Friday, January 28, 2011

Kinh Diệu Pháp Liên Hoa giảng giải part 14

CHÁNH VĂN:

31.-
Phật thừa đây vi diệu
Rất thanh tịnh thứ nhứt
Ở trong các thế gian
Không còn pháp nào trên
Của các Phật vui ưa
Tất cả hàng chúng sanh
Đều phải nên khen ngợi
Và cúng dường lễ bái
Đủ vô lượng nghìn ức
Các trí lực, giải thoát
Thiền định và trí huệ
Cùng pháp khác của Phật
Chứng đặng thừa như thế
Khắp cho các con thảy,
Ngày đêm cùng kiếp số
Thường đặng ngồi dạo chơi
Cho các hàng Bồ-tát
Cùng với chúng Thanh văn
Nương nơi thừa báu này
Mà thẳng đến đạo tràng
Vì bởi nhân duyên đó
Tìm kỹ khắp mười phương
Lại không thừa nào khác
Trừ Phật dùng phương tiện
Bảo với Xá-lợi-phất
Bọn ông các người thảy
Đều là con của ta
Ta thời là cha lành.
Các ông trải nhiều kiếp
Bị các sự khổ đốt
Ta đều đã cứu vớt
Cho ra khỏi ba cõi
Ta dầu ngày trước nói
Các ông được diệt độ
Nhưng chỉ hết sanh tử
Mà thiệt thời chẳng diệt
Nay việc nên phải làm
Chỉ có trí huệ Phật
Nếu có Bồ-tát nào
Ở trong hàng chúng này
Có thể một lòng nghe
Pháp thật của các Phật
Các đức Phật Thế Tôn
Dầu dùng chước phương tiện
Mà chúng sanh được độ
Đều là Bồ-tát cả
.

GIẢNG:

Phật thừa là pháp vi diệu thanh tịnh bậc nhất, trong thế gian này không có pháp nào hơn được, nên phải khen ngợi. Nếu người nào ưa vui tin nhận được pháp này thì chắc chắn những người đó sẽ thành Phật.


CHÁNH VĂN:

32.-
Nếu có người trí nhỏ
Quá mê nơi ái dục
Phật bèn vì bọn này
Mà nói lý Khổ đế
Chúng sanh nghe lòng mừng
Đặng điều chưa từng có
Đức Phật nói Khổ đế
Chân thật không sai khác
Nếu lại có chúng sanh
Không rõ biết gốc khổ
Quá say nơi khổ nhân
Chẳng tạm rời bỏ được
Phật vì hạng người này
Dùng phương tiện nói dạy
Nguyên nhân có các khổ
Tham dục là cội gốc
Nếu dứt được tham dục
Khổ không chỗ nương đỗ
Dứt hết hẳn các khổ
Gọi là đế thứ ba.
Vì chứng Diệt đế vậy
Mà tu hành Đạo đế
Lìa hết các khổ phược
Gọi đó là giải thoát
Người đó nơi pháp gì
Mà nói đặng giải thoát?
Chỉ xa rời hư vọng
Gọi đó là giải thoát
Kỳ thiệt chưa phải được
Giải thoát hẳn tất cả
Đức Phật nói người đó
Chưa phải thiệt diệt độ
Vì người đó chưa được
Đạo quả Vô thượng vậy
Ý của ta không muốn
Cho đó đến diệt độ
Ta là đấng Pháp vương
Tự tại nơi các pháp
Vì an ổn chúng sanh
Nên hiện ra nơi đời
Xá-lợi-phất phải biết
Pháp ấn của ta đây
Vì muốn làm lợi ích
Cho thế gian nên nói
Tại chỗ ông đi qua
Chớ có vọng tuyên truyền
Nếu có người nghe đến
Tùy hỉ kính nhận lấy
Phải biết rằng người ấy
Là bậc bất thối chuyển
Nếu có người tin nhận
Kinh pháp Vô thượng này
Thời người đó đã từng
Thấy các Phật quá khứ
Cung kính và cúng dường
Cũng được nghe pháp này
Nếu người nào có thể
Tin chịu lời ông nói
Thời chính là thấy Ta
Cũng là thấy nơi ông
Cùng các chúng Tỳ-kheo
Và các hàng Bồ-tát
.

