Monday, December 27, 2010

Kinh Diệu Pháp Liên Hoa giảng giải part 5

CHÁNH VĂN:
Tám vị vương tử đó có oai đức tự tại, đều lãnh trị bốn châu thiên hạ. Nghe vua cha xuất gia chứng đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, đều bỏ ngôi vua, cũng xuất gia theo, phát tâm Đại thừa, thường tu hạnh thanh tịnh, đều làm bậc Pháp sư, thuở trước đã từng ở chỗ nghìn muôn đức Phật vun trồng các cội lành.

GIẢNG:
Tám vị vương tử có oai đức tự tại cai trị bốn châu thiên hạ, là chỉ cho tám thức có công năng phân biệt khắp tất cả pháp. Mắt thì nhìn trước, ngó sau, xem phải, thấy trái phân biệt sắc pháp rất tinh tường. Tai thì nghe âm thanh của bốn phía, phân biệt trầm bổng, hay dở... một cách rành rẽ. Mũi ngửi mùi từ mọi nơi bay tới phân biệt thơm, thúi, tanh, hôi... một cách rõ ràng. Khi nghe vua cha xuất gia, tám vị vương tử liền xuất gia theo; ý nói khi Tàng thức chuyển thành Như Lai tàng thì tám thức cũng chuyển thành Trí, có nghĩa là chúng sanh khi chưa xuất gia (mê) thì có tám thức phân biệt, rồi tạo nghiệp nên phải luân hồi trong lục đạo. Khi ngộ thì tám thức qui về với Tánh giác, không còn phân biệt lăng xăng nữa mà vẫn biết rõ ràng (liễu liễu thường tri) đó là Trí.


CHÁNH VĂN:
21.- Đức Phật Nhựt Nguyệt Đăng Minh lúc đó nói kinh Đại thừa tên “Vô Lượng Nghĩa Giáo Bồ-tát Pháp Phật Sở Hộ Niệm”. Nói kinh đó rồi, Phật liền ở trong đại chúng ngồi xếp bằng nhập vào cảnh chánh định “Vô lượng nghĩa xứ”, thân và tâm chẳng động.

22.- Khi ấy trời mưa hoa mạn-đà-la, hoa ma-ha mạn-đà-la, hoa mạn-thù-sa, cùng hoa ma-ha mạn-thù-sa để rải trên đức Phật và hàng đại chúng. Khắp cõi nước Phật sáu điệu vang động.
Lúc đó trong hội, hàng Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ni, cận sự nam, cận sự nữ, trời, rồng, dạ-xoa, càn-thát-bà, a-tu-la, ca-lâu-la, khẩn-na-la, ma-hầu-la-dà, nhân, phi nhân cùng các vị tiểu vương, các vị Chuyển Luân Thánh vương v.v... các đại chúng đó được điều chưa từng có, mừng rỡ chắp tay một lòng nhìn Phật.

23.- Bấy giờ, đức Như Lai từ tướng lông trắng giữa chặng mày phóng ra luồng ánh sáng soi khắp cùng cả một muôn tám nghìn cõi nước ở phương Đông như nay đương thấy ở cõi Phật đây.
Di-lặc nên biết! Khi đó trong hội có hai mươi ức Bồ-tát ưa muốn nghe pháp, các vị Bồ-tát ấy thấy ánh sáng chiếu khắp các cõi Phật được điều chưa từng có, đều muốn biết vì duyên cớ gì mà phóng ánh sáng này.
Khi ấy có vị Bồ-tát hiệu Diệu Quang có tám trăm người đệ tử.


GIẢNG:
Đoạn này Bồ-tát Văn-thù lặp lại những hiện tướng lạ sau khi Phật nói kinh Vô Lượng Nghĩa. Tuy thời gian khác nhau, nhưng tướng hiện không khác. Song, xưa kia là Bồ-tát Diệu Quang, nay trong hội Linh Sơn là Bồ-tát Văn-thù, Văn-thù chính là tên sau của Bồ-tát Diệu Quang thuở trước (Diệu Quang có nghĩa là ánh sáng nhiệm mầu, tức là Trí căn bản có sẵn nơi mỗi chúng sanh).


CHÁNH VĂN:
24.- Bấy giờ, đức Phật Nhựt Nguyệt Đăng Minh từ trong chánh định mà dậy, vì Diệu Quang Bồ-tát nói kinh Đại thừa tên Diệu Pháp Liên Hoa Giáo Bồ-tát Pháp Phật Sở Hộ Niệm trải qua sáu mươi tiểu kiếp chẳng rời chỗ ngồi.

