chết, rốt ráo Niết-bàn. Các vị hữu học, vô học đây cũng đều đã tự rời chấp ngã cùng chấp có, chấp không v.v... nói là đặng Niết-bàn, mà nay ở trước đức Thế Tôn nghe chỗ chưa từng nghe, đều sa vào nghi lầm. Hay thay Thế Tôn! Xin Phật vì bốn chúng nói nhân duyên đó, khiến lìa lòng nghi hối.


GIẢNG:

Ngài Xá-lợi-phất thấy chỉ có Ngài và Bồ-tát Kiên Mãn được thọ ký, số người còn lại chưa được thọ ký. Với tâm lượng của đàn anh, Ngài được lợi ích thế nào thì cũng muốn cho huynh đệ được lợi ích như thế ấy, nên Ngài bạch với Phật rằng nay con không còn nghi hối, được Phật thọ ký. Còn một ngàn hai trăm năm mươi vị Tỳ-kheo thuộc hàng hữu học và vô học ở trong chúng, thường theo Phật nghe pháp Tứ đế tu chứng Niết-bàn, nghe Thế Tôn nói về Tri kiến Phật, các Tỳ-kheo ấy nghi ngờ không biết mình có kham làm Phật không? Ngài Xá-lợi-phất muốn đức Phật vì một ngàn hai trăm năm mươi Tỳ-kheo ấy mà giải thích rõ hơn, nên Ngài vừa tán thán công đức những vị ấy vừa cầu xin đức Phật thương xót mà nói pháp cho họ hết nghi lầm, đều được thọ ký như Ngài. Đó là tâm hạnh của Bồ-tát. Còn tâm lượng phàm phu thì khác, chỉ muốn mình hơn người chớ không muốn người bằng mình, vì có người bằng mình thì mình mất giá trị. Đó là tâm bệnh của chúng ta hiện nay.


CHÁNH VĂN:

12.- Khi ấy, Phật bảo ngài Xá-lợi-phất:
- Ta trước đâu không nói rằng: Các Phật Thế Tôn dùng các món nhân duyên lời lẽ thí dụ phương tiện mà nói pháp đều là đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác ư? Các điều nói đó đều vì dạy hàng Bồ-tát vậy. Nhưng Xá-lợi-phất! Nay ta sẽ dùng một thí dụ để chỉ rõ lại nghĩa đó, những người có trí do thí dụ mà đặng hiểu
.

GIẢNG:

Tới đây, đức Phật bắt đầu chỉ cho mọi người biết rằng đoạn trước chư Phật dùng phương tiện này phương tiện nọ để giáo hóa chúng sanh, nhưng cuối cùng chỉ đưa họ đến quả vị Phật. Bây giờ muốn rõ thì nghe Phật thí dụ:


CHÁNH VĂN:

13.- Xá-lợi-phất! Như trong quốc, ấp, tụ lạc có vị Đại trưởng giả tuổi đã già suy, của giàu vô lượng, có nhiều nhà ruộng và các tôi tớ. Nhà ông rộng lớn mà chỉ có một cửa để ra vào, người ở trong đó rất đông: hoặc một trăm, hai trăm, cho đến năm trăm người, lầu gác đã mục, vách phên sụp đổ, chưn cột hư nát, trính xuyên xiêu ngã, bốn phía đồng một lúc, lửa bỗng nổi lên đốt cháy nhà cửa.

Các người con của Trưởng giả hoặc mười người, hoặc hai mươi người, hoặc đến ba mươi người ở trong nhà đó.

14.- Trưởng giả thấy lửa từ bốn phía nhà cháy lên, liền rất sợ sệt mà nghĩ rằng: Ta dầu có thể ở nơi cửa của nhà cháy này ra ngoài rất an ổn, song các con ở trong nhà lửa ưa vui chơi giỡn, không hay biết, không sợ sệt, lửa đến đốt thân rất đau khổ lắm, mà lòng chẳng nhàm lo, không có ý cầu ra khỏi.

