Tuesday, December 14, 2010

Ma-ha Bát-nhã Ba-la-mật-đa Tâm Kinh giảng giải part 4

Vô vô minh, diệc vô vô minh tận, nãi chí vô lão tử, diệc vô lão tử tận; vô khổ, tập, diệt, đạo, vô trí diệc vô đắc.

Không có vô minh cũng không có hết vô minh, cho đến không có già chết cũng không có hết già chết; không có khổ, tập, diệt, đạo; không có trí tuệ cũng không có chứng đắc.

Đây là chỉ pháp xuất thế gian. Thập nhị nhân duyên thuộc về sơ kỳ Phật giáo, bắt đầu là vô minh, hành, thức, danh sắc v.v… cho đến lão tử, đó là chiều lưu chuyển. Vô minh diệt thì hành diệt, hành diệt thì thức diệt … cho đến lão tử diệt, đó là chiều hoàn diệt. Như vậy, cái không cố định, không phải là mười hai nhân duyên trong chiều lưu chuyển, cũng không phải mười hai nhân duyên trong chiều hoàn diệt.

Không phải khổ, tập, diệt, đạo.

Tức là không phải pháp Tứ đế, nghĩa là cái không cố định không phải Khổ đế, không phải Tập đế, không phải Diệt đế, không phải Đạo đế. Pháp Tứ đế thuộc về sơ kỳ Phật giáo, là bốn pháp chân thật không dời đổi, tức là cố định. Nhưng ở đây nói không phải khổ tập diệt đạo là để phá cái chấp cố định của Tiểu thừa.

Tiểu thừa đối với giáo pháp Phật nói cho là chân lý, nên chấp chặt đó là thật. Nhưng ở đây phá luôn cái chấp Mười hai nhân duyên và Tứ đế. Vì sao? Vì Mười hai nhân duyên và Tứ đế là tướng không thật, đổi dời và không cố định.

Không phải trí, cũng không phải đắc.


Đây là nói đến quan niệm Bồ-tát. Thường thường Bồ-tát dùng Sáu ba-la-mật để độ chúng sanh, nhưng trong Sáu ba-la-mật, trí ba-la-mật là căn bản. Nếu Bồ-tát dùng sáu ba-la-mật độ chúng sanh, sẽ đắc quả Sơ địa đến Thập địa Bồ-tát, tức là có trí có đắc. Nhưng sự thật ở đây nói không trí cũng không đắc, vì không có sở đắc, tức là không có cái để chứng được.

Sự thật của pháp thế gian, tại sao nói không cố định, không phải tất cả pháp thế gian? Không phải tất cả pháp thế gian, nghĩa là không phải tất cả pháp đối đãi của thế gian. Cái không cố định đó, nó không phải là cái gì trong các pháp đối đãi thế gian, bởi vì nếu nó là cái gì thì thành cố định cái đó rồi, cho nên nói cái không cố định không phải tất cả pháp thế gian, nhưng là tất cả pháp thế gian. Tất cả pháp đối đãi thế gian không khác với không cố định, mà chính là không cố định. Đây là ý nghĩa thâm trầm của tinh thần Bát-nhã.

Thường thường tất cả pháp thế gian, khi lập ra cái gì người ta đều cố định cái ấy, xét cho kỹ có pháp thế gian nào mà chúng ta không chấp là thật đâu? Khi nói phải chúng ta chấp phải là thật, khi nói quấy chúng ta chấp quấy là thật, nói tốt xấu dài ngắn đều chấp là thật, nói cái gì đều chấp cái đó là thật. Nhưng thử hỏi tất cả cái ấy có thật không? Có cố định không? Nếu nói phải, có cố định là phải chăng? Nói quấy, có cố định là quấy chăng?

Ở thế gian khi người ta nói như thế này là phải, thì tất cả người nghe theo nhận đó là phải và cho cái phải đó là cố định. Nhưng người khác lại nói như thế kia là phải, thì sao? Tức nhiên cái phải quấy chỉ là cái bày ra đấy thôi. Cái bày ra đó của ai? Tức nhiên là của những người lớn có uy quyền, rồi người sau bắt chước, chấp đó là phải, là cố định. Tỉ dụ hồi xưa các cụ nho nói người nữ là “khuê môn bất xuất”, cho đó là phải. Lúc ấy mọi người đều thấy như thế là phải. Nhưng ngày nay người nữ ngang quyền với người nam, có quyền ra ứng cử… Như vậy quyền bình đẳng đó là phải hay là quấy? Nếu hiện nay là phải, thì cái phải ngày xưa với cái phải ngày nay còn là một được không? Có khác nhau không? Nếu ngày xưa là phải, thì hiện nay đâu phải. Nếu ngày nay là phải thì ngày xưa hết phải. Như vậy ai phải? Cái nào phải?