GIẢNG:

Đối với những người tâm ý nhỏ hẹp không nhận được pháp lớn, nên Phật phương tiện nói Khổ đế, rồi từ Khổ đế Ngài chỉ nguyên nhân gây ra khổ là Tập đế. Khi đã biết Khổ đế, Tập đế, Ngài mới nói Diệt đế tức là Niết-bàn, muốn đến Niết-bàn là phải biết đường lối tu hành tức là Đạo đế. Nếu người y cứ pháp Tứ đế tu hành thì sẽ chứng được quả A-la-hán. Nhưng quả A-la-hán chưa thật là diệt độ, chưa thật là Niết-bàn. Tại sao? Vì các vị tu pháp Tứ đế thấy thân tâm này bị vô thường chi phối nên mới khổ đau. Gốc của khổ đau là tham, sân, si mà tham, sân, si lại là hư vọng. Những thứ hư vọng đó sạch hết tức là dứt được cái nhân luân hồi sanh tử gọi là Diệt đế. Thanh văn chỉ dẹp được phiền não hư vọng chưa nhận được Tri kiến Phật nơi mình, nên đây Phật nói: “Chỉ xa rời hư vọng gọi đó là giải thoát.” Còn hàng Bồ-tát hay Phật thừa thì nhận ra nơi mình có Tri kiến Phật. Nhận ra nơi mình có Tri kiến Phật rồi thì buông hết những cái hư vọng không thật.

Ví dụ cái áo bị dính những vết nhơ, khi tẩy hết những vết nhơ thì nói cái áo đã sạch, kỳ thật chỉ hết những vết nhơ chớ chưa thật sạch. Muốn sạch, sau khi tẩy các vết nhơ rồi phải đem cả cái áo ra giặt giũ, chừng đó mới thật sạch. Những vết nhơ sạch là cái sạch tương đối, cái áo sạch toàn diện mới là cái sạch tuyệt đối. Cũng vậy, khi dứt được tham, sân, si, phiền não hư vọng thì tâm lặng lẽ gọi là Niết-bàn giải thoát. Niết-bàn này chỉ là Niết-bàn tiêu cực, chưa có diệu dụng tích cực, nên có nhiều vị A-la-hán chứng Niết-bàn an trụ trong vắng lặng, rồi diệt độ luôn không làm lợi ích chúng sanh. Còn hàng Bồ-tát nhận ra Tri kiến Phật, đoạn dứt nhân luân hồi sanh tử có đủ diệu dụng như: Thập lực, Tứ vô sở úy... ra giáo hóa làm lợi ích chúng sanh. Đó là tinh thần tiêu cực và tích cực của Thanh văn và Bồ-tát.


CHÁNH VĂN
:

33.-
Phật vì người trí sâu
Nói kinh Pháp Hoa này
Kẻ thức cạn nghe đến
Mê lầm không hiểu được
Tất cả hàng Thanh văn
Cùng với Bích-chi Phật
Ở trong kinh pháp này
Sức kia không hiểu được.
Chính ông Xá-lợi-phất
Hãy còn nơi kinh này
Dùng lòng tin đặng vào
Huống là Thanh văn khác
Bao nhiêu Thanh văn khác
Do tin theo lời Phật
Mà tùy thuận kinh này
Chẳng phải trí của mình
.

GIẢNG:

Phật vì người trí sâu nói kinh Pháp Hoa, bởi hạng người này mới có đủ khả năng tin nhận. Còn hạng trí cạn hẹp như Thanh văn, Duyên giác thì không thể hiểu. Chính ngài Xá-lợi-phất đối với kinh Pháp Hoa phải do lòng tin mà vào, huống là những hàng Thanh văn khác.


CHÁNH VĂN
:

