Friday, January 14, 2011

Kinh Diệu Pháp Liên Hoa giảng giải part 7 (phẩm thứ 2)

PHẨM 2

PHƯƠNG TIỆN


Phương tiện là tùy theo sở cầu trong mỗi giai đoạn của người mà tạm thời làm lợi ích. Nói cách khác, phương tiện là từng bậc thang đưa người đi từ dễ đến khó, từ thấp đến cao, từ chỗ tạm đến chỗ chân thật rốt ráo. Trí tuệ Phật viên mãn nên có vô số phương tiện hướng dẫn chúng sanh từ mê tới giác là chỗ cứu kính chân thật.
Chúng ta thấy ở phẩm Tựa, Phật nhập định, hiện tướng lạ, không nói một lời... để thính chúng nương tướng lạ đó mà ngầm nhận ra thâm ý Phật muốn chỉ. Tới phẩm Phương Tiện, Ngài mới bắt đầu dùng ngôn giáo. Tôi đi xa hơn một chút, theo tinh thần phán giáo của ngài Thiên Thai thì kinh Hoa Nghiêm và kinh Pháp Hoa là hai bộ kinh được nói ở đầu và cuối đời đức Phật. Ngài ví dụ: Mặt trời khi mới mọc, ánh sáng chiếu thẳng trên đỉnh núi và khi sắp lặn, ánh sáng cũng chiếu thẳng trên đỉnh núi. Khi Phật mới thành đạo nói kinh Hoa Nghiêm và sắp Niết-bàn nói kinh Pháp Hoa. Hai kinh được nói ở hai thời điểm khác nhau mà chỉ thú không hai. Kinh Hoa Nghiêm ở phẩm Nhập Pháp Giới được coi là tối quan trọng. Trong phẩm này, Thiện Tài đồng tử được Bồ-tát Văn-thù khuyến khích đi tham vấn năm mươi ba vị thiện hữu tri thức. Đầu tiên Thiện Tài đến ngọn Diệu Phong để tham vấn Tỳ-kheo Đức Vân. Nhưng lên tận đỉnh Diệu Phong, Thiện Tài không gặp Tỳ-kheo Đức Vân. Lúc trở xuống thì gặp Ngài ở ngọn Biệt Phong, chừng đó mới đàm đạo tham vấn. Cũng như kinh Pháp Hoa, mở đầu phẩm Tựa, đức Phật nhập định hiện tướng lạ, không nói. Qua phẩm Phương Tiện Phật xả định, rồi tán thán pháp Phật vi diệu nhiệm mầu, khó nói, khó hiểu, khó tin, chừng đó mới có ngôn ngữ. Như vậy, kinh Hoa Nghiêm cũng như kinh Pháp Hoa đều nói rằng chỗ cứu kính chân thật (Pháp thân hay Tri kiến Phật) thì bặt ngôn ngữ, bởi nói năng không thể hiển bày được. Vì vậy phẩm này Phật xuất định, dùng ngôn ngữ nói cho hội chúng nghe để dìu dắt chúng sanh từ thấp đến cao nên gọi là Phương tiện.


CHÁNH VĂN:

1.- Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn từ chánh định an lành mà dậy, bảo ngài Xá-lợi-phất:
- Trí huệ của các đức Phật rất sâu vô lượng, môn trí huệ đó khó hiểu khó vào, tất cả hàng Thanh văn cùng Bích-chi Phật đều không biết được. Vì sao?

Phật đã từng gần gũi trăm nghìn muôn ức vô số các đức Phật, trọn tu vô lượng đạo pháp của các đức Phật, dõng mãnh, tinh tấn, danh tốt đồn khắp, trọn nên pháp rất sâu chưa từng có, theo thời nghi mà nói pháp ý thú khó hiểu. Xá-lợi-phất! Từ ta thành Phật đến nay, các món nhân duyên, các món thí dụ, rộng nói ngôn giáo, dùng vô số phương tiện dìu dắt chúng sanh, làm cho xa lìa lòng chấp. Vì sao? Đức Như Lai đã đầy đủ phương tiện, Tri kiến và Ba-la-mật.

Xá-lợi-phất! Tri kiến của Như Lai rộng lớn sâu xa, Đức vô lượng vô ngại, Lực vô sở úy, Thiền định, Giải thoát tam-muội, đều sâu vào không ngằn mé, trọn nên tất cả pháp chưa từng có.

