Monday, January 24, 2011

Kinh Diệu Pháp Liên Hoa giảng giải part 11 (pham 3)

PHẨM 3

THÍ DỤ




Trong kinh Pháp Hoa có tất cả bảy dụ tại sao chỉ riêng phẩm này lấy tên là Thí Dụ, còn những phẩm khác cũng dụ mà không để tên Thí Dụ? Kinh Pháp Hoa, phẩm Phương Tiện nói lên bản hoài của chư Phật ra đời, cốt làm sao cho tất cả chúng sanh đều được khai, thị, ngộ, nhập Tri kiến Phật của chính mình, hay nói cách khác là nhận ra và hằng sống với Tánh giác của chính mình. Nhưng khi chư Phật ra đời không nói thẳng bản hoài đó vì căn cơ chúng sanh chưa kham thọ nhận, nên Phật phương tiện nói Ngũ thừa, Tam thừa, sau cùng mới nói Phật thừa. Trong phẩm này, đức Phật đã dùng những ví dụ để làm sáng tỏ thêm chỗ cứu kính, để hiển bày những phương tiện mà Ngài đã dẫn dắt chỉ là tạm thời. Nhờ vậy đã giúp cho hàng trung căn dễ dàng nhận ra đâu là mục tiêu chính mà Phật muốn chỉ. Cho nên phẩm này lấy tên là Thí Dụ.


CHÁNH VĂN
:

1.- Lúc bấy giờ ngài Xá-lợi-phất hớn hở vui mừng, liền đứng dậy chấp tay chiêm ngưỡng dung nhan của đức Phật mà bạch Phật rằng:

- Nay con theo đức Thế Tôn nghe được tiếng pháp này, trong lòng hớn hở được điều chưa từng có. Vì sao? Con xưa theo Phật nghe pháp như thế này, thấy các vị Bồ-tát được thọ ký thành Phật, mà chúng con chẳng được dự việc đó, tự rất cảm thương mất vô lượng Tri kiến của Như Lai.

Thế Tôn! Con thường khi một mình ở dưới cây trong núi rừng, hoặc ngồi, hoặc đi kinh hành, hằng nghĩ như vầy: “Chúng ta đồng vào pháp tánh, tại sao đức Như Lai lại dùng pháp Tiểu thừa mà tế độ cho?”

Đó là lỗi của chúng con chớ chẳng phải là Thế Tôn vậy. Vì sao? Nếu chúng con chờ Phật nói pháp sở nhân thành đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác thời chắc do pháp Đại thừa mà được độ thoát. Song chúng con chẳng hiểu Phật phương tiện theo cơ nghi mà nói pháp, vừa mới nghe Phật nói pháp, vội tin nhận suy gẫm để chứng lấy.

Thế Tôn! Con từ xưa đến nay trọn ngày luôn đêm hằng tự trách mình, mà nay được từ Phật nghe pháp chưa từng có, trước chưa hề nghe, dứt các lòng nghi hối, thân ý thơ thới rất được an ổn. Ngày nay mới biết mình thiệt là Phật tử, từ miệng Phật sanh ra, từ pháp hóa sanh được pháp phần của Phật
.

GIẢNG:

Ngài Xá-lợi-phất sau khi nghe Phật nói về Trí tuệ Phật, Ngài liền tin mình có khả năng thành Phật, hay nói một cách khác là Ngài ngộ được Tri kiến Phật của chính mình, nên vui mừng hớn hở đứng dậy chấp tay trình sở ngộ với Phật.