34.-
Lại nầy Xá-lợi-phất!
Kẻ kiêu mạn biếng lười
Vọng so chấp lấy ngã
Chớ vì nói kinh này
Hạng phàm phu biết cạn
Quá mê năm món dục
Nghe pháp không hiểu được
Cũng chẳng nên vì nói
Nếu có người không tin
Khinh hủy chê kinh này
Thời là dứt tất cả
Giống Phật ở thế gian.
Nếu có người xịu mặt
Mà cưu lòng nghi hoặc
Ông nên lóng nghe nói
Tội báo của người đó
Hoặc Phật còn tại thế
Hoặc sau khi diệt độ
Nếu có người chê bai
Kinh điển như thế nầy
Thấy có người đọc tụng
Biên chép, thọ trì kinh
Rồi khinh tiện ghét ganh
Mà cưu lòng kết hờn
Tội báo của người đó
Ông nay lại lóng nghe
Người đó khi mạng chung
Sa vào ngục A-tỳ
Đầy đủ một kiếp chẵn
Kiếp mãn hết lại sanh
Cứ xoay vần như thế
Nhẫn đến vô số kiếp
Từ trong địa ngục ra
Sẽ đọa vào súc sanh,
Hoặc làm chó, dã can
Thân thể nó ốm gầy
Đen điu thêm ghẻ lác
Bị người thường chọc ghẹo
Lại còn phải bị người
Gớm nhờm và ghét rẻ
Thường ngày đói khát khổ
Xương thịt đều khô khan
Lúc sống chịu khổ sở
Chết bị ném ngói đá
Vì đoạn mất giống Phật
Nên thọ tội báo đó
Hoặc sanh làm lạc đà
Hoặc sanh vào loài lừa
Thân thường mang kéo nặng
Lại thêm bị đánh đập
Chỉ nhớ tưởng: nước, cỏ
Ngoài ra không biết gì
Vì khinh chê kinh này
Mà mắc tội như vậy.
Có khi làm dã can
Đi vào trong xóm làng
Thân thể đầy ghẻ lác
Lại chột hết một mắt
Bị bọn trẻ nhỏ vây
Theo đánh đập liệng ném
Chịu nhiều các đau khổ
Hoặc có lúc phải chết
Ở đây vừa chết rồi
Liền lại thọ thân rắn
Thân thể nó dài lớn
Đến năm trăm do-tuần
Điếc ngây và không chưn
Lăn lóc đi bằng bụng
Bị các loài trùng nhỏ
Cắn rút ăn thịt máu
Bị khổ cả ngày đêm
Không tạm có ngừng nghỉ
Vì khinh chê kinh này
Mà mắc tội như vậy
Nếu được sanh làm người
Các căn đều ám độn
Lùn xấu lại lệt què
Đui điếc thêm lưng gù
Có nói ra lời gì
Mọi người không tin nhận
Hơi miệng thường hôi thúi
Bị quỉ mị dựa nhập
Nghèo cùng rất hèn hạ
Bị người sai khiến luôn
Nhiều bịnh, thân ốm gầy
Không có chỗ cậy nhờ
Dầu nương gần với người
Mà người chẳng để ý
Nếu có đặng điều chi
Thời liền lại quên mất
Nếu học qua nghề thuốc
Theo đúng phép trị bịnh
Mà bịnh người nặng thêm
Hoặc có khi đến chết,
Nếu tự mình có bệnh
Không người chữa lành đặng
Dầu có uống thuốc hay
Mà bịnh càng thêm nặng
Hoặc người khác phản nghịch
Cướp giựt trộm lấy của
Các tội dường thế đó
Lại tự mang vạ lây
Những người tội như đây
Trọn không thấy được Phật
Là vua trong hàng Thánh
Thường nói pháp giáo hóa
Những người tội như đây
Thường sanh chỗ hoạn nạn
Tâm cuồng loạn, tai điếc
Trọn không nghe pháp được
Trải qua vô số kiếp
Như số cát sông Hằng
Sanh ra liền điếc câm
Các căn chẳng đầy đủ
Thường ở trong địa ngục
Như dạo chơi vườn nhà
Ở tại ác đạo khác
Như ở nhà cửa mình
Lạc đà, lừa, heo, chó
Là chỗ kia thường đi
Vì khinh chê kinh này
Mắc tội dường thế đó
Nếu đặng sanh làm người
Điếc, đui, lại câm, ngọng
Nghèo cùng các tướng suy
Dùng đó tự trang nghiêm
Sưng bủng bịnh khô khát
Ghẻ, lác cùng ung thư
Các bịnh như trên đó
Dùng làm y phục mặc
Thân thể thường hôi hám
Nhơ nhớp không hề sạch
Lòng chấp ngã sâu chặt
Thêm nhiều tánh giận hờn
Tình dâm dục hẩy hừng
Đến chẳng chừa cầm thú
Vì khinh chê kinh này
Mắc tội dường thế đó
.

GIẢNG:

Người chấp ngã đắm mê dục lạc thế gian, nghe kinh Pháp Hoa họ không tin lại còn khinh chê làm khuất mờ hạt giống Phật nơi mình, lại còn nói cho người khác không tin làm mờ khuất hạt giống Phật nơi người. Đó là làm đoạn mất hạt giống Phật ở thế gian nên mù mịt mê mờ, mặc tình tạo tội rồi mắc quả báo ở địa ngục. Khi hết quả báo địa ngục còn dư báo làm súc sanh, làm người thì thân thể tàn tật, đau bệnh, nghèo đói... Tất cả mọi khổ đau đều do không tin và khinh chê kinh Pháp Hoa, nên mất ánh sáng trí tuệ mà tạo nghiệp ác thọ quả khổ.