Xá-lợi-phất! Ông Trưởng giả đó lại nghĩ: Thân và tay của ta có sức mạnh, nên dùng vạt áo hoặc dùng ghế v.v... từ trong nhà mà ra ngoài. Ông lại nghĩ: Nhà này chỉ có một cái cửa mà lại hẹp nhỏ, các con thơ bé chưa hiểu, mê đắm chơi giỡn hoặc vấp ngã bị lửa đốt cháy, ta nên vì chúng nó mà nói những việc đáng sợ.

Nhà này đã bị cháy phải liền mau ra, chớ để bị lửa đốt hại. Nghĩ như thế rồi theo chỗ đã nghĩ đó mà bảo các con: “Các con mau ra!” Cha dầu thương xót khéo nói để dụ dỗ, mà các người con ưa vui chơi chẳng khứng tin chịu, chẳng sợ sệt, trọn không có lòng muốn ra, lại cũng chẳng hiểu gì là lửa? Gì là nhà? Thế nào là hại? Chỉ cứ Đông Tây chạy giỡn nhìn cha mà thôi
.

GIẢNG:

Đây là cái cớ đầu tiên của bậc đại trí, đức Phật đưa ví dụ ông Trưởng giả tuổi già, giàu có, nhiều ruộng vườn tôi tớ, nhà rộng lớn chỉ có một cửa để ra vào, cột kèo trính xuyên hư mục, vách phên xiêu vẹo, con trong nhà có hàng mấy chục người đang nô đùa chơi giỡn, bỗng lửa bốc cháy bốn phía nhà.

Thấy lửa bốc cháy, ông Trưởng giả lo ngại và nghĩ rằng ông tuy ở trong nhà lửa, nếu muốn ra thì ra một cách dễ dàng, còn đám con của ông cứ mải miết chơi giỡn, không hề hay biết, không hề sợ lửa đốt cháy thân mình, cũng không có ý muốn ra khỏi nhà lửa. Ông Trưởng giả bảo các con mau ra khỏi nhà lửa, thế mà các người con không nghe nhìn ông rồi cứ chạy giỡn.

Nhà lửa là chỉ cho cõi Dục, cõi Sắc và cõi Vô sắc đang bị lửa vô thường, lửa tham, sân, si thiêu đốt, mà chúng sanh ở trong ba cõi này không hay biết, không có ý muốn ra. Chúng ta sống trong cõi đời này, một ngày trôi qua là một ngày bị lửa vô thường thiêu đốt mòn một phần thân thể, một tháng trôi qua là một tháng bị lửa vô thường thiêu đốt thân mình, một năm trôi qua là một năm bị lửa vô thường thiêu hoại hình hài. Rồi sáu mươi năm, bảy mươi năm, tám mươi năm toàn thân con người bị thiêu rụi, hoàn toàn sụp đổ. Lửa vô thường thiêu đốt, làm hư hoại người vật từng giây phút, từng ngày giờ, từng năm tháng mà chúng ta không hay không biết! Xưa ông Trụ trì Thiện Phát ở Phước Hòa có vóc dáng tráng kiện, tươi trẻ, khi tới Huệ Nghiêm cũng còn khỏe mạnh, rồi tới Chân Không sức cũng còn kha khá, bây giờ ở Thường Chiếu thì đã già nua yếu đuối. Đó là một bằng chứng cụ thể, lửa vô thường âm thầm thiêu đốt tất cả người vật không ngừng nghỉ.