Xưa, ngài Xá-lợi-phất nghe Phật dạy Tứ đế hay Mười hai nhân duyên, chớ không nghe Phật nói Tri kiến Phật, chỉ riêng hàng Bồ-tát mới được nghe và được thọ ký sẽ thành Phật, còn Ngài thì không được dự phần. Tự thấy cảm thương mình nên những lúc ở dưới cội cây trong núi rừng, hoặc ngồi, hoặc kinh hành, Ngài hằng nghĩ tất cả mọi người ai cũng như ai, tại sao người được nghe pháp Tối thượng, người chỉ được nghe pháp Tiểu thừa? Tại sao có chỗ sai biệt như thế? Ví dụ nhiều người tới học đạo, có người tôi khuyên nên ăn ở hiền lành, sống làm sao cho gia đình được hòa thuận tin yêu lẫn nhau. Có người tôi dạy quán các pháp như huyễn để phá ngã chấp và pháp chấp, để tự mình được giải thoát và giải thoát cho chúng sanh. Dạy như vậy tôi có bất công không? - Không. Dạy tu khế lý mà phải khế cơ, nếu trình độ người thấp mà dạy pháp cao thì họ không thể lãnh hội và ứng dụng tu được, nếu ứng dụng không được thì không có lợi ích mà còn thiệt hại là khác. Vì vậy, buộc lòng phải nói pháp ngang với trình độ người nghe, cho họ được lợi ích thực tiễn. Còn đối với người đã thuần thục thì nói thẳng pháp cao họ ứng dụng được, chẳng những tự họ có lợi ích mà còn có lợi cho người sau. Sở dĩ Phật nói pháp sai biệt giữa các môn đồ là bởi căn cơ sai khác, với người trình độ thấp thì Ngài dùng phương tiện nâng lên từ từ, đến khi họ kham lãnh được pháp lớn, thì Ngài bình đẳng nói pháp Nhất thừa. Vậy, nếu mình học pháp thấp mà người được học pháp cao, chớ trách người dạy bất công mà phải tự biết mình chưa đủ sức kham lãnh pháp cao, nên người hướng dẫn phải tùy thuận theo khả năng của mình mà dạy pháp thấp. Đó là cái khéo của người giáo hóa.

Ở đây, ngài Xá-lợi-phất tự nhận thấy lỗi mình là đã mất vô lượng Tri kiến Như Lai. Nghĩa là Ngài có sẵn Tri kiến Như Lai, nhưng vì căn cơ thấp kém nên Phật không nói thẳng Phật thừa chỉ nói pháp Nhị thừa. Ngài tự cảm thương mình chớ không trách Phật. Nếu Ngài chờ Phật nói cái nhân thành đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác ngay đó mà tu hành thì sẽ được thành Phật. Nhưng vì không hiểu Phật phương tiện tùy cơ nói pháp Nhị thừa, liền tin và tu theo pháp Nhị thừa. Đó là lỗi ở Ngài chớ không phải lỗi ở Phật.

Kế đó, ngài Xá-lợi-phất tán thán pháp mà Phật nói chưa từng có chưa từng nghe, dứt lòng nghi hối được an ổn. Ngài tự xác nhận mình là con Phật, từ miệng Phật sanh, từ pháp hóa sanh, được pháp phần của Phật. Sở dĩ ngài Xá-lợi-phất tự nhận như vậy là vì người tu lấy trí tuệ làm mạng sống, vì nhân lời Phật dạy mà được trí tuệ, đó là từ miệng Phật sanh. Nhờ pháp Phật khiến cho trí tuệ ngày càng tăng trưởng, đó là từ pháp hóa sanh. Được từng phần giác ngộ, nên nói được pháp phần của Phật.

Ngày nay, đa số người đi chùa tự nhận mình là Phật tử, tức là con của đấng Giác ngộ. Nếu không giác ngộ toàn phần thì ít ra cũng giác ngộ từng phần mới dám xưng là Phật tử, chớ không phải vô phần giác ngộ mà tự xưng là Phật tử được. Trong kinh Phật dạy, người học Phật phải có đủ ba môn trí tuệ là Văn tuệ, Tư tuệ và Tu tuệ. Văn tuệ tức là nghe lời Phật dạy mà khai thông trí tuệ, đó là từ miệng Phật sanh. Tư tuệ là do tư duy pháp Phật dạy mà trí tuệ phát sanh, đó là từ pháp hóa sanh. Tu tuệ là do tu Thiền định mà phát sanh trí tuệ, đó là được pháp phần của Phật. Người học Phật phải có được một trong ba phần trí tuệ vừa nêu thì mới gọi là Phật tử, nếu không hiểu gì về đạo lý giải thoát thì chưa xứng đáng là Phật tử. Đây tôi nêu đôi phần giác ngộ để quí vị tự xét xem mình có phải là Phật tử không? Phật nói tất cả pháp có hình tướng ở thế gian đều là vô thường. Nếu tin mà chưa thấy rõ các pháp là vô thường thì chưa gọi là giác. Từ lâu chúng ta mê muội thấy đời là đẹp là thường, nhờ nghe Phật nói tất cả pháp có hình tướng đều là vô thường mà tâm sáng lên, biết mình đã mê lầm (Văn tuệ). Sau khi nghe rồi suy gẫm, nghiệm xét từ con người đến cảnh vật đều trải qua những giai đoạn thành trụ hoại không, biến dịch không ngừng, biết rõ ràng tất cả pháp có hình tướng đều bị luật vô thường chi phối (Tư tuệ). Sau khi xác nhận lời Phật dạy là chân lý, thì ứng dụng vào đời sống hằng ngày, chẳng hạn tâm vừa dấy khởi chạy theo sắc, theo danh, theo lợi... liền nhớ tới thân vô thường, cảnh vật vô thường, có đó rồi mất đó, đuổi theo danh lợi rồi danh lợi cũng sẽ mất, ngay đó dẹp được lòng tham danh lợi (Tu tuệ). Người tu sống được như vậy mới không hổ thẹn với danh xưng Phật tử.