CHÁNH VĂN:

35.-
Bảo cho Xá-lợi-phất!
Người khinh chê kinh này
Nếu kể nói tội kia
Cùng kiếp cũng chẳng hết
Vì bởi nhân duyên đó
Ta vẫn bảo các ông
Trong nhóm người vô trí
Chớ nên nói kinh này
Nếu có người lợi căn
Sức trí huệ sáng láng
Học rộng và nhớ dai
Lòng mong cầu Phật đạo
Những hạng người như thế
Mới nên vì đó nói
Nếu có người đã từng
Thấy trăm nghìn ức Phật
Trồng các cội đức lành
Thâm tâm rất bền vững
Hạng người được như thế
Mới nên vì đó nói
Nếu có người tinh tấn
Thường tu tập lòng từ
Chẳng hề tiếc thân mạng
Mới nên vì đó nói
Nếu có người cung kính
Không có sanh lòng khác
Lìa xa các phàm ngu
Ở riêng trong núi trầm
Những hạng người như thế
Mới nên vì đó nói
Lại Xá-lợi-phất này!
Nếu thấy có người nào
Rời bỏ ác tri thức
Gần gũi bạn hiền lành
Người được như thế ấy
Mới nên vì đó nói.
Nếu thấy hàng Phật tử
Giữ giới hạnh trong sạch
Như minh châu sáng sạch
Ham cầu kinh Đại thừa
Những người được như thế
Mới nên vì đó nói.
Nếu người không lòng giận
Chắc thiệt ý dịu hòa
Thường thương xót mọi loài
Cung kính các đức Phật
Hạng người tốt như thế
Mới nên vì đó nói.
Lại có hàng Phật tử
Ở tại trong đại chúng
Thuần dùng lòng thanh tịnh
Các món nhân cùng duyên
Thí dụ và lời lẽ
Nói pháp không chướng ngại
Những người như thế ấy
Mới nên vì đó nói.
Nếu có vị Tỳ-kheo
Vì cầu Nhứt thiết trí
Khắp bốn phương cầu pháp
Chắp tay cung kính thọ
Chỉ ưa muốn thọ trì
Kinh điển về Đại thừa
Nhẫn đến không hề thọ
Một bài kệ kinh khác
Hạng người được như thế
Mới nên vì đó nói.
Như có người chí tâm
Cầu xá-lợi của Phật
Cầu kinh cũng như thế
Đặng rồi đảnh lễ thọ
Người đó chẳng còn lại
Có lòng cầu kinh khác
Cũng chưa từng nghĩ tưởng
Đến sách vở ngoại đạo
Người được như thế ấy
Mới nên vì đó nói.
Bảo cùng Xá-lợi-phất!
Ta nói các sự tướng
Của người cầu Phật đạo
Cùng kiếp cũng chẳng hết
Những người như thế đó
Thời có thể tin hiểu
Ông nên vì họ nói
Kinh Diệu Pháp Liên Hoa
.

GIẢNG:

Ở trước, Phật dạy những người khinh mạn lười biếng, trí kém... thì không nên vì họ mà nói kinh Pháp Hoa, e họ không đủ sức tin, khinh chê rồi tạo tội mắc quả khổ. Tới đây, Phật dạy đối với những người lợi căn trí sáng, người đã từng gặp Phật có căn lành với Phật, người tinh tấn thường tu tập lòng từ, người cung kính nghe lời Phật dạy không chán nhàm, luôn ở chỗ vắng vẻ tu hành, người xa bạn ác gần gũi bạn lành, người giữ giới thanh tịnh cầu pháp Đại thừa, người ít giận tâm dịu hòa, kính Phật, thương chúng sanh, người có tâm thuần tịnh hay dùng phương tiện giảng nói kinh pháp, người thọ trì kinh điển Đại thừa, Tỳ-kheo cầu Nhất thiết trí, người nghe kinh điển thành tâm kính lễ tu tập, không ưa thích sách vở ngoại đạo; nên vì những người đó mà nói kinh Pháp Hoa, vì những hạng người này có khả năng tin thọ.

Chủ yếu của phẩm Thí Dụ là Phật chỉ cho tất cả hàng đệ tử tu theo Thanh văn thừa, Duyên giác thừa, Bồ-tát thừa biết rõ ba thừa đó, Phật tùy căn cơ của chúng sanh mà phương tiện tạm lập, nên không có thật. Chỗ chân thật cứu kính mà Phật muốn chỉ là Phật thừa.