Chúng ta xét kỹ rồi thương mình thương người, dù cho người có nhiều tiền của, nhà lầu, xe hơi, quyền thế danh vọng cũng không thoát được cái nạn lửa vô thường thiêu đốt. Vậy mà con người cứ mải đuổi theo danh lợi quyền thế và mong cho ngày tháng qua mau, trông chờ xuân đến để thực hiện những mộng mơ ước muốn của mình cho tốt. Đâu ngờ rằng mong ngày tháng qua mau, là mong lửa vô thường sớm thiêu rụi hình hài này! Tâm người quá mâu thuẫn, luôn luôn sợ chết, không muốn chết sớm, mà mong ngày tháng qua mau, thật là mê lầm điên đảo đáng thương. Nên Phật thuyết giáo cho biết thân là vô thường, các pháp là hư dối, tuy có nghe nhưng vẫn còn mê say ngũ dục, chưa có ý muốn ra khỏi. Cũng giống như những đứa con ông Trưởng giả, tuy nghe cha nói nhà cháy sắp sụp đổ, nguy hiểm tới rồi, mà vẫn cứ mải mê chơi giỡn, không chịu chạy ra, không nghe lời cha khuyên bảo. Đó là những đứa con ngu si bất hiếu. Vậy mà đêm nào chúng ta cũng lạy Phật cầu nguyện: Con kính tin Tam Bảo, học tu theo giáo pháp Phật để được giải thoát sanh tử. Và những buổi sám hối quì thưa có vẻ thống thiết lắm, nhưng rồi thì chứng nào tật nấy không chịu sửa đổi.

Đời sống của người tu là đời sống cao thượng, ý thức được lý vô thường, biết rõ lửa vô thường đang âm ỉ đốt cháy thân mình, mong muốn thoát ra khỏi nhà lửa nên mới đi tu. Thế mà khi đi tu rồi lại quên, cũng tìm cách này cách nọ để giải trí cho vui, giết chết thì giờ vô ích. Để thời giờ và công sức vào việc tu học thì thấy như làm một việc khó nhọc cực khổ. Thí dụ tối và khuya tôi tăng giờ tụng kinh và ngồi thiền thì quí vị ngán, than không kham nổi. Còn nếu để cho quí vị vui chơi văn nghệ tới khuya thì không ai than thở, lại còn lấy làm thích thú. Vậy văn nghệ có cứu quí vị thoát khỏi lửa vô thường thiêu đốt không? Hay chỉ là những trò chơi giải trí cho vui, qua rồi thì mất? Việc tu là việc cấp thiết để giải khổ thì lại lơ là!

Vì biết chư Tăng Ni có chí nguyện xuất gia cầu giải thoát sanh tử, tức là cầu ra khỏi nhà lửa, cho nên tôi khuyến khích thúc đẩy cho quí vị nỗ lực tu hành. Khuyến khích thúc đẩy là cái duyên tốt đưa quí vị ra khỏi sanh tử luân hồi, mà quí vị không biết đón nhận, lại có ý tránh né. Có người nói ở đây vừa làm việc, vừa học, vừa tu cực quá, để đi chỗ khác tu cho khỏe. Tu là tu cho quí vị chớ đâu phải tu cho tôi, quí vị tu một ngày là quí vị được lợi ích một ngày, tôi có được lợi ích gì đâu? Chúng ta mê muội tập khí sâu dày, tuy có tỉnh giác phát nguyện xuất gia, tuy xuất gia nhưng lâu rồi quên, trở lại thói cũ là ngu si của thuở xưa, cũng ham chơi, chạy theo những thú vui của thế tục, chớ không chịu lo tu hành để giải thoát sanh tử. Nếu là người trí khi đã xuất gia rồi thì trong lòng đau đáu, nghĩ phải làm sao thoát khỏi cái nhà lửa này, chớ không ngồi yên chờ cho lửa cháy tới thiêu rụi cả nhà, cả thân. Khi nào ra khỏi nhà lửa rồi mới an ổn vui chơi. Ngày nào còn trong nhà lửa là ngày đó phải tỉnh giác, biết sợ cái hiểm nguy của lửa vô thường thiêu đốt mà cố gắng thoát ra.