25.- Lúc ấy trong hội, người nghe pháp cũng ngồi một chỗ đến sáu mươi tiểu kiếp thân tâm đều không lay động, nghe đức Phật nói pháp cho là như trong khoảng bữa ăn. Bấy giờ trong chúng không có một người nào hoặc là thân hoặc là tâm mà sanh lười mỏi.


GIẢNG:

Một tiểu kiếp bằng 16.800.000 năm, sáu chục tiểu kiếp bằng 1.008.000.000 năm. Phật nói pháp trải qua trên một tỷ năm mà Phật cùng với thính chúng thân tâm đều không lay động, không lười mỏi, thấy thời gian như chừng một bữa ăn. Thật là kỳ diệu! Chúng ta chỉ ngồi nghe pháp liên tục khoảng chừng bốn giờ là đã thấy lười mỏi. Thính chúng ở hội này nghe pháp trên một tỷ năm mà thân tâm không lay động, không lười mỏi! Điều này, nếu chúng ta hiểu theo nghĩa thông thường thì không thấy được chân lý, học kinh Đại thừa nếu kẹt trên văn tự thì không thể hiểu nổi. Ở đây, Phật vì Bồ-tát Diệu Quang nói kinh Diệu Pháp Liên Hoa Giáo Bồ-tát Pháp Phật Sở Hộ Niệm, mà kinh Diệu Pháp Liên Hoa là chỉ cho Tri kiến Phật (Phật tánh) có sẵn nơi mỗi chúng sanh. Tri kiến Phật không hình, không tướng, không sanh, không diệt, vượt ngoài không gian và thời gian, Phật nói kinh Pháp Hoa để chỉ Tri kiến Phật, thì thời gian và không gian đối với Tri kiến Phật là vô nghĩa; nên nói tâm bất động, thân không ăn uống, ngồi lâu cũng chẳng lười mỏi. Nhập được Diệu Pháp Liên Hoa là thể nhập Tri kiến Phật của chính mình. Tri kiến Phật vốn không hình tướng, không sanh diệt thì dựa vào đâu để phân biệt thời gian lâu mau, không gian rộng hẹp? Do đó nói sáu mươi tiểu kiếp thấy như trong khoảng bữa ăn; vì vậy các Thiền sư thường nói “nhất niệm vạn niên”, một niệm bằng vạn năm hay vạn năm bằng một niệm là để nói lên ý nghĩa dung nhiếp của Pháp tánh.


CHÁNH VĂN:

26.- Đức Phật Nhựt Nguyệt Đăng Minh trong sáu mươi tiểu kiếp nói kinh đó rồi, liền ở trong chúng ma, Phạm, Sa-môn, Bà-la-môn, và trời, người, a-tu-la, mà tuyên rằng: “Hôm nay vào nửa đêm, Như Lai sẽ nhập Vô dư Niết-bàn.”

GIẢNG:

Tại sao đức Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh sau khi nói kinh Pháp Hoa xong, liền tuyên bố giữa đêm sẽ vào Vô dư Niết-bàn? Đây tôi ví dụ như chúng ta có một nghề thiện xảo, muốn để lại cho đời. Nhưng người đang học chưa đủ khả năng để được truyền tuyệt kỹ. Khi thấy họ đủ khả năng nhận thọ, mới trao dạy hết nghề. Và khi đã trao dạy tận tình rồi thì coi như hết bổn phận. Bổn phận đã hết ở lại là thừa! Cũng vậy bản hoài của chư Phật ra đời cốt là làm sao chỉ cho chúng sanh nhận được Tri kiến Phật của chính mình. Mà nhận được Tri kiến Phật đó là cái nhân tu, dẹp sạch vô minh vọng tưởng, Tri kiến Phật thường hiện tiền, đó là quả Phật. Mục đích cứu kính mà Phật muốn đưa chúng sanh đến, đó là thể nhập Tri kiến Phật. Nhưng vì quá cao, nói ra sợ người nghe không hiểu, hoang mang nên Phật mới nói Tam thừa. Vì Thanh văn nói Tứ đế, vì Duyên giác nói Thập nhị nhân duyên, vì Bồ-tát nói pháp Lục độ ba-la-mật. Mục tiêu cuối cùng mà Phật muốn đưa chúng sanh đến, đó là Phật thừa, tức ngộ nhập Tri kiến Phật mà kinh Pháp Hoa chỉ dạy. Sở dĩ từ trước Phật muốn chỉ mà chưa chỉ được, vì là pháp khó hiểu khó tin; đợi khi căn cơ của chúng sanh thuần thục thì Ngài nói, và khi nói xong Phật thừa, chúng sanh đã nhận biết được, thì bản nguyện đã viên mãn nên Ngài nhập Niết-bàn.