CHÁNH VĂN
:

Khi ấy, ngài Xá-lợi-phất muốn tuyên lại nghĩa trên mà nói kệ rằng:
2.-
Con nghe tiếng pháp này
Được điều chưa từng có
Lòng rất đỗi vui mừng
Lưới nghi đều đã trừ
Xưa nay nhờ Phật dạy
Chẳng mất nơi Đại thừa
Tiếng Phật rất ít có
Hay trừ khổ chúng sanh
Con đã được lậu tận
Nghe cũng trừ lo khổ
Con ở nơi hang núi
Hoặc dưới cụm cây rừng
Hoặc ngồi hoặc kinh hành
Thường suy nghĩ việc này
Than ôi! Rất tự trách!
Sao lại tự khi mình
Chúng ta cũng Phật tử
Đồng vào pháp vô lậu
Chẳng được ở vị lai
Nói pháp Vô thượng đạo
Sắc vàng, băm hai tướng
Mười lực, các giải thoát,
Đồng chung trong một pháp
Mà chẳng được việc đây
Tám mươi tướng tốt đẹp
Mười tám pháp bất cộng
Các công đức như thế
Mà ta đều đã mất
.

GIẢNG:

Ngài Xá-lợi-phất nghe Phật nói mọi người ai cũng có Tri kiến Phật, và chủ yếu Phật ra đời là để khai thị cho chúng sanh ngộ nhập Tri kiến Phật. Ngài tin chắc rằng Ngài sẽ được pháp Đại thừa và được thành Phật. Ngài Xá-lợi-phất nói Phật thuyết pháp cốt là giải khổ cho chúng sanh. Rồi Ngài tự trách mình là đệ tử của Phật, cũng được pháp vô lậu mà không được thọ ký thành Phật đầy đủ ba mươi hai tướng tốt, thập lực, tám món giải thoát.


CHÁNH VĂN
:

3.-
Lúc con kinh hành riêng
Thấy Phật ở trong chúng
Danh đồn khắp mười phương
Rộng lợi ích chúng sanh
Tự nghĩ mất lợi này
Chính con tự khi dối
Con thường trong ngày đêm
Hằng suy nghĩ việc đó
Muốn đem hỏi Thế Tôn
Là mất hay không mất?
Con thường thấy Thế Tôn
Khen ngợi các Bồ-tát
Vì thế nên ngày đêm
Suy lường việc như vậy
.

GIẢNG:

Ngài Xá-lợi-phất khi ở chỗ vắng vẻ suy gẫm có phải mình đã tự mất giống Phật không, muốn đem hỏi Thế Tôn mà Ngài chưa dám hỏi.


CHÁNH VĂN:

4.-
Nay nghe tiếng Phật nói
Theo cơ nghi dạy pháp
Vô lậu khó nghĩ bàn
Khiến chúng đến đạo tràng
Con xưa chấp tà kiến
Làm thầy các Phạm chí
Thế Tôn rõ tâm con
Trừ tà nói Niết-bàn
Con trừ hết tà kiến
Được chứng nơi pháp không
Bấy giờ lòng tự bảo
Được đến nơi diệt độ
Mà nay mới tự biết
Chẳng phải thiệt diệt độ
Nếu lúc được thành Phật
Đủ ba mươi hai tướng
Trời, người, chúng dạ-xoa
Rồng, thần đều cung kính
Bây giờ mới được nói
Dứt hẳn hết không thừa
Phật ở trong đại chúng
Nói con sẽ thành Phật
Nghe tiếng pháp như vậy
Lòng nghi hối đã trừ
.

