Friday, January 21, 2011

Kinh Diệu Pháp Liên Hoa giảng giải part 10

CHÁNH VĂN:

28.-
Vô số kiếp đã qua
Vô lượng Phật diệt độ
Trăm nghìn muôn ức Phật
Số nhiều không lường được
Các Thế Tôn như thế
Các món duyên thí dụ
Vô số ức phương tiện
Diễn nói các pháp tướng
Các đức Thế Tôn đó
Đều nói pháp Nhứt thừa
Độ vô lượng chúng sanh
Khiến vào nơi Phật đạo
Lại các đại Thánh chúa
Biết tất cả thế gian
Trời, người loài quần sanh
Thâm tâm chỗ ưa muốn
Bèn dùng phương tiện khác
Giúp bày nghĩa đệ nhứt
.

GIẢNG:

Đoạn này lặp lại ý đoạn trước. Vô số đức Phật đời quá khứ dùng mọi phương tiện giáo hóa chúng sanh khiến cho vào Phật đạo.


CHÁNH VĂN
:

29.-
Nếu có loài chúng sanh
Gặp các Phật quá khứ
Hoặc nghe pháp bố thí
Hoặc trì giới, nhẫn nhục
Tinh tấn, thiền trí thảy
Các món tu phước huệ
Những người như thế đó
Đều đã thành Phật đạo
Sau các Phật diệt độ
Nếu người lòng lành dịu
Các chúng sanh như thế
Đều đã thành Phật đạo.


GIẢNG:

Nếu có những chúng sanh gặp chư Phật đời quá khứ, được các ngài dạy tu Lục độ, những chúng sanh đó hay tu được Lục độ thì họ đã thành Phật. Và sau khi Phật diệt độ, những chúng sanh có lòng lành dịu, thì cũng đều đã thành Phật đạo.


CHÁNH VĂN:

30.-
Các Phật diệt độ rồi
Người cúng dường xá-lợi
Dựng muôn ức thứ tháp
Vàng, bạc và pha lê
Xa-cừ cùng mã não
Ngọc mai khôi, lưu-ly
Thanh tịnh rộng nghiêm sức
Trau dồi nơi các tháp
Hoặc có dựng miếu đá
Chiên-đàn và trầm thủy
Gỗ mật cùng gỗ khác
Gạch ngói bùn đất thảy
Hoặc ở trong đồng trống
Chứa đất thành miếu Phật
Nhẫn đến đồng tử giỡn
Nhóm cát thành tháp Phật
Những hạng người như thế
Đều đã thành Phật đạo
.

GIẢNG:

Phật quá khứ đã diệt độ, nếu có ai xây tháp bằng vàng, bạc, pha lê... hoặc xây bằng gỗ, gạch, ngói, bùn, đất, cho đến trẻ con chơi làm tháp Phật để cúng dường, tất cả những người đó đều đã thành Phật đạo.


CHÁNH VĂN:

31.-
Nếu như người vì Phật
Xây dựng các hình tượng
Chạm trổ thành các tướng
Đều đã thành Phật đạo
Hoặc dùng bảy báu làm
Thau, đồng bạch, đồng đỏ
Chất nhôm cùng chì kẽm
Sắt, gỗ cùng với bùn
Hoặc dùng keo, sơn, vải
Nghiêm sức làm tượng Phật
Những người như thế đó
Đều đã thành Phật đạo
Vẽ vời làm tượng Phật
Trăm tướng phước trang nghiêm
Tự làm hoặc bảo người
Đều đã thành Phật đạo
Nhẫn đến đồng tử giỡn
Hoặc cỏ cây và bút
Hoặc lấy móng tay mình
Mà vẽ làm tượng Phật
Những hạng người như thế
Lần lần chứa công đức
Đầy đủ tâm đại bi
Đều đã thành Phật đạo
Chỉ dạy các Bồ-tát
Độ thoát vô lượng chúng
.

GIẢNG:

Nếu các chúng sanh vì Phật mà tạo hình tượng Ngài bằng bảy báu, hoặc dùng các thứ kim loại, hoặc dùng gỗ, bùn, keo, sơn, vải tạc thành tượng Phật, cho đến trẻ con dùng ngón tay hay dùng cây cỏ vẽ thành tượng Phật; nhờ tích chứa công đức, đầy đủ tâm đại bi, nên họ đều đã thành Phật đạo.