Qua tỉ dụ trên, chúng ta thấy cái phải không cố định, tùy theo hoàn cảnh, tùy theo trường hợp, tùy theo sự sắp đặt của người trên trước có uy quyền. Thời đó phải sống như vậy mới là phải, tức là cái phải của thời đó, của lúc đó mà thôi, chớ đâu phải là cái phải miên viễn muôn đời. Nếu chúng ta chấp cái đó là phải, mà có người nói khác đi tất nhiên ta phản đối lại, do đó sanh ra bao nhiêu tranh cãi phiền phức.

Xét kỹ lại tất cả cái phải đều không cố định, đã không cố định thì đâu có thật. Phải đã như vậy, thì quấy cũng như vậy. Giả sử có những việc ngày xưa cho là quấy, ngày nay trở thành phải, cũng có những việc ngày xưa cho là phải, ngày nay trở thành quấy. Mỗi thời mỗi lúc đều mỗi khác, cho nên phải quấy đều không cố định, nếu chúng ta chấp sự việc là cố định, tức nhiên là sai lầm, là không đúng sự thật.

Thiện ác có cố định được không?

Thường thường chúng ta hay nói làm việc này là thiện, làm việc kia là ác. Nhưng, tỉ dụ vào một buổi chiều ngồi trên Thiền thất, tôi thấy một con kỳ nhông đang bò trên thân cây tràm. Bỗng từ xa bay nhanh lại một con chim bìm bịp chực chụp mổ kỳ nhông, chú kỳ nhông hoảng sợ chạy loanh quanh thân cây, bìm bịp cũng bay loanh quanh đuổi theo. Đứng trước cảnh đó, tôi phải làm sao? Tôi ra đuổi con bìm bịp để cứu con kỳ nhông, việc làm đó là thiện hay ác? Thấy qua dường như là thiện, cứu được sanh mạng con vật bé nhỏ, đuổi được con vật lớn hiếp đáp, đó là việc thiện chớ gì? Nhưng xét kỹ lại, quí vị thấy việc thiện đó đã thật là thiện hay chưa? Đứng về bên con kỳ nhông đây là việc thiện, nhưng đứng về bên con bìm bịp thì thế nào? Buổi chiều đang đói, chim bìm bịp đi kiếm ăn, gặp được miếng mồi, sắp mổ ăn, mà bị người ngăn lại, làm sao khỏi sanh tức giận. Khiến kẻ khác tức giận đó là việc ác chớ gì? Như vậy việc đuổi chim bìm bịp chỉ thiện đối với con kỳ nhông mà ác đối với chim bìm bịp, thiện ác có cố định không? Xét xa hơn nữa, chẳng những ác với chim bìm bịp mà còn ác với con mồi khác nữa, vì chim bìm bịp đâu chịu nhịn đói, tức nhiên phải kiếm một con mồi khác để ăn. Và con mồi này là nạn nhân của tôi vì nó đã thế mạng con kỳ nhông, nếu nó biết việc này tức nhiên nó sẽ oán thù tôi luôn!

Qua câu chuyện trên, chúng ta thấy phải định thiện ác như thế nào? Thiện ác có cố định chăng? Một việc làm mới nhìn dường như là thiện, nhưng nhìn qua một khía cạnh khác lại là ác, chính đó là trong đối đãi không cố định, nghĩ làm việc thiện mà việc ác đã ở bên cạnh rồi. Thiện ác không cố định mà chấp là cố định, là chúng ta đã sai lầm. Tuy nhiên trong đối đãi, làm việc gì lợi mình lợi người là thiện, hoặc hại mình mà lợi nhiều người là thiện, còn làm việc gì lợi mình hại người là ác.

Nói lại tỉ dụ ly nước khi nãy, nó có cố định là nhơ hay sạch chăng? Một ly nước đang trong sạch, bỏ đất vào thành nhơ mất, đâu có cố định. Ly nước thành nhơ ấy, để lóng lại, lọc qua ly khác thì trở thành trong sạch. Ly nước luôn luôn đổi thay tùy duyên không cố định, nếu chấp vào một cái gì cố định là chúng ta sai lầm.

Đến tỉ dụ sự dài ngắn, một cây dài một thước để gần cây năm tấc, thì cây một thước là dài, cây năm tấc là ngắn. Khi cây một thước để gần cây hai thước thì cây một thước là ngắn, cây hai thước là dài. Như vậy chúng ta thấy tùy duyên mà cây một thước biến thành dài ngắn trong đối đãi, chớ không cố định.