GIẢNG:

Ngài Xá-lợi-phất nói thuở xưa Ngài là thầy của ngoại đạo Phạm chí, Phật biết tâm của Ngài nên giáo hóa Ngài trừ hết các tà kiến, chứng được pháp Không, tức Niết-bàn của Nhị thừa. Nghĩa là Ngài quán sát thấy thân này do năm uẩn giả hợp mà thành, Tự tánh nó là Không nên nói là vô ngã. Người đạt được lý đó thì chứng quả A-la-hán. Ngài tưởng chứng quả A-la-hán là Niết-bàn thật. Bây giờ nghe Phật nói pháp Đại thừa mới biết đó là Niết-bàn tạm, chớ không phải Niết-bàn thật. Tu bao giờ công đức viên mãn thành Phật mới là Niết-bàn thật, Ngài không nghi ngờ nữa.


CHÁNH VĂN
:

5.-
Khi mới nghe Phật nói
Trong lòng rất sợ nghi
Phải chăng ma giả Phật
Não loạn lòng ta ư?
Phật dùng các món duyên
Thí dụ khéo nói phô
Lòng kia an như biển
Con nghe, lưới nghi dứt
Phật nói thuở quá khứ
Vô lượng Phật diệt độ
An trụ trong phương tiện
Cũng đều nói pháp đó
Phật hiện tại, vị lai
Số nhiều cũng vô lượng
Cũng dùng các phương tiện
Diễn nói pháp như thế
Như Thế Tôn ngày nay
Từ sanh đến xuất gia
Được đạo chuyển pháp luân
Cũng dùng phương tiện nói
Thế Tôn nói đạo thật
Ba-tuần không nói được.
Vì thế con định biết
Không phải ma giả Phật
Con sa vào lưới nghi
Cho là ma làm ra
Nghe tiếng Phật êm dịu
Sâu xa rất nhiệm mầu
Nói suốt pháp thanh tịnh
Tâm con rất vui mừng
Nghi hối đã hết hẳn
An trụ trong thiệt trí
Con quyết sẽ thành Phật
Được trời, người cung kính
Chuyển pháp luân vô thượng
Giáo hóa các Bồ-tát
.

GIẢNG:

Khi mới nghe Phật nói những vị A-la-hán, Duyên giác tuy chứng Niết-bàn, nhưng không phải thật, ngài Xá-lợi-phất tưởng chừng như ma hóa ra Phật nói. Vì ngày xưa Phật dạy pháp Tứ đế là lý chân thật, ngày nay lại nói Diệt đế chưa phải là cứu kính, chưa phải là Niết-bàn nên Ngài nghi. Nhưng Ngài nghe Thế Tôn giảng chư Phật quá khứ, hiện tại, vị lai khi ra đời giáo hóa đều dùng phương tiện như nhau, trước nói ba thừa rồi sau nói Phật thừa, nhờ vậy mà Ngài tin chắc đó là lời Phật nói không phải là ma. Nên Ngài nói rằng nay nghe tiếng Phật rất êm dịu, sâu xa nhiệm mầu thanh tịnh, Ngài vui mừng hết nghi, tin chắc sẽ thành Phật, nói pháp Đại thừa giáo hóa Bồ-tát. Tới đây ngài Xá-lợi-phất có lòng tin bất thoái chuyển không còn lui sụt nữa, quyết định sẽ tiến tới quả Phật, vì vậy mà sau này được thọ ký thành Phật.

Chúng ta nghe Phật nói, có đủ lòng tin mình có sẵn Tri kiến Phật, khởi tâm tu thì sẽ thành Phật không? Tri kiến Phật là cái nhân, là hạt giống Phật, nếu đã tiến tu không thoái chuyển thì nhất định sẽ thành Phật không nghi, và được thọ ký vô lượng kiếp về sau sẽ thành Phật, không cố định thời gian dài ngắn, quyết định sẽ thành Phật. Đó là then chốt mà người tụng hay trì kinh Pháp Hoa phải nắm vững. Nếu trì kinh Pháp Hoa mà còn mong cầu cho có phước, giàu sang, vui tươi, mát mẻ... thì chưa đúng tinh thần trì kinh Pháp Hoa.


CHÁNH VĂN:

6.- Lúc bấy giờ, đức Phật bảo ngài Xá-lợi-phất:

- Ta nay ở trong hàng trời, người, Sa-môn, Bà-la-môn mà nói. Ta xưa từng ở nơi hai muôn ức Phật vì đạo Vô thượng nên thường giáo hóa ông, ông cũng lâu dài theo ta thọ học, ta dùng phương tiện dẫn dắt ông sanh vào trong pháp ta.