CHÁNH VĂN
:

15.- Bấy giờ Trưởng giả liền nghĩ, nhà này đã bị lửa lớn đốt cháy, ta cùng các con nếu không liền ra chắc sẽ bị cháy, ta nay nên bày chước phương tiện khiến cho các con được khỏi nạn này.

Cha biết các con đều vẫn có lòng thích các đồ chơi trân báu lạ lùng, nếu có chắc chúng nó ưa đắm, mà bảo các con rằng: “Đây này là những món ít có, khó đặng mà các con có thể vui chơi, nếu các con không ra lấy sau chắc buồn ăn năn. Các thứ xe dê, xe hươu, xe trâu như thế, nay ở ngoài cửa có thể dùng dạo chơi, các con ở nơi nhà lửa, nên mau ra đây, tùy ý các con muốn, cha đều sẽ cho các con.”

Lúc bấy giờ, các người con nghe cha nói đồ chơi báu đẹp vừa ý mình, nên lòng mỗi người đều mạnh mẽ xô đẩy lẫn nhau, cùng đua nhau ruổi chạy, tranh ra khỏi nhà lửa. Khi đó Trưởng giả thấy các con đặng an ổn ra khỏi nhà lửa, đều ở trong ngã tư đường ngồi nơi đất trống không còn bị chướng ngại, tâm ông thơ thới vui mừng hớn hở.
Bấy giờ các người con đều thưa với cha rằng: “Cha lúc nãy hứa cho những đồ chơi tốt đẹp, nào xe dê, xe hươu, xe trâu xin liền ban cho.



GIẢNG:

Nghiệm lại mới thấy cái si mê của chúng ta quá lắm, đang bị nguy hiểm bủa vây, đáng sợ mà không sợ, lại cứ mải miết tham mê, Phật kêu ra mà không ra. Thật đáng thương! Cho nên Ngài mới tìm cách dẫn dụ.

Trưởng giả biết các con ham chơi, ưa thích đồ quí đẹp, nên bảo: “Các con mau ra khỏi nhà lửa, cha sẽ cho đồ chơi quí tốt như xe dê, xe hươu, xe trâu, ở ngoài cửa sẽ tùy ý dạo chơi, hãy ra mau!” Các người con nghe có đồ chơi tốt quí sanh lòng ham thích, đua nhau chạy ra.

Tất cả chúng ta đều mê lầm nên Phật nói thẳng lẽ thật, chúng ta không kham tin nhận nên Ngài phải dùng phương tiện dụ dỗ mới chịu nghe. Cái mà đem ra dụ dỗ thì không thật, nhưng đức Phật lại nói. Tuy là cái dụ dỗ không thật mà vẫn hơn. Khi chúng sanh tu để ra khỏi nhà lửa tam giới, chỉ nghĩ sẽ được quả Thanh văn, Duyên giác, Bồ-tát. Nhưng khi ra khỏi nhà lửa rồi thì được Phật chỉ cho Phật thừa bình đẳng, quá sức tưởng tượng, quá điều mong ước của chúng sanh.

Tới đây, chúng ta mới thấy lòng từ bi của đức Phật vô lượng vô biên, Ngài dùng đủ mọi phương tiện dẫn dụ, thế mà chúng ta có người nghe có người không nghe, cứ quanh quẩn trong cảnh nguy hiểm khổ đau không chịu ra. Thậm chí Ngài phải khai thác tâm lý để dẫn dụ: Ráng niệm Phật chừng mười câu, nếu được nhất tâm bất loạn thì được Phật A-di-đà và Thánh chúng đón về Cực lạc, ở đó không có khổ, cực kỳ vui sướng, muốn gì được nấy. Ngài biết chúng sanh đang ham mê ngũ dục lạc ở thế gian, ham tiền của, vàng bạc châu báu nên Phật nói ở cõi Cực Lạc đất cát thì bằng vàng, có lan can, lưới, cây, ao bằng bảy báu, lầu các làm bằng pha lê, xa-cừ, xích châu, mã não. Chúng sanh tham ưa mùi thơm, sắc đẹp, tiếng hay thì Phật nói cõi Cực Lạc có hoa sen lớn, có ánh sáng đủ màu, mùi thơm vi diệu, có nhạc trời, chim báu ngày đêm ca hát với âm thanh tuyệt diệu. Thích ăn ngon, Phật nói ở Cực Lạc muốn ăn liền có ăn... toàn là những cái đúng với sở thích của chúng sanh. Như vậy cho thấy đức Phật từ bi đáo để và rất khéo dùng phương tiện trị bệnh đam mê dục lạc của chúng sanh ở cõi này. Phật nói thẳng chúng sanh không nghe, không tin, nên phải dẫn dụ, dụ bằng cách này không được thì dụ bằng cách khác. Thấy tâm lượng của Phật, chúng ta vừa tôn kính Phật, mà cũng vừa tức cười cho mình là đứa bé bị dụ dỗ!