Xá-lợi-phất! Như Lai hay các món phân biệt, khéo nói các pháp lời lẽ êm dịu vui đẹp lòng chúng.

Xá-lợi-phất! Tóm yếu mà nói đó, vô lượng vô biên pháp Vị tằng hữu, đức Phật thảy đều trọn nên.


GIẢNG:
Phẩm Tựa, đức Phật hiện điềm lành rồi nhập chánh định Vô lượng nghĩa xứ, im lặng không nói. Nay thấy căn cơ của thính chúng đã thuần thục, Phật xuất định giảng nói. Trước hết, Ngài tán thán ca ngợi với Tôn giả Xá-lợi-phất là trí tuệ của chư Phật sâu xa vô lượng nên khó nói, khó hiểu, khó vào. Vì vậy mà hàng Thanh văn, Bích-chi Phật không thể hiểu được.

Sở dĩ đức Phật được trí tuệ sâu rộng mà tất cả người khác không thể biết được, là vì Ngài đã từng gần gũi vô số đức Phật, tu vô lượng pháp, dõng mãnh, tinh tấn, tiếng tốt đồn khắp... nên Ngài mới được pháp sâu rộng chưa từng có và tùy theo thời cơ mà đem chỉ dạy ý thú sâu xa khó hiểu đó cho chúng sanh.

Chúng ta thấy rõ Phật nói lên phương tiện Ngài sử dụng. Từ khi thành Phật, Như Lai có đầy đủ phương tiện, thấy biết tận nguồn ngọn tất cả pháp nên Ngài đã dùng nhân duyên, thí dụ, ngôn giáo và vô số phương tiện khác để dìu dắt chúng sanh, khiến cho họ xa lìa kiến chấp.

Phật nói rằng Tri kiến Phật rộng lớn sâu xa, không thể đo lường được nên gọi là Đức vô lượng, không có cái gì làm chướng ngại được nên gọi là Vô ngại, về sức thì được Vô sở úy, tức là không sợ sệt, được Thiền định, được Giải thoát rất sâu không ngằn mé. Tức là Trí tuệ Phật ở thế gian chưa từng có. Vì tất cả pháp thế gian có đều là tương đối, đã là tương đối thì sanh diệt. Trí tuệ Phật là cái không sanh không diệt nên nói thế gian chưa từng có.


CHÁNH VĂN:

2.- Thôi Xá-lợi-phất! Chẳng cần nói nữa. Vì sao? Vì pháp khó hiểu ít có thứ nhứt mà Phật trọn nên đó, chỉ có Phật cùng Phật mới có thể thấu tột tướng chân thật của các pháp, nghĩa là các pháp: tướng như vậy, tánh như vậy, thể như vậy, lực như vậy, tác như vậy, nhân như vậy, duyên như vậy, quả như vậy, báo như vậy, trước sau rốt ráo như vậy.

GIẢNG:
Tại sao đức Phật đang khen ngợi trí tuệ của chư Phật, tới đây Ngài lại không muốn nói, bảo: “thôi, Xá-lợi-phất, chẳng cần nói nữa”, vì lý do gì? - Vì pháp khó nói, khó hiểu, khó tin, chỉ Phật với Phật mới có thể thấu tột Tướng chân thật của các pháp. Còn hàng Bồ-tát, Duyên giác, La-hán đều không thể thấy như Phật. Bởi trình độ chư Phật ngang nhau mới thấy biết như nhau; còn phàm phu chúng ta, mọi thấy biết đều sai lầm. Ví dụ như cái thân năm uẩn này thấy nó là thật ngã, là của ta... Với trí Bát-nhã thấy thân người do năm ấm giả hợp mà thành, không có chủ thể cố định. Bởi không có chủ thể cố định nên nói là vô ngã, là tạm bợ, huyễn hóa. Các pháp ở thế gian, với người mê thì thấy thế này, còn người ngộ lại thấy khác. Nhưng ngộ cũng tùy theo trình độ, như Thanh văn, Duyên giác, Bồ-tát mỗi chỗ ngộ đều khác nhau. Nhưng đến cái ngộ của Phật mới thấy tột cùng, dung hợp tất cả không còn sai biệt. Vì thế ở đây nói chỉ có Phật với Phật mới thấy các pháp đúng như thật thể của nó, cho nên nói tướng như vậy, tánh như vậy, thể như vậy, lực như vậy, tác như vậy, nhân như vậy, duyên như vậy, quả như vậy, báo như vậy, trước sau rốt ráo như vậy.