Xá-lợi-phất! Ta thuở xưa dạy ông chí nguyện Phật đạo, ông nay đều quên mà bèn tự nói đã được diệt độ. Ta nay lại muốn khiến ông nghĩ nhớ bổn nguyện cùng đạo đã làm, mà vì các Thanh văn nói kinh Đại thừa tên là Diệu Pháp Liên Hoa Giáo Bồ-tát Pháp Phật Sở Hộ Niệm
.

GIẢNG:

Đức Phật Thích-ca mới thành Phật trong đời này, tại sao ở đây lại nói đức Phật đã từng ở hai muôn ức Phật, vì đạo Vô thượng thường giáo hóa ngài Xá-lợi-phất, ngài Xá-lợi-phất cũng đã từ lâu theo Phật thọ học, và được Phật phương tiện dẫn dắt cho vào pháp Phật? Phật lâu xa đó là chỉ cho Phật pháp thân, còn Phật thành đạo ở Ấn Độ là Phật hóa thân. Đứng về mặt Pháp thân thì ai cũng có Pháp thân Phật, nên nói Phật từng giáo hóa từ xa xưa, và đã từng dạy cho ngài Xá-lợi-phất tu với chí nguyện thành Phật, nhưng vì ngài Xá-lợi-phất quên đi. Khi nghe pháp Nhị thừa, Ngài tu được diệt độ bèn cho là đã đủ. Vì vậy mà đức Phật đã nhắc lại hạnh nguyện xưa của ngài Xá-lợi-phất, rồi mới vì hàng Thanh văn nói kinh Pháp Hoa, để thấy tất cả mọi người ai cũng có bản nguyện thành Phật. Bản nguyện đó chính là Phật tánh sẵn có nơi mỗi người, nhưng vì quên, nên khi nghe pháp nhỏ liền chấp nhận và tu rồi tự hài lòng nơi đó. Bây giờ Phật nhắc ai cũng sẵn có Tri kiến Phật và ai tu cũng sẽ thành Phật, chừng đó mới chợt nhận ra tu là phải thành Phật, chớ từng bậc quả vị chỉ là tạm thời thôi.


CHÁNH VĂN:

7.- Xá-lợi-phất! Ông đến đời vị lai, quá vô lượng vô biên bất khả tư nghị kiếp, cúng dường bao nhiêu nghìn muôn ức Phật, phụng trì chánh pháp đầy đủ đạo tu hành của Bồ-tát sẽ thành Phật hiệu là Hoa Quang Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn.

Nước tên Ly Cấu, cõi đó bằng thẳng, thanh tịnh đẹp đẽ, an ổn, giàu vui, trời, người đông đảo. Lưu-ly làm đất, có tám đường giao thông, dây bằng vàng ròng để giăng bên đường, mé đường đều có hàng cây bằng bảy báu, thường có bông trái. Đức Hoa Quang Như Lai cũng dùng ba thừa giáo hóa chúng sanh.

Xá-lợi-phất! Lúc đức Phật ra đời dầu không phải đời ác mà bởi bổn nguyện nên nói pháp ba thừa. Kiếp đó tên là Đại Bửu Trang Nghiêm. Vì sao gọi là Đại Bửu Trang Nghiêm? Vì trong cõi đó dùng Bồ-tát làm “Đại Bửu” vậy. Các Bồ-tát đó số đông vô lượng vô biên bất khả tư nghị, tính kể hay thí dụ đều không kịp đến được, chẳng phải sức trí tuệ của Phật không ai có thể biết được. Khi muốn đi thì có bông đỡ chân.
Các vị Bồ-tát đó không phải hàng mới phát tâm, đều đã trồng cội đức từ lâu. Ở nơi vô lượng trăm nghìn muôn ức đức Phật, tịnh tu phạm hạnh, hằng được các Phật ngợi khen. Thường tu trí tuệ của Phật, đủ sức thần thông lớn, khéo biết tất cả các pháp môn, ngay thật không dối, chí niệm bền vững, bậc Bồ-tát như thế, khắp đầy nước đó.

Xá-lợi-phất! Đức Phật Hoa Quang thọ mười hai tiểu kiếp, trừ lúc còn làm vương tử chưa thành Phật. Nhân dân nước đó thọ tám tiểu kiếp. Đức Hoa Quang Như Lai quá mười hai tiểu kiếp thọ ký đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác cho Kiên Mãn Bồ-tát mà bảo các Tỳ-kheo: Ông Kiên Mãn Bồ-tát này kế đây sẽ thành Phật hiệu là Hoa Túc An Hành Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, cõi nước của đức Phật đó cũng lại như đây.
Xá-lợi-phất! Sau khi Phật Hoa Quang đó diệt độ, chánh pháp trụ lại trong đời ba mươi hai tiểu kiếp, tượng pháp trụ trong đời cũng ba mươi hai tiểu kiếp.