CHÁNH VĂN
:

16.- Xá-lợi-phất! Khi đó Trưởng giả đều cho các con đồng một thứ xe lớn, xe đó cao rộng chưng dọn bằng các món báu, lan can bao quanh, bốn phía treo linh, lại dùng màn lọng giăng che ở trên, cũng dùng đồ báu đẹp tốt lạ mà trau dồi đó, dây bằng báu kết thắt các dải hoa rủ xuống, nệm chiếu mềm mại trải chồng, gối đỏ để trên, dùng trâu trắng kéo, sắc da mập sạch, thân hình mập đẹp, có sức rất mạnh, bước đi ngay bằng mau lẹ như gió, lại có đông tôi tớ để hầu hạ đó.

Vì cớ sao? Vì ông Trưởng giả đó của giàu vô lượng, các thứ kho tàng thảy đều đầy ngập, ông nghĩ rằng: “Của cải của ta nhiều vô cực, không nên dùng xe nhỏ xấu kém mà cho các con, nay những trẻ thơ này đều là con của ta, đồng yêu không thiên lệch, ta có xe bằng bảy báu như thế số nhiều vô lượng nên lấy lòng bình đẳng mà đều cho chúng nó, chẳng nên sai khác.

Vì sao? Dầu đem xe của ta đó khắp cho cả người một nước hãy còn không thiếu huống gì các con.” Lúc ấy, các người con đều ngồi xe lớn đặng điều chưa từng có, không phải chỗ trước kia mình trông.


GIẢNG:

Ông Trưởng giả dụ những người con ra khỏi nhà lửa sẽ cho ba xe, nhờ vậy mà chúng đua nhau chạy ra khỏi nhà lửa. Khi chúng ra rồi ông Trưởng giả không cho ba xe, mà chỉ cho xe trâu trắng lớn bậc nhất, trang trí bằng những vật quí giá. Sở dĩ ông cho như vậy là vì tâm ông bình đẳng không muốn có sự sai biệt giữa các con. Vả lại ông là người giàu có của cải vô lượng, giả sử cho xe tốt đó khắp người trong thiên hạ cũng không thiếu. Vậy, xe trâu trắng đó là dụ cho Tri kiến Phật có sẵn nơi mỗi người; nếu biết quay lại với chính mình, không đuổi theo trần cảnh thì Tri kiến Phật hiện tiền, lúc bấy giờ an vui, tự do, tự tại, vô ngại.

Qua thí dụ này, chúng ta thấy cái đặc biệt của đạo Phật là nêu lên những cảnh vô thường, khổ não, bất như ý thường xuyên chi phối con người. Sau khi chỉ cho thấy những khổ đau rồi dạy phải tu để thoát khỏi cảnh khổ đó, thì sẽ được an vui tự tại vô ngại. Mới thoạt nhìn thấy đạo Phật như bi quan, nhưng nếu biết nhìn và biết sống đúng lẽ thật thì đạo Phật rất lạc quan và tích cực.


