Wednesday, January 19, 2011

Kinh Diệu Pháp Liên Hoa giảng giải part 9

CHÁNH VĂN:

18.- Đức Phật bảo Xá-lợi-phất:
- Các đức Phật Như Lai chỉ giáo hóa Bồ-tát, những điều làm ra thường vì một việc: Chỉ đem Tri kiến Phật chỉ cho chúng sanh tỏ ngộ thôi.

Xá-lợi-phất! Đức Như Lai chỉ dùng một Phật thừa mà vì chúng sanh nói pháp, không có các thừa hoặc hai hoặc ba khác.


GIẢNG:

Mục đích duy nhất của đức Phật Thích-ca cũng như của chư Phật đời quá khứ ra đời là làm sao cho chúng sanh tỏ ngộ được Tri kiến Phật, tức là Phật thừa chớ không có thừa thứ hai hay thứ ba.


CHÁNH VĂN
:

19.- Xá-lợi-phất! Pháp của tất cả các đức Phật ở mười phương cũng như thế.

Xá-lợi-phất! Thuở quá khứ các đức Phật dùng vô lượng vô số phương tiện, các món nhân duyên lời lẽ thí dụ mà vì chúng sanh diễn nói các pháp. Vì pháp đó đều là một Phật thừa, nên các chúng sanh đó theo chư Phật nghe pháp rốt ráo đều được chứng “Nhứt thế chủng trí”.

Xá-lợi-phất! Thuở vị lai, các đức Phật sẽ ra đời cũng dùng vô lượng vô số phương tiện, các món nhân duyên lời lẽ thí dụ mà vì chúng sanh diễn nói các pháp, vì pháp ấy đều là một Phật thừa, nên các chúng sanh đó theo Phật nghe pháp rốt ráo đều được chứng “Nhứt thế chủng trí”.

Xá-lợi-phất! Hiện tại nay, trong vô lượng trăm nghìn muôn ức cõi Phật ở mười phương, các đức Phật Thế Tôn nhiều điều lợi ích an vui cho chúng sanh. Các đức Phật đó cũng dùng vô lượng vô số phương tiện các món nhân duyên lời lẽ thí dụ, mà vì chúng sanh diễn nói các pháp, vì pháp đó đều là một Phật thừa, các chúng sanh ấy theo Phật nghe pháp rốt ráo đều được chứng “Nhứt thế chủng trí”.

Xá-lợi-phất! Các đức Phật đó chỉ giáo hóa Bồ-tát, vì muốn đem Tri kiến Phật mà chỉ cho chúng sanh, vì muốn đem Tri kiến Phật cho chúng sanh tỏ ngộ, vì muốn làm cho chúng sanh chứng vào Tri kiến Phật vậy.

Xá-lợi-phất! Nay ta cũng lại như thế, rõ biết các chúng sanh có những điều ưa muốn, thân tâm mê chấp, ta tùy theo bổn tánh kia dùng các món nhân duyên lời lẽ thí dụ cùng sức phương tiện mà vì đó nói pháp.

Xá-lợi-phất! Như thế đều vì để chứng được một Phật thừa “Nhứt thế chủng trí
”.

GIẢNG:

Nhất thế chủng trí là trí Phật, biết tột cùng khắp tất cả pháp trên thế gian này. Nhất thiết trí là trí của Thanh văn, Duyên giác. Chư Phật quá khứ, chư Phật vị lai, và Phật hiện tại là đức Thích-ca đều nhắm vào chỗ cứu kính duy nhất là, chỉ bày Tri kiến Phật cho chúng sanh được tỏ ngộ và chứng nhập để được “Nhất thế chủng trí”. Như vậy, chư Phật quá khứ dạy cũng như thế, chư Phật vị lai dạy cũng như thế, kể cả đức Phật Thích-ca đời hiện tại dạy cũng như thế. Không có con đường thứ hai thứ ba nào khác. Chỉ có con đường duy nhất là làm sao cho mọi người nhận ra Tri kiến Phật, và hằng sống được với Tri kiến Phật nơi mình. Tại sao đức Phật chỉ nhắm có điều đó? Vì Phật biết mỗi chúng sanh ai cũng có Tri kiến Phật, nhưng vì mê mới tạo nghiệp đi trong luân hồi lục đạo, thành ra Tri kiến chúng sanh. Bây giờ nhờ Phật chỉ bày, chúng ta khéo nhận khéo sống thì Tri kiến chúng sanh trở thành Tri kiến Phật, đó là tu.