Sự tốt xấu của sự vật cũng như vậy. Một món vật trung bình để gần một vật tốt thì trở thành xấu, nếu để gần một vật xấu hơn thì trở thành tốt. Cái tốt biến thành xấu hay cái xấu biến thành tốt là tùy duyên thay đổi, không có cái xấu tốt cố định, nếu chấp vào sự vật cố định tức là sai lầm.
Cũng như vậy, tất cả các pháp thế gian đều là đối đãi không cố định, nếu thấy các pháp không cố định là thấy đúng như thật, nếu thấy các pháp cố định là thấy sai lầm, tức là khổ vậy.

Học kinh Bát-nhã là phá chấp, nếu biết tất cả là không cố định thì còn chấp vào cái gì? Cho nên nói không phải tất cả, không có nghĩa là không có, mà ngay nơi đó thành tất cả. Bởi vì cái không cố định này không phải là cái gì hết, không phải tất cả mà tùy duyên thành lập tất cả.

Tinh thần Bát-nhã chỉ cho chúng ta thấy rõ tất cả các pháp đối đãi ở thế gian này là không có thật. Không thật là tướng tùy duyên không cố định, không cố định nên luôn luôn thay đổi theo duyên, theo duyên thay đổi nên không ở mãi một vị trí, không ở mãi một hình thức, không ở mãi một hoàn cảnh nào, luôn luôn tùy thời chuyển biến đổi thay.

Như vậy cái chuyển biến đổi thay tùy thời tùy duyên gọi là không cố định. Nhìn thấy rõ như vậy là thấy đúng như thật, gọi là thấy bằng trí tuệ Bát-nhã. Nếu thấy một bên là thấy bằng thiên chấp, tức là thấy lầm. Nếu thấy bằng thiên chấp là cái thấy của vô minh, không bao giờ thấy đạo. Nếu thấy đúng như thật là thấy bằng trí tuệ, là thấy đạo.

Câu chuyện thiền sau đây cho chúng ta thấy các pháp tùy duyên chuyển biến.
Thiền sư Đạo Ngô và đệ tử là Tiệm Nguyên đi đám tang của một thí chủ. Khi ấy Tiệm Nguyên vỗ quan tài hỏi thầy: Đây là sanh hay tử? Ngài Đạo Ngô trả lời: Sanh không nói, tử cũng không nói. Tiệm Nguyên tức quá hỏi lại thầy: Tại sao không nói? Ngài Đạo Ngô chỉ trả lời: Không nói! Không nói!

Tiệm Nguyên càng tức, vì sao thầy không nói tử mà cũng không nói sanh. Sau khi xong đám ra về, đi ngang qua cánh đồng, Tiệm Nguyên lại thưa: Thầy phải nói cho con nghe, thầy không nói con sẽ đánh thầy. Vị thầy bảo: Đánh thì đánh, nhất định không nói. Ông học trò liền thoi vị thầy. Khi về đến chùa vị thầy bảo: Thôi chú hãy cuốn gói đi đi, nếu Tri sự hay việc này chú sẽ không yên. Tiệm Nguyên đành phải ra đi. Sau khi rời thầy, Sư cất một cái am ở xa để tu, Sư cứ mãi băn khoăn vấn đề tại sao không phải sanh, không phải tử, vì sao sanh tử đều không nói? Cho đến một đêm nghe am ở gần bên tụng kinh Phổ Môn, đến câu “ưng dĩ Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di thân đắc độ giả, tức hiện Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di thân nhi vị thuyết pháp…” khi nghe đến đây Sư liền ngộ. Như vậy tại sao Tiệm Nguyên ngộ? Tại sao ngài Đạo Ngô không chịu nói sanh hay tử? Chúng ta quen sống trong đối đãi cho nên chấp cái gì cũng thật hoặc là sanh hoặc là tử. Nhưng theo tinh thần Bát-nhã thì sanh tử không cố định; nếu là sanh thì không tử, nếu là tử thì không sanh. Nhưng trong vòng luân hồi sanh tử không dừng: tử rồi lại sanh, sanh rồi lại tử, không cố định, nếu nói là sanh hay là tử là nói một bên. Cho nên vị thầy thà để học trò đánh mà không nói. Sau này ngài Viên Ngộ bình rằng: “Thật là ông thầy vì trò mà máu ra lênh láng.” Thầy đã hy sinh tột độ để nhờ đức hy sinh đó người học trò mới ngộ. Nhưng Tiệm Nguyên đã ngộ cái gì? Khi nghe tụng: nếu cần dùng thân Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di để độ, liền hiện thân Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di mà vì đó nói pháp… như vậy là tùy duyên mà hiện chớ không có cái gì cố định cả. Đó là chỗ Tiệm Nguyên đã ngộ. Ngài đã thấy đạo.

No comments:

Post a Comment