CHÁNH VĂN:

17.- Xá-lợi-phất! Ý của ông nghĩ sao? Ông Trưởng giả đó đồng đem xe trân báu lớn cho các người con, có lỗi hư vọng chăng?

Xá-lợi-phất thưa:

- Thưa Thế Tôn! Không, ông Trưởng giả đó chỉ làm cho các người con đặng khỏi nạn lửa, toàn thân mạng chúng nó chẳng phải là hư vọng. Vì sao? Nếu được toàn thân mạng bèn đã được đồ chơi tốt đẹp, huống nữa là dùng phương tiện cứu vớt ra khỏi nhà lửa.
Thế Tôn! Dầu ông Trưởng giả đó nhẫn đến chẳng cho một thứ xe rất nhỏ còn chẳng phải hư vọng. Vì sao? Vì ông Trưởng giả đó trước có ý nghĩ như vầy: Ta dùng chước phương tiện cho các con được ra khỏi, vì nhân duyên đó nên không hư vọng vậy. Huống gì ông Trưởng giả tự biết mình của giàu vô lượng muốn lợi ích cho các con mà đồng cho xe lớn.



GIẢNG:

Đức Phật hỏi ngài Xá-lợi-phất: Ông Trưởng giả hứa cho ba xe, bấy giờ các con ra khỏi nhà lửa, ông chỉ cho có một xe trâu trắng, như vậy ông có lỗi dối gạt không? Ngài Xá-lợi-phất trả lời không. Vì ông Trưởng giả muốn cho các con khỏi bị lửa thiêu đốt thân mạng, nên dùng phương tiện dẫn dụ cho ra khỏi nhà lửa để thoát khỏi nạn khổ. Chẳng những không cho xe nhỏ mà lại cho xe lớn là điều quá tốt, quá sức tưởng tượng của các con, khiến chúng được điều chưa từng có, lợi ích vui sướng khôn lường. Cũng vậy, Phật thuyết pháp lập ba thừa: Thanh văn, Duyên giác, Bồ-tát rõ ràng. Tới đây Phật nói ba thừa đó không thật, chỉ có Phật thừa mới là cứu kính. Như vậy là sao? Điều này chúng ta phải hiểu cho thật kỹ. Đức Phật với tâm bình đẳng thương chúng sanh như nhau, không muốn có sự sai biệt giữa người này với người khác. Sở dĩ trước Phật lập ba thừa là vì căn cơ chúng sanh còn thấp, nên Phật tùy theo đó mà phương tiện hướng dẫn từ từ. Nay chúng đã đủ khả năng tin nhận nên Phật chỉ thẳng Phật thừa rốt ráo, để tất cả đều được lợi ích như nhau.


CHÁNH VĂN:

18.- Phật bảo ngài Xá-lợi-phất:

- Hay thay! Hay thay! Như lời ông nói, Xá-lợi-phất! Như Lai cũng lại như thế, Phật là cha của tất cả thế gian, ở nơi các sự sợ hãi suy não lo buồn vô minh che tối hết hẳn không còn thừa, mà trọn thành tựu vô lượng tri kiến, trí lực, vô sở úy, có sức đại thần thông cùng sức trí huệ đầy đủ các món phương tiện, trí huệ ba-la-mật, đại từ đại bi thường không hề lười mỏi. Hằng vì cầu việc lành lợi cho tất cả muôn loại mà sanh vào nhà lửa tam giới cũ mục này, để độ chúng sanh ra khỏi nạn lửa: sanh, già, bệnh, chết, lo buồn khổ não, ngu si tối tăm, ba độc; dạy bảo cho chúng sanh đặng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

19.- Ta thấy các chúng sanh bị những sự sanh, già, bệnh, chết, lo buồn, khổ não nó đốt cháy, cũng vì năm món dục tài lợi mà bị các điều thống khổ. Lại vì tham mê đeo đuổi tìm cầu nên hiện đời thọ các điều khổ, đời sau thọ khổ địa ngục, súc sanh, ngạ quỉ. Nếu sanh lên trời và ở trong loài người thời nghèo cùng khốn khổ, bị khổ về người yêu thường xa lìa, kẻ oán ghét lại gặp gỡ. Các món khổ như thế mà chúng sanh chìm trong đó vui vẻ dạo chơi, chẳng hay chẳng biết, chẳng kinh chẳng sợ, cũng chẳng sanh lòng nhàm, không cầu giải thoát; ở trong nhà lửa tam giới này Đông Tây rảo chạy, dầu bị khổ nhiều vẫn chẳng lấy làm lo.