CHÁNH VĂN:

32.-
Nếu người nơi tháp miếu
Tượng báu và tượng vẽ
Dùng hoa, hương, phan, lọng
Lòng kính mà cúng dường
Hoặc khiến người trỗi nhạc
Đánh trống, thổi sừng ốc
Tiêu địch, cầm, không hầu
Tỳ bà, chụp chả đồng
Các tiếng hay như thế
Đem dùng cúng dường hết
Hoặc người lòng vui mừng
Ca ngâm khen đức Phật
Nhẫn đến một tiếng nhỏ
Đều đã thành Phật đạo
.

GIẢNG:

Nếu người ở trước tượng Phật hay tháp miếu Phật mà cúng dường hoa hương, phan lọng, hoặc dùng các loại nhạc cụ trỗi nhạc để cúng dường, hay ca ngâm khen ngợi Phật đều đã thành Phật đạo.


CHÁNH VĂN:

33.-
Nếu người lòng tán loạn
Nhẫn đến dùng một bông
Cúng dường nơi tượng vẽ
Lần thấy các đức Phật
Hoặc có người lễ lạy
Hoặc lại chỉ chấp tay
Nhẫn đến giơ một tay
Hoặc lại hơi cúi đầu
Dùng đây cúng dường tượng
Lần thấy vô lượng Phật
Tự thành đạo Vô thượng
Rộng độ chúng vô số
Vào Vô dư Niết-bàn
Như củi hết lửa tắt.
Nếu người lòng tán loạn
Vào nơi trong tháp miếu
Một xưng Nam-mô Phật
Đều đã thành Phật đạo
Nơi các Phật quá khứ
Tại thế, hoặc diệt độ
Có người nghe pháp này
Đều đã thành Phật đạo
.

GIẢNG:

Nếu người lòng tán loạn thấy tượng Phật họ lễ lạy, hoặc chỉ chấp tay, giơ tay, hoặc hơi cúi đầu để cúng dường Phật, thì lần lần thấy vô lượng Phật, tự thành đạo Vô thượng, độ tất cả chúng sanh vào Vô dư Niết-bàn. Hoặc những người lòng tán loạn vào tháp miếu thờ Phật, niệm Nam-mô Phật đều đã thành Phật đạo.

Đối với chư Phật thời quá khứ, những chúng sanh nào tạo được những phước duyên như vừa nêu thì đều đã thành Phật đạo. Câu đều đã thành Phật đạo cốt nhấn mạnh ý nghĩa: Tất cả chúng sanh ai cũng có sẵn Tri kiến Phật, nhưng vì mê lầm quên đi nên trầm luân trong lục đạo luân hồi. Bây giờ đủ duyên thức tỉnh, biết quay về thì sớm muộn gì cũng sẽ thành Phật. Vì đã có sẵn hạt giống, biết đem ra ươm trồng, thế nào rồi cũng thành quả. Đó là nói đối với người ở thời Phật quá khứ, dù chưa có lòng tin nhưng khi phát lòng tin hướng về Phật thì họ đều đã thành Phật đạo.


CHÁNH VĂN
:

34.-
Các Thế Tôn vị lai
Số nhiều không thể lường
Các đức Như Lai đó
Cũng phương tiện nói pháp
Tất cả các Như Lai
Dùng vô lượng phương tiện
Độ thoát các chúng sanh
Vào trí vô lậu Phật
Nếu có người nghe pháp
Không ai chẳng thành Phật
Các Phật vốn thệ nguyện
Ta tu hành Phật đạo
Khắp muốn cho chúng sanh
Cũng đồng được đạo này
Các Phật đời vị lai
Dầu nói trăm nghìn ức
Vô số các pháp môn
Kỳ thiệt vì Nhứt thừa
Các Phật Lưỡng Túc Tôn
Biết pháp thường không tánh
Giống Phật theo duyên sanh
Cho nên nói Nhứt thừa.
Pháp đó trụ ngôi pháp
Tướng thế gian thường còn
Nơi đạo tràng biết rồi
Đức Phật phương tiện nói
Hiện tại mười phương Phật
Của trời người cúng dường
Số nhiều như hằng sa
Hiện ra nơi thế gian
Vì an ổn chúng sanh
Cũng nói pháp như thế
Biết vắng bặt thứ nhứt
Bởi dùng sức phương tiện
Dầu bày các món đạo
Kỳ thiệt vì Phật thừa
Biết các hạnh chúng sanh
Thâm tâm nó nghĩ nhớ
Nghiệp quen từ quá khứ
Tánh dục, sức tinh tấn
Và các căn lợi độn
Dùng các món nhân duyên
Thí dụ cùng lời lẽ
Tùy cơ phương tiện nói
.