Lúc ấy, đức Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa trên mà nói kệ rằng:

8.-
Xá-lợi-phất đời sau
Thành đấng Phật trí khắp
Hiệu rằng: Phật Hoa Quang
Sẽ độ vô lượng chúng
Cúng dường vô số Phật
Đầy đủ hạnh Bồ-tát
Các công đức thập lực
Chứng đặng đạo Vô thượng
Quá vô lượng kiếp rồi
Kiếp tên Đại Bửu Nghiêm
Cõi nước tên Ly Cấu
Trong sạch không vết nhơ
Dùng lưu-ly làm đất
Dây vàng giăng đường sá
Cây bảy báu sắc đẹp
Thường có hoa cùng trái
Bồ-tát trong cõi đó
Chí niệm thường bền vững
Thần thông, ba-la-mật
Đều đã trọn đầy đủ
Nơi vô số đức Phật
Khéo học đạo Bồ-tát
Những Đại sĩ như thế
Phật Hoa Quang hóa độ
Lúc Phật làm vương tử
Rời nước bỏ vinh hoa
Nơi thân cuối rốt sau
Xuất gia thành Phật đạo.
Phật Hoa Quang trụ thế
Thọ mười hai tiểu kiếp
Chúng nhân dân nước đó
Sống lâu tám tiểu kiếp
Sau khi Phật diệt độ
Chánh pháp trụ ở đời
Ba mươi hai tiểu kiếp
Rộng độ các chúng sanh
Chánh pháp diệt hết rồi
Tượng pháp cũng băm hai
Xá-lợi rộng truyền khắp
Trời, người khắp cúng dường
Phật Hoa Quang chỗ làm
Việc đó đều như thế
Đấng Lưỡng Túc Tôn kia
Rất hơn không ai bằng
Phật tức là thân ông
Nên phải tự vui mừng
.

GIẢNG:

Phật thọ ký cho ngài Xá-lợi-phất trong đời vị lai, vô lượng vô biên bất khả tư nghì kiếp, cúng dường ngàn ức Phật, hộ trì chánh pháp đầy đủ đạo hạnh của Bồ-tát, sẽ thành Phật hiệu là Hoa Quang Như Lai. Phật thọ ký ngài Xá-lợi-phất vô lượng vô biên bất khả tư nghì kiếp sẽ thành Phật. Thời gian thành Phật quá xa mà ngài Xá-lợi-phất vui mừng cho rằng “được việc chưa từng có”. Nếu chúng ta thời nay được Phật thọ ký với thời gian lâu xa như vậy sẽ thành Phật, chắc là không mừng, vì tu lâu quá nên ngán. Thọ ký khoảng năm mười năm thành Phật thì khả dĩ vui mừng và lo tu hành cho mau được kết quả. Có phải chúng ta sốt sắng mong mau thành Phật hơn ngài Xá-lợi-phất không?

Như trước đã nói Tri kiến Phật là cái không hạn cuộc ở không gian và thời gian. Vì nó là cái chưa từng sanh cũng như chưa từng diệt, nên nói bao nhiêu kiếp cũng là vô nghĩa. Chỉ biết mình có Phật tánh và tin mình tu sẽ thành Phật là đủ rồi. Chúng ta vì còn kẹt trên thời gian, chưa nhận ra Tri kiến Phật, chỉ nhận cái thân tứ đại là mình, sống khoảng năm sáu chục năm là chết. Nên nghe nói vô lượng vô biên bất khả tư nghì kiếp, thấy quá xa không tin mình có thể thực hiện được. Đâu ngờ chính Tri kiến Phật mới thật là mình. Ngài Xá-lợi-phất đã nhận ra Tri kiến Phật chính là mình, biết có Phật nhân chắc chắn Phật quả không mất phần, nên dầu có bỏ bao nhiêu cái thân tứ đại duyên hợp tạm bợ này cũng không đáng kể. Chỉ cần Phật ấn chứng là an lòng, là mãn nguyện rồi.