CHÁNH VĂN:
Khi đó có vị Bồ-tát tên Đức Tạng, đức Phật Nhựt Nguyệt Đăng Minh liền thọ ký cho, bảo các Tỳ-kheo rằng: “Ông Đức Tạng Bồ-tát này kế đây sẽ thành Phật, hiệu là Tịnh Thân Như Lai, Ứng Cúng, Chánh đẳng Chánh giác.”
Đức Phật thọ ký xong, vào nửa đêm bèn nhập Vô dư Niết-bàn.


GIẢNG:
Tại sao Phật nói kinh Diệu Pháp Liên Hoa với Bồ-tát Diệu Quang mà lại thọ ký cho Bồ-tát Đức Tạng? Bồ-tát Diệu Quang là Trí căn bản, mà Trí căn bản tức là Phật tánh tròn sáng đâu cần thọ ký. Còn Bồ-tát Đức Tạng là chỉ cho kho công đức khi đã tu hành viên mãn tức là Sai biệt trí, tương tự như Bồ-tát Phổ Hiền giáo hóa làm lợi ích cho chúng sanh, khi đầy đủ công đức rồi thì thành Phật. Vì vậy Phật nói pháp là phải nói với Bồ-tát Diệu Quang và khi thọ ký thì phải thọ ký cho Bồ-tát Đức Tạng.


CHÁNH VĂN:
27.- Sau khi đức Phật diệt độ, Diệu Quang Bồ-tát trì kinh Diệu Pháp Liên Hoa trải tám mươi tiểu kiếp vì người mà diễn nói.

28.- Tám người con của Phật Nhựt Nguyệt Đăng Minh đều học với ngài Diệu Quang, ngài Diệu Quang dạy bảo cho đều vững bền ở nơi đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Các vị vương tử đó cúng dường vô lượng trăm nghìn muôn ức đức Phật đều thành Phật đạo. Vị thành Phật rốt sau hết, hiệu là Nhiên Đăng.


GIẢNG:
Sau khi Phật diệt độ, Bồ-tát Diệu Quang trì kinh Diệu Pháp Liên Hoa và vì người diễn nói. Trong số người được Ngài giáo hóa có tám vị vương tử con của Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh. Tám vương tử có đủ lòng tin đối với đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác và đều được thành Phật, vị rốt sau thành Phật hiệu là Nhiên Đăng. Nhiên là đốt, Đăng là đèn. Nhiên Đăng là thắp đèn phát ra ánh sáng; ánh sáng đó phát ra từ Trí căn bản hướng dẫn tám thức, rũ sạch vọng tưởng phân biệt, trở nên trí tuệ tròn sáng gọi là thành Phật.


CHÁNH VĂN:
29.- Trong hàng tám trăm người đệ tử có một người tên Cầu Danh, người này tham ưa danh lợi, dầu cũng đọc tụng các kinh mà chẳng thuộc rành, phần nhiều quên mất, nên gọi là Cầu Danh, người này cũng do có trồng các nhân duyên căn lành nên được gặp vô lượng trăm ngàn muôn ức đức Phật mà cúng dường cung kính, tôn trọng khen ngợi.
30.- Di-lặc nên biết! Lúc đó Diệu Quang Bồ-tát đâu phải người nào lạ, chính là ta đấy. Còn Cầu Danh Bồ-tát là Ngài đấy.
Nay thấy điềm lành này, cùng với xưa không khác, cho nên ta xét nghĩ, hôm nay đức Phật Như Lai sẽ nói kinh Đại thừa tên Diệu Pháp Liên Hoa Giáo Bồ-tát Pháp Phật Sở Hộ Niệm.


GIẢNG:

Phần kết thúc khiến cho chúng ta có những nghi vấn:
1- Bồ-tát Diệu Quang từ trước đã giáo hóa cho bao nhiêu Bồ-tát thành Phật rồi, mà sao bây giờ Ngài vẫn còn làm Bồ-tát hiệu là Văn-thù?
2- Trong hội Pháp Hoa, Phật thọ ký cho vô số Bồ-tát thành Phật, thậm chí Bồ-tát Cầu Danh tham ưa danh lợi, tu hành lôi thôi mà cũng được thọ ký cho sau này sẽ thành Phật hiệu là Di-lặc. Tại sao Phật không thọ ký cho Bồ-tát Văn-thù?
Kinh Lăng-già có nêu lên năm pháp là Danh, Tướng, Vọng tưởng, Chánh trí, Như như. Nếu còn vọng tưởng tức là còn thức phân biệt; mà Bồ-tát Di-lặc tượng trưng cho thức phân biệt, phân biệt danh, phân biệt tướng nên không thuộc kinh, được gọi là Cầu Danh. Tuy cầu danh, nhưng nhờ có duyên lành nên gặp Phật và tu hành. Khi tu biết rõ vọng tưởng không thật, đó là chánh trí, đã có chánh trí thì trở lại như như tức thành Phật. Mặc dầu Bồ-tát Cầu Danh (thức) chạy theo danh tướng bên ngoài, nhưng nếu khéo chuyển thì sẽ thành Trí, do đó mà được thọ ký thành Phật. Còn Bồ-tát Văn-thù tượng trưng cho Trí căn bản, mà Trí căn bản là tánh Phật, đã là tánh Phật còn thọ ký thành Phật gì nữa?
Ý nghĩa tổng quát ở đây nêu bày cho chúng ta thấy rằng tất cả mọi chúng sanh đều có sẵn Tánh giác, nhờ khéo tu, chuyển thức thành trí, công hạnh độ sanh viên mãn thì thành Phật. Đó là tượng trưng cho Trí căn bản và Trí sai biệt. Trí sai biệt chỉ khi thành Phật mới có, còn Trí căn bản mọi người ai cũng có sẵn. Căn cứ vào đâu mà nói mỗi người ai cũng có Trí căn bản? Ví dụ có một nắm bổi đang bốc khói, chúng ta biết ngay dưới nắm bổi đó có lửa, hoặc là tàn thuốc hay là cục than. Cũng vậy, nếu chúng ta không có Trí căn bản thì động cơ nào thúc đẩy chúng ta phát tâm Bồ-đề cầu giác ngộ, xuất gia học đạo? Phát tâm Bồ-đề là phát tâm giác, mà phát tâm giác là phải có sẵn động cơ giác là Trí căn bản. Cũng như nắm bổi bốc khói là do có lửa sẵn mới phát cháy.
Tại sao ai cũng có Trí căn bản mà người được thôi thúc phát Bồ-đề tâm đi tu, người thì không phát tâm tu hành? Ví dụ đêm rằm có trăng sáng, nhưng trời chuyển mưa, mây đen kịt, lúc đó trăng vẫn sáng, nhưng vì mây che nên chúng ta thấy bầu trời tối. Nếu chỗ nào mây thưa thì thấy được ánh trăng mờ mờ. Cũng vậy, ai cũng có Trí căn bản, nhưng vì vô minh phiền não quá dày nên nó thôi thúc không nổi. Với người vô minh phiền não hơi mỏng, nó liền có công năng hiện ra. Chẳng hạn như những người tu, vô minh có phần mỏng nên Trí căn bản mới thúc đẩy phát tâm cầu giác ngộ giải thoát mà đi tu. Nếu không có động cơ thúc đẩy dễ gì kham chịu chay lạt, thức khuya, dậy sớm sống phạm hạnh để tu hành! Kinh Hoa Nghiêm, phẩm Nhập Pháp Giới, người mà thôi thúc khuyến khích Thiện Tài đồng tử đi tham vấn năm mươi ba vị thiện tri thức là Bồ-tát Văn-thù. Khi tham vấn đến vị cuối cùng thì gặp Bồ-tát Phổ Hiền, và ngay lúc đó Bồ-tát Văn-thù đồng hiện ra nữa. Như vậy, để thấy kinh Pháp Hoa cũng như kinh Hoa Nghiêm có chỗ gặp nhau là Trí căn bản thúc đẩy người phát tâm cầu giác ngộ, đi tu dẹp hết vô minh phiền não rồi mới thành Phật. Do đó mà nói Bồ-tát Diệu Quang (Trí căn bản) là thầy của chư Phật, dạy các Bồ-tát tu thành Phật hết mà chính Ngài chưa thành. Nếu không thông lý căn bản này thì không dễ gì phá được cái nghi trên và biết phương hướng để tu hành.


CHÁNH VĂN:

Bấy giờ, ngài Văn-thù-sư-lợi Bồ-tát ở trong đại chúng, muốn tuyên lại nghĩa trên mà nói kệ rằng:
31.-
Ta nhớ thuở quá khứ,
Vô lượng vô số kiếp
Có Phật Nhân Trung Tôn
Hiệu Nhựt Nguyệt Đăng Minh
Đức Thế Tôn nói pháp
Độ vô lượng chúng sanh,
Vô số ức Bồ-tát
Khiến vào Trí huệ Phật.
32.-
Khi Phật chưa xuất gia
Có sanh tám vương tử
Thấy Đại Thánh xuất gia
Cũng theo tu phạm hạnh.


GIẢNG:
Bồ-tát Văn-thù lặp lại lời giải nghi cho Bồ-tát Di-lặc và hội chúng là, thời quá khứ có Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh nói pháp độ vô số chúng được thành Phật. Và tám vương tử thấy Ngài đi tu cũng xuất gia theo Ngài.

No comments:

Post a Comment