GIẢNG:

Chư Phật đời vị lai nhiều vô số, dùng vô số phương tiện độ chúng sanh, cũng không ngoài mục đích chỉ cho chúng sanh nhận ra Tri kiến Phật, nên nói rằng: Biết pháp thường không tánh, giống Phật theo duyên sanh, cho nên nói Nhứt thừa. Tại sao nói các pháp thế gian thường không tánh? Tất cả pháp thế gian do duyên hợp mà có giả tướng, đã là giả tướng do duyên hợp mới có thì không có Tự tánh cố định. Ví dụ cái nhà gồm cột, kèo, đòn tay, gạch ngói... hợp lại tạm gọi là cái nhà. Nếu chỉ có cột mà không có đòn tay, ngói... thì không thành cái nhà, hoặc có ngói gạch mà không có kèo cột... cũng không thành cái nhà. Như vậy, cái nhà là tướng do duyên hợp, nó không có Tự thể cố định, nên nói các pháp thường không tánh. Tại sao nói giống Phật theo duyên sanh? Duyên sanh ở đây không có nghĩa do duyên hợp sanh ra giống Phật, mà nơi mỗi chúng sanh đều có sẵn Phật tánh, nếu được thầy giáo hóa khai ngộ và tự mình tu tỉnh thì Phật tánh sẽ hiển hiện. Vì vậy nên nói giống Phật theo duyên sanh. Phật vì biết chúng sanh có sẵn giống Phật, nên Ngài chỉ nói pháp Nhất thừa để cho chúng sanh tu thành Phật, chớ không nói thừa nào khác.

Pháp đó trụ ngôi pháp, tướng thế gian thường còn nghĩa là pháp đó ở đúng bản vị của nó, tướng thế gian thường trụ. Nếu chúng ta nhìn sự vật theo tướng nhân duyên hòa hợp thì thấy nó hư giả, chợt có chợt không, nên vô thường, không có Tự thể cố định. Chính Tự thể không cố định là cái tướng thường còn không biến dịch không thay đổi. Ví dụ như nước ở nhiệt độ trung bình thì lỏng, ở nhiệt độ cao bốc thành hơi, ở 0o thì đông thành khối. Tùy theo duyên mà hình tướng nước có đổi thay từ lỏng sang cứng hay hơi, nhưng trên Thể tánh của nước vẫn là ướt, không đổi thay, là thường còn. Đa số kinh A-hàm đều đứng trên mặt tướng dụng mà diễn nói, còn các kinh Đại thừa thì đứng trên Bản thể của các pháp mà thuyết minh. Như vậy, nếu nhìn trên hình tướng thì thấy các pháp đổi thay vô thường. Nếu nhìn sâu đến Thể tánh thì thấy Thật tướng của các pháp là thường còn. Tuy Phật biết Thể tánh của các pháp là như vậy, nhưng vì chúng sanh chưa đủ sức thấy như Phật, nên Ngài phương tiện nói tướng dụng của các pháp là vô thường để dắt dẫn lần lần họ đi sâu vào Bản thể. Hiểu như vậy mới không thấy mâu thuẫn và thấy rõ điểm đặc biệt của kinh Pháp Hoa: Qui Tam thừa về Nhất thừa.


CHÁNH VĂN:

35.-
Ta nay cũng như vậy
Vì an ổn chúng sanh
Dùng các món pháp môn
Rao bày nơi Phật đạo
Ta dùng sức trí tuệ
Rõ tánh dục chúng sanh
Phương tiện nói các pháp
Đều khiến được vui mừng
Xá-lợi-phất nên biết!
Ta dùng mắt Phật xem
Thấy sáu đường chúng sanh
Nghèo cùng không phước huệ
Vào đường hiểm sanh tử
Khổ nối luôn không dứt
Sâu tham nơi ngũ dục
Như trâu “mao” mến đuôi
Do tham ái tự che
Đui mù không thấy biết
Chẳng cầu Phật thế lớn
Cùng pháp dứt sự khổ
Sâu vào các tà kiến
Lấy khổ muốn bỏ khổ
Phật vì chúng sanh này
Mà sanh lòng đại bi
.