Thế nào là tướng, thế nào là tánh? Phàm, vạn pháp trên thế gian này được nhìn qua hai mặt tướng và tánh. Ví dụ: Lửa là một pháp, khi cháy ánh lửa hiện ra các màu hoặc đỏ, hoặc xanh, hoặc cam; ta thấy tướng trạng màu sắc của lửa có sai khác, nhưng tánh nóng của lửa không khác, vẫn là nóng; thế nên, tướng lửa có đổi thay mà tánh lửa thì không biến dịch.

Thế nào là thể lực... quả báo? Phàm tất cả mọi sự vật đều có cái thể chung, chẳng hạn toàn thân con người gọi là “thể”; do thân này hoạt động có tác dụng có sức mạnh gọi là “lực”; do hoạt động tạo “tác” nên có nghiệp; bởi có tạo tác nên mới thành “nhân”; nhân hội đủ “duyên” thì thành “quả”; mà quả kết tựu đúng như nhân đã tạo gọi là “báo”, rõ ràng “trước sau rốt ráo” như vậy không sai biệt. Đó là đứng trên mặt tướng dụng của các pháp nhìn thì thấy rõ ràng như vậy.

Nếu nhìn toàn thân con người bằng Trí tuệ Bát-nhã thì đầu, mình, tay, chân, mắt, tai... tất cả đều do tứ đại duyên hợp mà có giả tướng ấy, không một bộ phận nào trong thân là Tướng chân thật. Nên dù nói tướng, nói tánh, nói thể, nói lực, nói tác, nói nhân, nói duyên, nói quả, nói báo, nói rốt ráo, tất cả đều là ngôn ngữ giả lập. Đã là ngôn ngữ giả lập thì Tự tánh nó là không, bởi Tự tánh là không nên nói tịch diệt.

Nếu nhìn toàn thân con người với tâm nhất như không động, không phân biệt thì thấy con người là con người. Hoặc mắt thấy sắc, sắc vẫn là sắc; tai nghe âm thanh, âm thanh vẫn là âm thanh; hương, vị, xúc, pháp cũng như vậy, không phân tích chia chẻ. Bởi nhìn tất cả pháp ở thế gian này với tâm như như thì thấy các pháp là như, không có chút sai biệt. Ví dụ có một thoi vàng trên bàn, mọi người đều thấy thoi vàng là thoi vàng, không thêm một niệm nào khác thì nó là như. Nếu thấy thoi vàng liền cho thoi vàng quí có giá trị bạc triệu thì lòng tham dấy khởi, nhiều niệm bất chánh theo đó mà sanh... Vậy, nếu tâm như thì mọi cảnh đều như.

Trong kinh Pháp Bảo Đàn, lúc Lục Tổ đến chùa Pháp Tánh với hình thức cư sĩ, có hai ông Sa-di đứng trước chùa dưới cây phướn cãi nhau:

- Đố huynh cái gì động?
- Gió động.
- Phướn động.

Người nói gió động, người nói phướn động, hai người cãi nhau không ngã lẽ. Lục Tổ nói: Tâm nhân giả động! Sở dĩ chúng ta cãi nhau hoài là tại tâm chúng ta không nhất như, không thấy các pháp vốn là như vậy. Cảnh vật đối với tâm người đạt đạo giống như mặt gương sáng, có người thì hiện ảnh người, có vật thì hiện ảnh vật, có cái nào hiện cái nấy rõ ràng không tạp loạn. Đó là do tâm như nên mọi cảnh đều như. Nếu tâm dấy niệm phân biệt thì thấy người thấy vật sai khác, rồi tranh chấp nhau sanh vô số khổ đau phiền lụy.

Người thấy tất cả pháp như vậy là người hằng sống với Tri kiến Phật, đó là ý nghĩa Thập như thị. Nếu tâm nhất như thì cảnh như. Cảnh như do tâm như. Đồng nghĩa với tâm an thì cảnh cũng an, tâm bất an thì cảnh cũng bất an, đó là một lẽ thật mà ít người chấp nhận.

No comments:

Post a Comment