GIẢNG:

Đức Phật là bậc trí tuệ viên mãn, có đủ trí lực, vô sở úy, thần thông, ba-la-mật, vì thương tất cả chúng sanh còn đang mê đắm ngũ dục trong nhà lửa tam giới, nên Ngài mới nguyện sanh vào trong nhà lửa này để độ tất cả ra khỏi nhà lửa. Lửa đó là lửa: sanh, già, bệnh, chết, tham, sân, si, lo, buồn. Lửa sanh, già, bệnh, chết âm ỉ thiêu đốt con người từ lúc tóc xanh cho tới bạc đầu không lúc nào dừng nghỉ. Còn lửa tham tài, tham sắc, tham danh... người muốn có nhiều tiền của hay danh vọng thì phải lao thần, hao khí, tổn giảm sức lực nhiều mới có tiền tài, danh vọng, và đã có rồi thì phải phí công gìn giữ. Kinh Tứ Thập Nhị Chương, Phật có thí dụ: “Một cây hương khi được đốt lên, mùi hương lan tỏa dần ra, người xung quanh ngửi được mùi thơm thì cây hương cháy đã gần tàn.” Cũng vậy, khi chúng ta tạo cho đủ điều kiện để thành danh, có quyền lợi thì sức lực đã hao mòn, thân già tóc bạc... Nếu tham mà không được thỏa mãn thì sân hận nổi lên, hoặc lo buồn dấy khởi, tinh thần rối loạn, nói xằng làm bậy, thân tâm bất an, sức khỏe suy yếu. Đó là lửa tham, lửa sân, lửa si thiêu đốt con người, khiến cho người khổ đau bất tận.

Sở dĩ chúng ta bị sanh, già, bệnh, chết, tham, sân, lo, buồn, khổ não đốt cháy, là vì chúng ta thích ưa năm món dục lạc ở thế gian là sắc, thanh, hương, vị, xúc. Mắt thì mê sắc đẹp, tai thì ưa tiếng hay, mũi thì thích mùi thơm, lưỡi thì ưa vị ngon, thân thì thích xúc chạm cái trơn, láng, mềm, ấm... Nếu chạy theo năm món đó thì con người đau khổ. Suốt ngày đi làm nhọc mệt cho có tiền, để ăn cho thật ngon, mặc cho thật đẹp rồi tối đi xem hát, nghe nhạc... Cả ngày làm vất vả nhọc nhằn chỉ để thỏa mãn năm món dục lạc. Càng đuổi theo dục lạc càng bị lửa tham dục, lửa sân hận, lửa si mê đốt cháy khốn khổ vô cùng. Chẳng những khổ trong đời hiện tại, mà chính vì đuổi theo danh lợi, tài sắc mà con người gây nhiều tội lỗi tày trời. Khi đã tạo những cái nhân tày trời rồi, thì quả khổ địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh ở đời sau không tránh khỏi. Và thọ báo xong, nếu trở lại làm người thì cũng làm người cùng khổ, lại bị cái khổ người yêu thương xa lìa, kẻ oán ghét lại gặp gỡ; bao nhiêu thứ khổ dồn dập không có ngày dừng, không có ngày ra.


CHÁNH VĂN:

20.- Xá-lợi-phất! Đức Phật thấy việc này rồi bèn nghĩ rằng: “Ta là cha của chúng sanh nên cứu chúng nó ra khỏi nạn khổ đó, ban vô lượng vô biên món trí huệ vui của Phật để chúng nó dạo chơi.”