GIẢNG:

Sau khi Phật thành đạo biết rõ tâm bệnh của chúng sanh, vì muốn cho họ an ổn nên Ngài nói pháp đúng như chỗ họ muốn, vì vậy tất cả đều được vui mừng. Phật dùng trí tuệ nhìn thấy chúng sanh lăn lộn trong sáu đường, nghèo phước đức, nghèo trí tuệ, nên mải đi trên con đường sanh tử hiểm trở không có ngày dừng. Ngay cả chư thiên ở cõi trời tuy sang quí nhưng đức Phật cũng vẫn thấy đó là hàng chúng sanh còn chìm trong dục lạc, vẫn còn bị sanh tử vô thường chi phối, nên Phật nói chưa đủ phước tuệ; nếu đủ phước tuệ thì thoát ly sanh tử, dứt luân hồi. Nếu còn đi trong vòng luân hồi sanh tử thì khổ này nối tiếp khổ kia, không bao giờ dứt. Như thai nhi ở trong bụng mẹ êm ấm, khi ra đời bất thần bị nóng lạnh cọ xát đó là khổ. Lúc còn nhỏ được cha mẹ nuôi dưỡng chu đáo, nhưng thỉnh thoảng cũng bị ốm đau bức ngặt đó là khổ. Đến tuổi già răng rụng, mắt mờ, tai điếc, bệnh hoạn thúc bách đó là khổ. Rồi chết đến hơi thở dồn dập bức ngặt là khổ. Đó là một dòng khổ đuổi nhau từ lúc mở mắt chào đời cho tới ngày nhắm mắt, chung cuộc của kiếp người, chẳng những chỉ một đời này khổ mà còn tiếp diễn tới nhiều đời sau, triền miên không dứt. Thế mà mọi người đối với ngũ dục thế gian lại tưởng là vui... cứ đeo đuổi nắm bắt.

Thế nên ở đây Phật mới nói lòng tham ngũ dục của con người, giống như con trâu mao mến cái đuôi. Trâu mao có đuôi dài và đẹp đi đâu cũng gác cái đuôi trên lưng, không để cái đuôi lết dưới đất hay dùng đuôi để đuổi ruồi muỗi, vì sợ dơ và rụng lông. Để thấy, đó là cái mê mờ của chúng sanh, đã đi trong đường khổ mà không ý thức được cái khổ, cứ ham thích bám giữ, để rồi chìm sâu trong khổ đau. Tất cả mọi khổ đau đều từ tham muốn mà có, bao giờ hết tham muốn là hết khổ, mà người đời cứ nuôi lòng tham muốn nên khổ mãi. Vì vậy đức Phật nói: Tham ái là cái che lấp, làm cho chúng sanh mờ tối không thấy được lẽ thật. Thí dụ hai bà mẹ có hai đứa con chơi chung, chúng bất hòa cãi lộn, mỗi bà vì quá thương con nên không còn biết phải quấy, đứng ra bênh vực con mình cũng cãi lộn nhau. Người mình thương thì quấy cũng thành phải, người mình ghét thì phải cũng thành quấy, không mù là gì?

Tất cả mọi thấy biết của chúng sanh đều theo lòng tham ái của chính mình, nói và làm theo cái tham ái đó, nên không thấy được lẽ thật. Vì vậy mà Phật nói chúng sanh đui mù. Bởi đui mù nên càng ngày càng chìm sâu trong tà kiến, bám lấy khổ mà muốn bỏ khổ. Kinh A-hàm, Phật dạy chúng sanh bị sanh mà cầu sanh, bị vô thường mà cầu cái vô thường. Tức là thân này bị sanh ra đã khổ, khi sắp già chết lại muốn đời sau tái sanh mang thân khác. Chính thân này đã vô thường, lại ham muốn những cái vô thường khác. Chẳng hạn mong có chiếc xe thật tốt để khỏi đi bộ cho đỡ khổ nhưng khi được rồi, thời gian sau nó hư phải nhọc công sửa chữa lại càng thêm khổ. Đó là tự thân đã khổ mà muốn lấy khổ để bỏ khổ. Thế nên, Phật khởi tâm đại bi thương xót chúng sanh tham ái mù tối, mà vì họ nói pháp độ cho hết khổ.