CHÁNH VĂN:

20.- Xá-lợi-phất! Trong cõi nước ở mười phương còn không có hai thừa hà huống có ba!
Xá-lợi-phất! Các đức Phật hiện ra trong đời ác năm trược, nghĩa là: kiếp trược, phiền não trược, chúng sanh trược, kiến trược, mạng trược. Như thế, Xá-lợi-phất, lúc kiếp loạn trược chúng sanh nhơ nặng, bỏn sẻn, tham lam, ghét ganh, trọn nên các căn chẳng lành, cho nên các đức Phật dùng sức phương tiện, nơi một Phật thừa, phân biệt nói thành ba.


GIẢNG:

Đoạn này đức Phật xác nhận rõ ràng ý nghĩa không có ba thừa mà chỉ có một Phật thừa. Sở dĩ Phật nói ba thừa là vì chúng sanh ở trong đời ngũ trược: kiếp trược, phiền não trược, chúng sanh trược, kiến trược, mạng trược, sanh lòng bỏn sẻn, tham lam, ganh ghét... Vì vậy mà Phật tạm dùng phương tiện nói ba thừa để dẹp bỏ những tâm cấu uế đó.

- Kiếp trược
: Thời mà tuổi thọ của loài người dưới hai ngàn tuổi, chỉ cho cõi Ta-bà đức Thích-ca đang giáo hóa.

- Phiền não trược: Lòng mọi người chứa chấp nhiều tham lam, sân hận...

- Chúng sanh trược: Con người bám chấp vào sanh mạng mình cho là thật, rồi sanh cống cao ngã mạn.

- Kiến trược: Kiến chấp một bên, thấy biết lệch lạc tà vạy mà cho là đúng.

- Mạng trược: Chúng sanh vì sự sống mà tạo rất nhiều nghiệp ác.


CHÁNH VĂN
:

21.- Xá-lợi-phất! Nếu đệ tử ta tự cho mình là A-la-hán cùng Duyên giác, mà không nghe không biết việc của các đức Phật Như Lai chỉ giáo hóa Bồ-tát, người này chẳng phải đệ tử Phật, chẳng phải A-la-hán, chẳng phải Duyên giác.

Lại nữa Xá-lợi-phất! Các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ni đó tự cho mình đã được A-la-hán, là thân rốt sau rốt ráo Niết-bàn, bèn chẳng lại chí quyết cầu đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Nên biết bọn đó là kẻ tăng thượng mạn. Vì sao? Nếu có Tỳ-kheo thiệt chứng quả A-la-hán mà không tin pháp này, quyết không có lẽ ấy, trừ sau khi Phật diệt độ, hiện tiền không Phật. Vì sao? Sau khi Phật diệt độ, những kinh như thế, người hay thọ trì, đọc tụng, hiểu nghĩa rất khó có được, nếu gặp đức Phật khác, ở trong pháp này bèn được hiểu rõ.

Xá-lợi-phất! Các ông nên một lòng tin hiểu thọ trì lời Phật dạy. Lời các đức Phật Như Lai nói không hư vọng, không có thừa nào khác, chỉ có một Phật thừa thôi
.