Ngày nay chúng ta nghe nói tu khoảng một tỷ kiếp mới thành Phật thì buồn, thấy lâu xa quá không đủ kiên nhẫn để tu, nên xao lãng thối chí. Đó là do tâm sanh diệt nhỏ hẹp lệ thuộc thời gian, nên nghe Phật nói đến thời gian lâu xa không thể nghĩ lường thì hoảng sợ không đủ lòng tin. Có nhiều người tu hạn định trong khoảng thời gian ba năm hoặc năm năm phải đạt đạo. Thoạt nghe thì dường như người ấy có ý chí dõng mãnh đáng khen. Nhưng nếu tu ba năm, năm năm không đạt đạo thì sao? Thoái Bồ-đề tâm, đó là cái bệnh. Người tu mà nôn nóng mong mau thành đạo là người ý chí dõng mãnh hay người tham lam lười nhác? Ví dụ người chân yếu nghe nói cảnh đẹp nhưng đường dài, thì ngao ngán không muốn đi. Với người chân khoẻ, đường dài thì mặc đường dài, cứ nhắm đích mà thẳng tiến, không do dự không ngại ngùng, đó là người dõng mãnh gan dạ, bền chí.

Cũng vậy, chư Bồ-tát Thanh văn trong pháp hội lòng tin và ý chí đã vững, tuy Phật thọ ký trong khoảng thời gian lâu xa như vậy mà các ngài hoan hỉ vui mừng, tâm không chao động thoái lui. Chúng ta ngày nay lòng tin không vững, thiếu nghị lực, tu muốn cho mau đạt đạo nên dễ bị gạt, rơi vào đường tà, rẽ ngã này tẽ ngã kia, rốt cuộc rồi không đến đích. Đó là bệnh chung của đa số người tu Phật hiện nay. Với người tu chân chánh một phen nghe Phật dạy, biết rõ tu là để giác ngộ thành Phật, lúc nào cũng thấy rõ lẽ thật hư của các pháp, không lầm, không mong dễ, không mong mau, không ham hào nhoáng hấp dẫn, cứ như thế mà sống cho đến khi hoàn toàn triệt ngộ là đến đích thành Phật. Những cái hào nhoáng hấp dẫn thu hút là cái quảng cáo dối gạt người tu. Lý đạo chân thật thì thậm thâm vi diệu, lặng lẽ, không nổi bật, không phô trương màu mè để thu hút người. Nếu người tu Phật càng chạy theo những cái phô trương hấp dẫn là càng xa với đạo.

Phật thọ ký ngài Xá-lợi-phất thành Phật, nước tên Ly Cấu, kiếp tên Đại Bửu. Cõi nước Ta-bà ngũ trược của đức Phật Thích-ca, chúng sanh nhiều nghiệp ác nên Phật mới phương tiện dùng Ngũ thừa hoặc Tam thừa để giáo hóa. Tại sao cõi nước Ly Cấu là cõi nước thanh tịnh, Phật cũng dùng ba thừa để giáo hóa? Đây là bản nguyện của tất cả chư Phật mười phương đều dùng phương tiện nói ba thừa. Sở dĩ gọi kiếp tên Đại Bửu Trang Nghiêm là vì kiếp đó có vô số Bồ-tát tu hành thanh tịnh, là những bậc cao minh trang nghiêm cõi Phật, chớ không phải cõi đó trang nghiêm bằng châu báu vàng bạc.
Qua dữ kiện này, chúng ta thấy chùa nào Tăng Ni tu hành chân chánh thanh tịnh thì chùa đó được người đời quí trọng. Nếu chùa nào Tăng Ni phạm trai phá giới, tu hành lôi thôi thì người đời xem thường. Như vậy người đời quí kính là quí kính tâm người cao đẹp thanh tịnh, nếu tâm người ô uế bất tịnh thì không quí. Vậy, chư Tăng Ni đừng quan niệm rằng cất chùa cho thật to, thỉnh Phật cho thật lớn, trang hoàng cho thật lộng lẫy là người đời quí trọng chùa mình. Người đời quí kính là quí kính người tu chân chánh cầu đạo giải thoát, chớ không phải trọng cảnh đẹp. Cho nên người tu ngộ đạo dù cho vị đó mặc áo vá, ăn cơm hẩm, ở hang đá hay am tranh, người ta vẫn tìm đến lễ bái cúng dường. Đạo lý là ở nơi con người, người thanh tịnh mới đáng tôn kính quí trọng. Như vậy, người tu đừng có tâm mơ mộng tạo chùa cảnh cho đẹp để mai kia mình trụ trì, mà phải cố gắng nỗ lực tu, chính mình tu chân chánh mới dạy được người tu đàng hoàng, đó là trang nghiêm chùa cảnh.