CHÁNH VĂN
:

36.-
Xưa, ta ngồi đạo tràng
Xem cây cùng kinh hành
Trong hai mươi mốt ngày
Suy nghĩ việc như vầy:
Trí huệ của ta được
Vi diệu rất thứ nhứt
Chúng sanh các căn chậm
Tham vui si làm mù
Các hạng người như thế
Làm sao mà độ được?
Bấy giờ các Phạm vương
Cùng các trời Đế Thích
Bốn Thiên vương hộ đời
Và trời Đại Tự Tại
Cùng các thiên chúng khác
Trăm nghìn ức quyến thuộc
Chấp tay cung kính lễ
Thỉnh ta chuyển pháp luân.
Ta liền tự suy nghĩ
Nếu chỉ khen Phật thừa
Chúng sanh chìm nơi khổ
Không thể tin pháp đó
Do phá pháp không tin
Rớt trong ba đường dữ
Ta thà không nói pháp
Mau vào cõi Niết-bàn
Liền nhớ Phật quá khứ
Thực hành sức phương tiện
Ta nay chứng đặng đạo
Cũng nên nói ba thừa
.

GIẢNG:

Xưa đức Phật mới thành đạo, hoặc Ngài ngồi ngay đạo tràng, hoặc đi dạo trong vườn cây, hoặc đi kinh hành trên đường thẳng; suốt hai mươi mốt ngày, Phật nghĩ rằng trí tuệ mà Ngài chứng được thì quá vi diệu, tối thượng, còn chúng sanh thì căn cơ quá ám độn, lại bị lòng tham ưa ngũ dục che mờ làm sao mà độ được? Ngài nghĩ như vậy thì chư thiên đến thỉnh Ngài nên thuyết pháp. Ngài mới nghĩ tiếp, nếu nói thẳng Phật thừa mà ta đã chứng, thì e chúng sanh không thể tin nhận, sanh lòng hủy báng chánh pháp, sẽ mắc tội phá pháp rơi vào ba đường dữ, tốt hơn ta nên vào Niết-bàn. Nhưng Ngài nhớ lại chư Phật quá khứ từng dùng sức phương tiện để giáo hóa chúng sanh, nay ta cũng dùng phương tiện nói ba thừa để dẫn dắt họ từ từ.


CHÁNH VĂN:

37.-
Lúc ta nghĩ thế đó
Mười phương Phật đều hiện
Tiếng Phạm an ủi ta
Hay thay! Đức Thích-ca
Bậc Đạo sư thứ nhứt
Được pháp Vô thượng ấy
Tùy theo tất cả Phật
Mà dùng sức phương tiện
Chúng ta cũng đều được
Pháp tối diệu thứ nhứt
Vì các loại chúng sanh
Phân biệt nói ba thừa.
Trí kém ưa pháp nhỏ
Chẳng tự tin thành Phật
Cho nên dùng phương tiện
Phân biệt nói các quả
Dầu lại nói ba thừa
Chỉ vì dạy Bồ-tát
.

GIẢNG:

Khi đức Phật Thích-ca nghĩ nên mở bày phương tiện để giáo hóa chúng sanh, thì mười phương chư Phật hoan hỉ tán thán Ngài là bậc thầy thứ nhất, khéo léo biết dùng ba thừa để giáo hóa, nhưng rốt sau chỉ dùng Phật thừa để dạy Bồ-tát.


CHÁNH VĂN
:

38.-
Xá-lợi-phất nên biết!
Ta nghe các đức Phật
Tiếng nhiệm mầu rất sạch
Xưng: “Nam-mô chư Phật!”
Ta lại nghĩ thế này
Ta ra đời trược ác
Như các Phật đã nói
Ta cũng thuận làm theo
Suy nghĩ việc đó rồi
Liền đến thành Ba-nại.
Các pháp tướng tịch diệt
Không thể dùng lời bày
Bèn dùng sức phương tiện
Vì năm Tỳ-kheo nói.
Đó gọi chuyển pháp luân
Bèn có tiếng Niết-bàn
Cùng với A-la-hán
Tên pháp, Tăng sai khác.
Từ kiếp xa vẫn lại
Khen bày pháp Niết-bàn
Dứt hẳn khổ sống chết
Ta thường nói như thế
.