Xá-lợi-phất! Đức Như Lai lại nghĩ: “Nếu ta chỉ dùng sức thần thông cùng sức trí huệ bỏ chước phương tiện, mà vì chúng sanh khen ngợi các món tri kiến, trí lực, vô sở úy của Như Lai, ắt chúng sanh chẳng có thể do đó mà đặng độ thoát.”

Vì sao? Vì các chúng sanh đó chưa khỏi sự sanh, già, bệnh, chết, lo buồn, đau khổ, đương bị thiêu đốt trong nhà lửa tam giới, làm sao có thể hiểu được trí huệ của Phật
.

GIẢNG:

Con người mê lầm ngay trong đời hiện tại, khi còn khỏe mạnh thì chạy theo tài sắc, danh lợi... đến khi già chết thì lại lo di chúc cho con cháu chọn đất tốt để chôn, xây mộ cho kiên cố... Chết là thân tứ đại trả về cho tứ đại, thân này vô thường không giữ được, thế mà muốn tạo cái mộ để đời, tất cả đều là tướng vô thường làm sao giữ được? Lớp mê lầm này chồng chất lên lớp mê lầm kia, khổ này chồng lên khổ khác, bao giờ mới ra khỏi?

Đức Phật nói Ngài có đủ sức thần thông và trí lực vì chúng sanh nói thẳng kinh Pháp Hoa, nhưng Ngài không áp dụng. Vì sức chúng sanh chưa kham tin nhận, nên phải bày những phương tiện như Tam thừa, hay cõi Cực Lạc... Nhờ những phương tiện này chúng sanh ứng dụng tu hành, tự thấy rõ ở trong tam giới là khổ, ham thích quả Thanh văn, Duyên giác, Bồ-tát là chỗ an vui, để tự cố gắng thoát ra khỏi nhà lửa tam giới. Phật ra vào trong tam giới tự do không ngại, tại sao Ngài không dùng thần thông hay trí lực đưa chúng sanh ra khỏi luân hồi sanh tử mà phải dùng phương tiện dẫn dụ? Vì muốn ra khỏi luân hồi sanh tử vĩnh viễn, thì mỗi người phải tự ý thức luân hồi sanh tử là khổ đau và tìm lối thoát ra. Đó là mỗi người tự tạo nhân rồi thọ quả, chớ Phật không thế được. Ví dụ một học giả thông minh tài giỏi đỗ Tiến sĩ, có những đứa con lười biếng học, ông biết học dốt thì thua sút bạn bè, ra đời khó sống. Ông thương, muốn chúng nó học giỏi như ông, mà chúng cứ lười biếng ỷ lại cha mình là người thông minh tài giỏi nên không chịu học hành. Ông tuy thương con, nhưng không thể đem cái thông minh học giỏi của mình cho con được, nên mới dụ các con hãy ráng học ông sẽ cho đồ chơi, để cho các con ham mà lo học thành người tài giỏi. Cũng giống như Phật dẫn dụ chúng sanh thực hành theo lời Ngài dạy để được hết khổ...

Hiện tại chúng ta tu cứ cầu Phật cho mình thế này cho mình thế khác. Rõ ràng, nếu cho được cứu được thì Phật đã dùng thần thông trí lực khiến cho chúng sanh không già, không bệnh, không chết, cũng như hết tham, hết sân, hết si. Thế mà, chính thân tứ đại của Ngài cũng già cũng chết; tham, sân, si cũng do Ngài tu mới hết và mới thành Phật. Đây là một lẽ thật mà tất cả mọi người tu Phật phải biết và cố gắng thực hành lời Phật dạy để thoát khỏi khổ đau, chớ không phải do lễ lạy van vái mà Phật ban vui cứu khổ cho chúng ta được.

No comments:

Post a Comment