GIẢNG:

Phật xác nhận một cách quyết liệt, dù là A-la-hán, Duyên giác ngang đó mà tự mãn cho là đủ thì người đó không phải là đệ tử của Phật. Người tu chúng ta hiện tại, đa số mắc phải chứng bệnh tự mãn, tu một thời gian tự thấy rằng mình đã đủ, nên mặc nhiên an hưởng tứ sự cúng dường một cách sung mãn, mà không lo nghĩ đến sự tu tiến. Nên tôi thường nói khẳng định rằng: Nếu chưa thành Phật thì không lúc nào chúng ta ngừng nghỉ tu hành, nếu ngừng nghỉ không tu là rơi vào lỗi tự mãn, đó là tăng thượng mạn. Dù là Bồ-tát cũng vẫn cố gắng tu hành, đến khi thành Phật mới thôi. Ai được chút ít cho là đủ, người đó chỉ là hạt lép, là lá vàng úa, gió thổi qua rơi rụng hết. Nếu là hạt chắc, là thứ thật thì tu cho đến khi thành Phật mới rồi trách nhiệm của mình, chưa thành Phật thì lúc nào cũng phải cố gắng nỗ lực tu chớ không tự mãn. Nhưng mà nhìn lại thì người tu bây giờ tự mãn không phải ít. Họ nghĩ rằng đời này tu gieo giống lành, kiếp sau tu nữa, hoặc già yếu rồi nghỉ ngơi cho thảnh thơi đôi chút, chẳng lẽ suốt đời cặm cụi tu hoài... Nghĩ như vậy là trái với tinh thần của Phật dạy, nên chưa phải là đệ tử Phật.

Đức Phật đối với những chúng sanh tu mà không muốn thành Phật, chỉ muốn đời sau sanh ra làm người tốt, có đủ duyên phước thì Phật dạy giữ Năm giới, đó là Nhân thừa. Lại có người tu không muốn thành Phật, muốn được sung sướng hưởng phước báo đầy đủ, Phật dạy tu Thập thiện, đó là Thiên thừa. Người không muốn sanh lên cõi trời cũng không muốn trở lại làm người, Phật dạy tu Tứ đế để chứng Niết-bàn không còn tái sanh lại nữa, đó là Thanh văn thừa. Đến hàng Duyên giác thì Phật nói Mười hai nhân duyên, hàng Bồ-tát thì nói Sáu pháp ba-la-mật, hướng dẫn từ thấp dần dần lên. Tới đây Phật mới nói bản hoài của chư Phật ra đời là dạy người tu để thành Phật chớ không dạy điều gì khác.

Cũng vậy, hiện tại tôi hướng dẫn Tăng Ni và Phật tử tu, là phải biết rõ nơi mình có “cái chân thật” mà tôi tạm gọi là “Ông chủ” hay “Bản lai diện mục”, còn ý niệm nghĩ suy là vọng tưởng không thật. Biết được như vậy rồi thì đi đứng nằm ngồi, hằng sống với Ông chủ, không chạy theo vọng tưởng hư giả. Đó là bản hoài mà tôi nhắm. Nhưng người tới học đạo có nhiều trình độ. Người già đến thì tôi dạy niệm Phật cho tâm bớt loạn, để khi nhắm mắt theo Phật về cõi Phật. Nếu là người trẻ mới vào đạo chưa rõ gì về Thiền tông, mà tâm quá loạn động thì tôi dạy đếm hơi thở, nhờ đếm hơi thở mà tâm bớt loạn... Đó là những phương tiện tôi đã dùng làm lợi ích cho người tùy theo trình độ căn cơ của họ. Chưa nói được mục đích mà tôi nhắm thì phải nói phương tiện, làm sao cho người đến học đều được lợi ích.


CHÁNH VĂN:

Khi ấy đức Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa này mà nói kệ rằng:
22.-
Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ni
Cưu lòng tăng thượng mạn
Cận sự nam ngã mạn
Cận sự nữ chẳng tin,
Hàng bốn chúng như thế
Số kia có năm nghìn
Chẳng tự thấy lỗi mình
Nơi giới có thiếu sót
Tiếc giữ tội quấy mình
Trí nhỏ đó đã ra
Bọn cám tấm trong chúng
Oai đức Phật phải đi
Gã đó kém phước đức
Chẳng kham lãnh pháp này
Chúng nay không cành lá
Chỉ có những hột chắc
.