Ngoài điểm chủ yếu đã nói, trong phẩm Thí Dụ đức Phật còn nêu lên những cảnh tượng khổ đau đang bức bách con người trong nhà lửa, để cho người tu Phật thấy rõ lẽ thật là người vật đang bị lửa vô thường, lửa tam độc thiêu đốt thân tâm. Thấy được lẽ thật là tỉnh giác, do tỉnh giác mà tiến tu để thoát khỏi lửa thiêu đốt. Đó là người trí mạnh do tỉnh giác mà được giải thoát. Còn người trí yếu, nhờ nghe lời Phật dạy, tuy chưa đủ sức tỉnh giác, nhưng tin lời Phật nói là đúng, y theo đó mà tiến tu, nhờ tiến tu nên cũng được giải thoát. Dụ như trường hợp các con của ông Trưởng giả tin cha cho ba xe, nên cố gắng chạy ra khỏi nhà lửa. Không bị lửa vô thường, lửa tam độc chi phối là giải thoát, còn bị lửa vô thường, lửa tam độc bức bách thì còn trầm luân trong luân hồi sanh tử.

Thông thường giáo lý Phật nói tu đến chỗ viên mãn thì không còn chấp ngã chấp pháp, nghĩa là không còn thấy thân tâm này là ngã, không còn thấy có pháp để tu để chứng. Lúc không còn thấy ngã pháp là lúc an trụ Niết-bàn tịch diệt. Không còn ngã là không còn mình, vậy ai an trụ Niết-bàn? Không còn pháp là không có Niết-bàn, vậy tu đến chỗ tịch diệt, chỗ tịch diệt đó có phải là hư không chăng, vì không người không vật? Nếu tu để trở thành hư không vô tri thì không nên tu, tu vô ích!

Đó là một vấn đề mà người tu ít ai để ý, cứ tin Niết-bàn là tịch diệt vắng lặng, không còn gì hết, hiểu như vậy là họa cho người học Phật. Hình ảnh ông Trưởng giả kêu các con và khi các con ra khỏi nhà lửa, được ông cho xe trâu trắng mập, đẹp, trang hoàng bằng bảy báu ngoài sức tưởng tượng, ngoài sự ước mơ của các con. Cũng vậy, tu đến chỗ không còn bị lửa vô thường, lửa tham sân si thiêu đốt, đâu phải ngang đó là hết, mà còn cái chân thật không hình tướng, không sanh diệt, thanh tịnh sáng suốt mầu nhiệm, vượt khỏi tầm hiểu biết suy lường của con người, nên đức Phật không nói. Vì Phật không nói nên chúng sanh không biết không tin. Khi xả được kiến chấp về giả ngã và buông được kiến chấp về giả pháp, mà Phật đã tùy căn cơ của chúng sanh giả lập thì cái chân thật hiện bày đầy đủ diệu dụng bất khả tư nghì. Nhiều người học Phật, nghĩ Niết-bàn vắng lặng chắc buồn lắm vì trống vắng. Còn ngã còn pháp thì mình có cái này được cái kia, khi tới Niết-bàn thì vô ngã, không có một pháp thì hưởng cái gì? vui cái gì? Họ đâu ngờ chính khi hết vô minh phiền não, thoát khỏi luân hồi sanh tử trong tam giới thì được tự tại vô ngại, đầy đủ diệu dụng lợi ích chúng sanh. Ví dụ nhà lửa làm sáng tỏ ý nghĩa này.

Phẩm Thí Dụ còn nói lên rằng: Người đến với đạo Phật mà không tin mình có Tri kiến Phật, đó là tự hủy hoại tự đoạn dứt căn lành của người, làm mất hạt giống Phật ở thế gian. Nên biết rõ Tri kiến Phật không rời thân năm uẩn sanh diệt giả tạm này mà riêng có. Vì vậy, việc tin nhận Tri kiến Phật ở chính mình là việc rất thực tế, không phải là chuyện mơ hồ viển vông. Tin nhận Tri kiến Phật ngay nơi mình thì mới thấy rõ thân năm uẩn giả hợp này là huyễn hóa không thật, nếu ai mê chấp nó là thật thì trầm luân đau khổ. Thế nên nói tin kinh này thì được vô lượng trí tuệ công đức; nếu không tin thì mê muội tạo vô số tội ác, chịu quả khổ cùng cực. Tin là tin mình có giống Phật, nếu tu sẽ được thành Phật, chớ không phải tin trên ngôn thuyết chữ nghĩa suông. Lý này đến phẩm Thường Bất Khinh Bồ-tát sẽ thấy rõ hơn.

Qua phẩm Thí Dụ, chúng ta thấy lòng từ của Phật đối với chúng sanh vô lượng vô biên không ngằn mé. Ngài dùng mọi phương tiện để dẫn dụ giáo hóa cho chúng sanh mau thoát khỏi nhà lửa Tam giới, được đầy đủ diệu dụng, tiến đến quả Phật như Ngài mới thôi.

No comments:

Post a Comment