Muốn cõi Phật mình được trang nghiêm thì phải thực hiện đủ hai môn phước và tuệ. Về phần tuệ tự mình phải nỗ lực tu tỉnh để được giác ngộ viên mãn, về phần phước thì phải giáo hóa chúng sanh. Khi đã giáo hóa chúng sanh viên mãn thì thành Phật. Giả sử đời này chúng ta ngộ đạo là đã có trí tuệ, nhưng chưa giáo hóa chúng sanh làm sao có phước? Sở dĩ Bồ-tát khi thành Phật có vô số đồ đệ Thanh văn Bồ-tát, là những bậc tu phạm hạnh, tu Trí tuệ Phật, có sức thần thông lớn, khéo biết tất cả pháp môn, tâm ngay thật, chí bền vững, là do thời gian hành Bồ-tát đạo giáo hóa chúng sanh lâu dài, nên mới có quyến thuộc đông như vậy, và có phước tròn đầy nên mới được tôn xưng là Lưỡng Túc Tôn. Ngày nay, chúng ta tu muốn năm năm bảy năm thành Phật, trong khi chưa độ sanh làm sao được phước tuệ viên mãn? Vậy nếu được Phật thọ ký khoảng thời gian lâu dài sẽ thành Phật, chúng ta có buồn ngán không? Thời gian tu tập lâu dài thì việc lợi sanh cũng nhiều, phước đức thêm lớn. Khi việc tự giác giác tha đã viên mãn thì mới đủ phước và tuệ để thành Phật, quyến thuộc mới đông nhiều để trang nghiêm cõi Phật đúng như hạnh nguyện. Tu chỉ muốn năm năm, bảy năm thành Phật, làm sao có đủ phước tuệ để thành Phật? Dù muốn thành cũng không thể thành.

Đoạn này có hai điểm đáng lưu ý. Kiếp chót của đức Thích-ca thành Phật sanh làm vương tử, ở đây Phật thọ ký cho ngài Xá-lợi-phất kiếp chót thành Phật cũng làm vương tử và các đức Phật cũng đều như vậy. Tại sao đời chót của chư Phật đều sanh làm vương tử mà không sanh trong gia đình bần cùng? Vì khi Bồ-tát tu tới quả vị Nhất sanh bổ xứ thì phước đức vô lượng vô biên, nên sanh làm vương tử mà không sanh vào chỗ xấu ác. Hơn nữa, vương tử bỏ ngôi đi tu, để cho mọi người thấy rằng Ngài đang ở trong ngũ dục lạc sung mãn, mà gan dạ từ bỏ ngũ dục lạc, khiến cho mọi người ngưỡng mộ kính phục để giáo hóa họ. Và một vương tử có đủ quyền thế mà còn từ bỏ, trong khi mọi người là những kẻ không có chút quyền hành, sao không gan dạ xả bỏ để tu?

Phần trùng tụng lặp lại ý trên nên tôi không giảng, tuy nhiên bốn câu chót: Đấng Lưỡng Túc Tôn kia, rất hơn không ai bằng, Phật tức là thân ông, nên phải tự vui mừng. Tại sao nói “Phật tức là thân ông”? Vì ngài Xá-lợi-phất nhận ra Tri kiến Phật của chính mình, nên Ngài tin chắc sẽ thành Phật, và Ngài cũng được Phật thọ ký thành Phật. Bởi ngay nơi thân năm uẩn phàm phu này có sẵn Phật nhân nên nói Phật tức là thân này. Trong Chứng Đạo Ca của Thiền sư Vĩnh Gia Huyền Giác, đoạn mở đầu có câu “huyễn hóa không thân tức Pháp thân” nghĩa là ngay nơi thân năm uẩn duyên hợp huyễn hóa này tức là Pháp thân; Pháp thân không rời thân năm uẩn này mà có. Ngay thân năm uẩn của mỗi người ai cũng có sẵn Pháp thân, nhưng vì không dám nhận nên tự thấy mình là kẻ phàm phu vô phần, nếu đủ lòng tin dám nhận thì thấy mình có phần, sẽ thành Phật. Vậy không cần tìm kiếm Phật ở đâu xa, chỉ khéo nhận Pháp thân chân thật ngay nơi thân năm uẩn huyễn hóa này, và hằng sống với Pháp thân chân thật thì được an vui tự tại. Nên nói: Phật tức là thân ông, nên phải tự vui mừng.

No comments:

Post a Comment