GIẢNG:

Đức Phật nói những Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ni, cư sĩ nam, cư sĩ nữ trong tứ chúng, có khoảng năm ngàn người là những kẻ kém duyên phước, trí nhỏ hẹp, thuộc hàng tăng thượng mạn, họ không kham nhận pháp Phật nên bỏ đi. Sau khi họ bỏ đi, Phật mới nói: Bây giờ trong chúng không còn cám tấm, cành lá úa, chỉ còn hạt chắc thôi.


CHÁNH VĂN
:

23.-
Xá-lợi-phất khéo nghe!
Pháp của các Phật được
Vô lượng sức phương tiện
Mà vì chúng sanh nói.
Tâm của chúng sanh nghĩ
Các món đạo ra làm
Bao nhiêu những tánh dục
Nghiệp lành dữ đời trước,
Phật biết hết thế rồi
Dùng các duyên thí dụ
Lời lẽ sức phương tiện
Khiến tất cả vui mừng,
Hoặc là nói Khế kinh,
Cô khởi cùng Bổn sự,
Bổn sanh, Vị tằng hữu,
Cũng nói những Nhân duyên,
Thí dụ và Trùng tụng
Luận nghị cọng chín kinh.
Căn độn ưa pháp nhỏ
Tham chấp nơi sanh tử
Nơi vô lượng đức Phật
Chẳng tu đạo sâu mầu
Bị các khổ não loạn
Vì đó nói Niết-bàn,
Ta bày phương tiện đó
Khiến đều vào huệ Phật.
Chưa từng nói các ông
Sẽ được thành Phật đạo
Sở dĩ chưa từng nói
Vì giờ nói chưa đến,
Nay chính là đến giờ
Quyết định nói Đại thừa
.

GIẢNG:

Phật nói cho tất cả hội chúng biết rằng pháp mà Phật được, có sức phương tiện vô cùng, biết tường tận nhân duyên quả báo của sáu loài chúng sanh. Ngài nói pháp dùng những phương tiện như:

- Khế kinh
: Lời dạy của Phật hợp với căn cơ chúng sanh, bằng thể văn xuôi, còn gọi là Trường hàng.

- Trùng tụng: Một thể văn thuyết pháp của Phật lặp lại ý của đoạn văn Trường hàng bằng kệ tụng.

- Bản sự: Những việc làm, những kiến văn ở đời trước của Phật do Phật thuật lại.

- Bản sanh: Phật nhắc lại tiền kiếp của Ngài hay của đệ tử.

- Vị tằng hữu: Việc chưa từng có, khó hiểu, khó tin.

- Nhân duyên: Phật giải về căn bản của quả báo từ gốc tới ngọn.

- Thí dụ: Dùng một mẩu chuyện để so sánh cho dễ hiểu.

- Cô khởi: Thi văn tự mình xướng lên lúc thuyết pháp.

- Luận nghị: Biện luận sâu rộng, khúc chiết, mạch lạc cho dễ hiểu.

Đó là những thể tài thuyết pháp mà Phật đã dùng hoặc đủ chín phần hoặc không đủ chín phần trong mỗi bộ kinh. Phật tùy thời tùy cơ mà nói, dẫn dụ chúng sanh đi từ thấp đến cao, cuối cùng đưa đến Phật thừa là chỗ cứu kính.


CHÁNH VĂN:

24.-
Chín bộ pháp của ta
Thuận theo chúng sanh nói
Vào Đại thừa làm gốc
Nên mới nói kinh này
Có Phật tử tâm tịnh
Êm dịu cùng căn lợi
Nơi vô lượng các Phật
Mà tu đạo sâu mầu,
Vì hàng Phật tử này
Nói kinh Đại thừa đây
Ta ghi cho người đó
Đời sau thành Phật đạo
Bởi thâm tâm niệm Phật
Tu trì tịnh giới vậy
Hạng này nghe thành Phật
Rất mừng đầy khắp mình,
Phật biết tâm của kia
Nên vì nói Đại thừa,
Thanh văn hoặc Bồ-tát
Nghe ta nói pháp ra
Nhẫn đến một bài kệ
Đều thành Phật không nghi
.