GIẢNG:

Nghe chư Phật quá khứ khen, Ngài liền hướng về chư Phật xưng: “Nam-mô Phật.” Sau đó, Ngài bắt đầu khởi phương tiện tìm đến Uất-đầu-lam-phất là vị thầy cũ dạy Ngài tu chứng Phi tưởng phi phi tưởng xứ định và A-la-lam vị thầy dạy Ngài tu từ Sơ thiền cho đến Vô sở hữu xứ định. Nhưng hai vị này vừa viên tịch, Ngài mới tới thành Ba-la-nại nơi vườn Lộc Uyển, nói pháp Tứ đế độ năm anh em Kiều-trần-như là những người đồng tu học với Ngài thuở trước. Từ đó mới có Tam bảo Phật, Pháp, Tăng, mới có danh từ Chuyển pháp luân, Niết-bàn, A-la-hán. Lần chuyển pháp luân này là phương tiện đầu tiên Ngài dùng để giáo hóa chúng sanh.


CHÁNH VĂN:

39.-
Xá-lợi-phất! Phải biết!
Ta thấy các Phật tử
Chí quyết cầu Phật đạo
Vô lượng nghìn muôn ức
Đều dùng lòng cung kính
Đồng đi đến chỗ Phật
Từng đã theo các Phật
Nghe nói pháp phương tiện
Ta liền nghĩ thế này:
Sở dĩ Phật ra đời
Để vì nói Phật huệ
Nay chính đã đúng giờ
.

GIẢNG:

Sau khi Ngài phương tiện nói pháp Tứ đế v.v... để giáo hóa, Ngài xét lại thấy thời cơ đã đến, chúng sanh nghe pháp đầy đủ lòng tin, Ngài thấy cần phải nói thẳng về Phật thừa, nên bắt đầu nói kinh Pháp Hoa.


CHÁNH VĂN:

40.-
Xá-lợi-phất phải biết!
Người căn chậm trí nhỏ
Kẻ chấp tướng kiêu mạn
Chẳng thể tin pháp này
Nay ta vui vô úy
Ở trong hàng Bồ-tát
Chính bỏ ngay phương tiện
Chỉ nói đạo Vô thượng
Bồ-tát nghe pháp đó
Đều đã trừ lưới nghi
Nghìn hai trăm La-hán
Cũng đều sẽ thành Phật
Như nghi thức nói pháp
Của các Phật ba đời
Ta nay cũng như vậy
Nói pháp không phân biệt
Các đức Phật ra đời
Lâu xa khó gặp gỡ
Chính sử hiện ra đời
Nói pháp này khó hơn;
Vô lượng vô số kiếp
Nghe pháp này cũng khó
Hay nghe được pháp này
Người đó cũng lại khó
Thí như hoa linh thoại
Tất cả đều ưa mến
Ít có trong trời, người
Lâu lâu một lần trổ
.

GIẢNG:

Phật nói với ngài Xá-lợi-phất rằng: Những người căn trí nhỏ, chậm lụt, chấp tướng, kiêu mạn, không thể tin pháp Phật nói. Họ chỉ có cái ưa muốn tầm thường, như cư sĩ tu thì mong đời sau giàu sang sung sướng, con cái hiếu thảo v.v... Còn người xuất gia tu thì mong đời sau chuyển nữ thành nam, hoặc được thông minh trí tuệ... Hoặc người kẹt trên hình tướng thì pháp có hình tướng mới tin, còn Tri kiến Phật không tướng mạo thì không đủ sức tin nhận. Với người kiêu mạn, họ đã tự thấy đủ, không cần cầu nghe học thì không thể đến được Tri kiến Phật. Đó là những tâm bệnh của chúng sanh nên không thể tin nhận chỗ Phật dạy ở kinh Pháp Hoa này. Nhưng Phật thấy thời tiết đến, lòng chấp của chúng sanh mòn mỏng, Ngài không ngại, không sợ, sẽ vì hàng Bồ-tát nói thẳng chỗ cứu kính là Phật thừa, khiến cho hết lòng nghi sẽ chứng quả Phật. Bởi lâu lắm mới có Phật ra đời; tuy Phật ra đời là khó, nhưng chưa khó bằng nói thẳng Tri kiến Phật, đó là cái khó thứ nhất; người nghe được pháp này cũng khó, là cái khó thứ hai; nếu nghe rồi mà khéo lãnh hội lại càng khó hơn, là cái khó thứ ba. Như vậy, pháp khó nói mà Phật đã nói, pháp khó nghe mà chúng ta được nghe và nghe rồi khéo lãnh hội là tùy ở mỗi người chúng ta. Những cái khó đó nếu chúng ta vượt qua được, giống như hoa ưu-đàm cả trăm năm mới nở một lần. Vậy nên phải khéo nghe và thấy rằng nghe được pháp này là việc hi hữu không phải là chuyện thông thường. Đó là lời khuyến khích của Phật để cho tất cả thính chúng quí pháp và lắng nghe pháp.