GIẢNG:

Sở dĩ Phật nói chín bộ pháp đó là vì thuận theo căn cơ của chúng sanh mà nói, chớ bản hoài của Phật là chỉ cho chúng sanh một Phật thừa mà thôi. Nếu ai nghe Phật thừa này, đem lòng tin và nói cho người khác nghe thì được Phật thọ ký sau này sẽ thành Phật. Vì tâm họ nhớ nghĩ Phật rất sâu xa, không tự mãn ở những cấp bậc thấp, quyết định họ sẽ thành Phật.


CHÁNH VĂN:

25.-
Trong cõi Phật mười phương
Chỉ có một thừa pháp
Không hai cũng không ba
Trừ Phật phương tiện nói
Chỉ dùng danh từ giả
Dắt dẫn các chúng sanh
Vì nói Trí tuệ Phật.
Các Phật ra nơi đời
Chỉ một việc này thiệt
Hai thứ chẳng phải chân.
Trọn chẳng đem Tiểu thừa
Mà tế độ chúng sanh
Phật tự trụ Đại thừa
Như pháp của mình được
Định, huệ, lực, trang nghiêm
Dùng đây độ chúng sanh.
Tự chứng đạo Vô thượng
Pháp bình đẳng Đại thừa
Nếu dùng Tiểu thừa độ
Nhẫn đến nơi một người
Thời ta đọa san tham
Việc ấy tất không được
Nếu người tin về Phật
Như Lai chẳng dối gạt
Cũng không lòng tham ganh
Dứt ác trong các pháp
Nên Phật ở mười phương
Mà riêng không chỗ sợ.
Ta dùng tướng trang nghiêm
Ánh sáng soi trong đời
Đấng vô lượng chúng trọng
Vì nói thiệt tướng ấn.


GIẢNG:

Đoạn này Phật lặp lại ý chánh của chư Phật mười phương ra đời là chỉ nói một Phật thừa, chớ không có thừa thứ hai hay thứ ba. Tại sao? Vì quả vị cùng tột mà Ngài chứng được là quả Phật, nếu để lại ít phần không chỉ dạy rốt ráo, đó là thiếu lòng từ, tâm còn san lẫn, sợ người hơn mình. Phật là đấng Đại từ Đại bi, không san lẫn, nên cái gì Ngài được, Ngài muốn cho tất cả mọi người đều được như Ngài. Nếu mọi người chưa được như Ngài thì Ngài chưa mãn nguyện, không bằng lòng. Vì vậy mà cuối cùng Ngài nói: “Đấng vô lượng chúng trọng, vì nói thiệt tướng ấn.” Thông thường trong nhà Phật có nêu ra Tam pháp ấn, Tứ pháp ấn, hoặc Nhất thật pháp ấn, để làm dấu ấn xác minh coi pháp đó có phải Phật nói không. Tam pháp ấn là: chư hành vô thường, chư pháp vô ngã, Niết-bàn tịch tịnh; Tứ pháp ấn là: vô thường, khổ, không, vô ngã; Nhất thật pháp ấn cũng là Thật tướng ấn. Ấn là dấu in để ấn chứng. Muốn biết kinh nào là thật của Phật nói hay không phải của Phật nói, thì phải lấy Tam pháp ấn, Tứ pháp ấn hay Nhất thật pháp ấn để làm chỗ ấn chứng. Nhất thật pháp ấn là chỉ cho mỗi chúng sanh đều có Phật tánh, nếu tu thì sẽ thành Phật. Kinh Pháp Hoa, Phật nói tột chỗ đó nên gọi là “Thật tướng ấn”.


CHÁNH VĂN:

26.-
Xá-lợi-phất! Nên biết!
Ta vốn lập thệ nguyện
Muốn cho tất cả chúng
Bằng như ta không khác
Như ta xưa đã nguyện
Nay đã đầy đủ rồi
Độ tất cả chúng sanh
Đều khiến vào Phật đạo
Nếu ta gặp chúng sanh
Dùng Phật đạo dạy cả
Kẻ vô trí rối sai
Mê lầm không nhận lời
Ta rõ chúng sanh đó
Chưa từng tu cội lành
Chấp chặt nơi ngũ dục
Vì si ái sanh khổ
Bởi nhân duyên các dục
Sa vào ba đường dữ
Xoay lăn trong sáu nẻo
Chịu đủ những khổ độc
Thân mọn thọ bào thai
Đời đời tăng trưởng luôn
Người đức mỏng ít phước
Các sự khổ bức ngặt
Vào rừng rậm tà kiến
Hoặc chấp có, chấp không
Nương gá các chấp này
Đầy đủ sáu mươi hai
Chấp nhận pháp hư vọng
Bền chặt không bỏ được
Ngã mạn tự khoe cao
Dua nịnh lòng không thiệt
Trong nghìn muôn ức kiếp
Chẳng nghe danh tự Phật
Cũng chẳng nghe chánh pháp
Người như thế khó độ.


GIẢNG:

Lời thệ nguyện của đức Phật Thích-ca cũng như chư Phật mười phương là muốn làm sao cho tất cả chúng sanh đều được bằng Phật. Nhưng vì tâm trí chúng sanh mê mờ rối loạn, tà kiến, tham ưa ngũ dục, không bao giờ tu pháp lành, nên trôi lăn trong ba đường dữ chịu mọi khổ đau, do đó không bao giờ nghe được danh hiệu Phật. Những chúng sanh này rất là khó độ.


CHÁNH VĂN:

27.-
Cho nên Xá-lợi-phất!
Ta vì bày phương tiện
Nói các đạo dứt khổ
Chỉ cho đó Niết-bàn
Ta dầu nói Niết-bàn
Cũng chẳng phải thiệt diệt
Các pháp từ bổn lai
Tướng thường tự vắng lặng
Phật tử hành đạo rồi
Đời sau được thành Phật
Ta có sức phương tiện
Mở bày pháp ba thừa
Tất cả các Thế Tôn
Đều nói đạo Nhứt thừa
Nay trong đại chúng này
Đều nên trừ nghi lầm
Lời Phật nói không khác
Chỉ một, không hai thừa.


GIẢNG:

Vì hàng chúng sanh khó độ nên Phật mới bày phương tiện dứt các khổ cho họ được Niết-bàn. Niết-bàn đó là Niết-bàn của Nhị thừa. Tuy nói Niết-bàn, nhưng chẳng phải thật diệt. Vì:

Các pháp từ bổn lai
Tướng thường tự vắng lặng
.

Từ trước chúng ta thường nghe Phật dạy các pháp ở thế gian này là biến động vô thường, tại sao ở kinh này Phật lại nói “các pháp từ xưa đến nay tướng thường tự vắng lặng”? Chữ “Tướng” ở đây phải hiểu là “Thật tướng”, tức là Thể tánh của các pháp. Chúng ta quán sát thấy các pháp trên thế gian này tướng nó là biến động, có đó rồi mất đó. Ví dụ như cái đồng hồ, thông thường máy chạy, kim quay, chúng ta căn cứ trên kim đồng hồ, định ngày giờ mà làm việc. Nếu máy không chạy kim không quay, thì đồng hồ không xài được. Như vậy, tất cả pháp thế gian được hữu dụng là do linh động có sự sống, nếu nó bất động coi như là chết vô dụng. Đó là cái thấy thông thường của thế gian. Nhưng nếu nhìn sâu hơn, chúng ta mở chốt đồng hồ ra, để riêng từ bộ phận thì máy không chạy, kim không quay; nếu ráp các bộ phận ấy lại thì máy đồng hồ chạy, kim đồng hồ quay. Như vậy, các pháp biến động là do duyên hợp mà có, chớ thật thể của nó vốn không động, nên nói Tự tánh các pháp vốn tịch diệt.