CHÁNH VĂN:

41.-
Người nghe pháp mừng khen
Nhẫn đến nói một lời
Thời là đã cúng dường
Tất cả Phật ba đời
Người đó rất ít có
Hơn cả hoa ưu-đàm
Các ông chớ có nghi
Ta là vua các pháp
Khắp bảo các đại chúng
Chỉ dùng đạo Nhứt thừa
Dạy bảo các Bồ-tát
Không Thanh văn đệ tử
.

GIẢNG:

Phật nói rằng người nghe pháp này mà vui mừng, khen ngợi, cho đến nói một lời tán thán thôi là người đó đã cúng dường tất cả Phật trong ba đời, và người đó có mặt trên nhân gian này quí hơn là hoa ưu-đàm. Bởi vậy mà Phật khuyên mọi người đừng có nghi, vì Phật là ông Vua pháp, tức là vị đã biết tột được tâm bệnh của chúng sanh, nói pháp đúng thời đúng bệnh, hướng dẫn chúng sanh từ thấp lên cao đến chỗ rốt ráo. Chúng sanh chớ có nghi ngờ, nghe rồi phải tin hiểu. Ngài kết thúc, việc Ngài nói pháp độ cho Thanh văn đó chỉ là phương tiện tùy cơ, chớ chỗ nhắm của Phật là dạy cho hàng Bồ-tát tu để thành Phật.


CHÁNH VĂN:

42.-
Xá-lợi-phất các ông!
Thanh văn và Bồ-tát
Phải biết pháp mầu này
Bí yếu của các Phật
Bởi đời ác năm trược
Chỉ tham ưa các dục
Những chúng sanh như thế
Trọn không cầu Phật đạo
Người ác đời sẽ tới
Nghe Phật nói Nhứt thừa
Mê lầm không tin nhận
Phá pháp đọa đường dữ
Người tàm quí trong sạch
Quyết chí cầu Phật đạo
Nên vì bọn người ấy
Rộng khen đạo Nhứt thừa
Xá-lợi-phất nên biết!
Pháp các Phật như thế
Dùng muôn ức phương tiện
Tùy thời nghi nói pháp
Người chẳng học tập tu
Không hiểu được pháp này
Các ông đã biết rõ
Phật là thầy trong đời
Việc phương tiện tùy nghi
Không còn lại nghi lầm
Lòng sanh rất vui mừng
Tự biết sẽ thành Phật
.

GIẢNG:

Phật nói rằng hàng Thanh văn, Duyên giác hay Bồ-tát nên biết diệu pháp mà Phật dạy là bí yếu của chư Phật, tất cả chư Phật ra đời cốt để truyền dạy cái bí yếu đó. Trong đời ác ngũ trược sau này, chúng sanh tham ưa đắm mê dục lạc, không hề cầu Phật đạo, nghe Phật nói Nhất thừa, họ mê chấp không thể tin nhận, rồi sẽ phá Chánh pháp đọa vào đường dữ. Còn nếu ai biết hổ thẹn, gìn giữ giới luật trong sạch, có chí cầu Phật đạo thì nên vì những người đó nói đạo Nhất thừa tức là nói kinh Pháp Hoa. Pháp của Phật là như thế! Ngài dùng muôn ức phương tiện tùy cơ mà nói, nếu người không chịu học thì không thể hiểu, Phật là bậc thầy khéo dùng mọi phương tiện hướng dẫn, chúng ta chớ có nghi ngờ. Nếu nghe rồi hoan hỉ tin nhận tu hành thì chắc chắn sẽ được thành Phật.

No comments:

Post a Comment