Cũng vậy, Tự tâm của mỗi người, khi mắt thấy người thấy cảnh... rồi khởi niệm nghĩ về người về cảnh đó là động niệm, mà động niệm là tướng duyên hợp sanh diệt vô thường, đủ duyên thì tạm có, thiếu duyên thì tạm không, không có Thật thể cố định. Như vậy, pháp do duyên mà thành có hay thành không, thì pháp đó không thật. Còn pháp không do duyên mà thành, đó là cái chân thật.

Vậy, tất cả pháp ở thế gian này, nếu đứng về mặt Bản thể mà nhìn, không có một pháp nào biến động vô thường cả. Sở dĩ thấy các pháp vô thường biến động là vì chưa thấy tột cùng Bản thể của nó, nên theo tình chấp mà thấy có động tịnh, có vô thường. Nếu thấy tột cùng Bản thể của nó thì thấy các pháp nguyên là bất động, lặng lẽ. Ngay nơi bản thân con người sự sống và sự chết là do cái gì? Sống là do duyên, mà chết cũng do duyên. Vậy sống chết là chuyện của duyên; đã là chuyện của duyên thì không phải là chuyện của mình. Ngay nơi sống chết biết đó là tướng của duyên thì chúng ta không còn bị sống chết chi phối nữa, sự sống chết đối với chúng ta rất thường, không quan trọng.

Xưa có Thiền sư đọc tới hai câu trên ngài nghi: Tại sao các pháp từ xưa đến nay tướng thường vắng lặng? Ngài ôm ấp thắc mắc mãi trong lòng. Một sáng mùa Xuân nọ, ngài ngồi trước cửa chùa, bỗng thấy chim hoàng oanh đậu trên cành liễu hót, ngài hoát nhiên ngộ đạo, liền đọc tiếp hai câu:

Xuân đáo bách hoa khai
Hoàng oanh đề liễu thượng.


Hợp lại thành bài thơ bốn câu:

Chư pháp tùng bản lai,
Thường tự tịch diệt tướng.
Xuân đáo bách hoa khai,
Hoàng oanh đề liễu thượng.


Mùa Xuân đến thì trăm hoa nở, chim hoàng oanh đậu trên cành liễu cất tiếng hót. Tất cả pháp, thể vốn không động, khi duyên hợp thì động, Xuân sang thì hoa nở, chim hót. Xuân sang, hoa nở, chim hót là duyên. Cái động đó là động của duyên. Ngài thấy rõ ngay trong các pháp Thể tánh nó vốn lặng lẽ, mà tướng dụng của nó thì biến động, như hoa nở, chim hót khi Xuân đến. Ngộ đạo là thấy cùng tột Bản thể của sự vật, cũng như nhận ra Thể tánh của chính mình, đồng thời cũng biết rõ tướng dụng sinh động của nó không lầm lẫn. Chúng ta vì còn mê nên lầm chấp tướng dụng của các pháp cho là thật, đó là gốc của khổ đau. Người học đạo, nếu thấy tột chỗ cứu kính này thì sẽ thành Phật không nghi, còn nếu chấp tướng động của thân của nghiệp thì vẫn là chúng sanh đi trong luân hồi sanh tử.

Đoạn này cốt nói rõ mục tiêu của chư Phật, vì thương xót chúng sanh mê lầm nên mãi chịu khổ. Các ngài dùng nhiều phương tiện giải bày cho hết khổ. Chỗ cứu kính mà Phật muốn chỉ là Phật thừa, chớ không có thừa thứ hai thứ ba.

No comments:

Post a Comment