CHÁNH VĂN:
14.-
Lại thấy vị Bồ-tát
Đồ ăn uống ngọt ngon
Cùng trăm món thuốc thang
Đem cúng Phật và Tăng,
Áo tốt đồ thượng phục
Giá đáng đến nghìn muôn
Hoặc là vô giá y
Đem cúng Phật và Tăng,
Dùng nghìn muôn ức thứ
Nhà báu bằng chiên-đàn
Các giường nằm tốt đẹp
Để cúng Phật cùng Tăng,
Rừng vườn rất thanh tịnh
Bông trái đều sum sê
Suối chảy cùng ao tắm
Cúng dường Phật và Tăng,
Cúng thí như thế đó
Các đồ cúng tốt đẹp
Vui vẻ không hề nhàm
Để cầu đạo Vô thượng.
GIẢNG:
Bồ-tát Di-lặc thấy Bồ-tát ở cõi kia cúng dường tứ sự quí giá cho Phật và Tăng để cầu đạo Vô thượng.
CHÁNH VĂN:
15.-
Lại có vị Bồ-tát
Giảng nói pháp tịch diệt
Dùng các lời dạy dỗ
Dạy vô số chúng sanh
Hoặc thấy vị Bồ-tát
Quán sát các pháp tánh
Đều không có hai tướng
Cũng như khoảng hư không.
Lại thấy hàng Phật tử
Tâm không chỗ mê đắm
Dùng món diệu huệ này
Mà cầu đạo Vô thượng.
GIẢNG:
Bồ-tát Di-lặc thấy Bồ-tát các cõi kia, vị thì dùng pháp tịch diệt giáo hóa chúng sanh, vị thì quán pháp tánh không hai, vị thì ly dục dùng trí tuệ nhiệm mầu cầu Phật đạo.
CHÁNH VĂN:
16.-
Ngài Văn-thù-sư-lợi!
Lại có vị Bồ-tát
Sau khi Phật diệt độ
Cúng dường xá-lợi Phật.
Lại thấy hàng Phật tử
Xây dựng các tháp miếu
Nhiều vô số hằng sa
Nghiêm sức khắp cõi nước.
Bửu tháp rất cao đẹp
Đều năm nghìn do-tuần
Bề ngang rộng xứng nhau
Đều hai nghìn do-tuần.
Trong mỗi mỗi tháp miếu
Đều có nghìn tràng phan
Màn châu xen thả xuống
Tiếng linh báu hòa reo
Các vị trời, rồng, thần,
Người cùng với phi nhân
Hương, hoa cùng kỹ nhạc
Thường đem đến cúng dường.
Ngài Văn-thù-sư-lợi!
Các hàng Phật tử kia
Vì cúng dường xá-lợi
Nên trang sức tháp miếu
Cõi quốc giới tự nhiên
Thù đặc rất tốt đẹp
Như cây thiên thọ vương
Bông kia đương xòe nở.
GIẢNG:
Bồ-tát Di-lặc thấy Phật ở cõi kia tịch diệt, Bồ-tát xây vô số bửu tháp cao đẹp quí báu, trang hoàng cờ, phướn, màn, linh. Rồi trời, người, rồng, thần dâng hương hoa kỹ nhạc để cúng dường xá-lợi Phật.
CHÁNH VĂN:
17.-
Phật phóng một luồng sáng
Ta cùng cả chúng hội
Thấy nơi cõi nước này
Các thứ rất tốt đẹp
Thần lực của chư Phật
Trí huệ đều hi hữu
Phóng một luồng tịnh quang
Soi khắp vô lượng cõi
Chúng ta thấy việc này
Đặng điều chưa từng có.
18.-
Xin Phật tử Văn-thù
Giải quyết lòng chúng nghi
Bốn chúng đều mong ngóng
Nhìn Ngài và nhìn ta
Đức Thế Tôn cớ chi
Phóng ánh quang minh này?
Phật tử phải thời đáp
Quyết nghi cho chúng mừng
Có những lợi ích gì
Đức Phật phóng quang này?
Khi Phật ngồi đạo tràng
Chứng đặng pháp thâm diệu.
Vì muốn nói pháp đó
Hay là sẽ thọ ký?
Hiện bày các cõi Phật
Các báu sạch trang nghiêm
Cùng thấy các đức Phật
Đây không phải cớ nhỏ
Ngài Văn-thù nên biết
Bốn chúng và long, thần
Nhìn xem xét Ngài đó
Mong sẽ nói những gì?
GIẢNG:
Vì Bồ-tát Di-lặc cùng hội chúng nương hào quang của Phật, thấy được những việc chưa từng có ở các cõi nước của chư Phật khác, nên yêu cầu Bồ-tát Văn-thù giải nghi về những điềm lành mà Phật hiện: Có phải Phật sắp nói pháp hay sắp thọ ký chăng? Xin Ngài giải đáp cho, vì đại chúng đang trông cậy Ngài.
CHÁNH VĂN:
19.- Lúc bấy giờ, ngài Văn-thù-sư-lợi nói với ngài Di-lặc Đại Bồ-tát cùng các vị Đại sĩ:
- Các thiện nam tử! Như chỗ ta xét nghĩ thời nay đức Phật Thế Tôn muốn nói pháp lớn, mưa pháp vũ lớn, thổi pháp loa lớn, đánh pháp cổ lớn và diễn pháp nghĩa lớn.
Các thiện nam tử! Ta từng ở nơi các đức Phật đời quá khứ thấy điềm lành này, Phật kia phóng hào quang đó rồi liền nói pháp lớn. Cho nên chắc biết rằng hôm nay đức Phật hiện hào quang cũng lại như vậy. Phật vì muốn cho chúng sanh đều được nghe biết pháp mầu mà tất cả trong đời khó tin theo, cho nên hiện điềm lành này.
GIẢNG:
Bồ-tát Văn-thù trả lời: Sở dĩ Phật hiện những tướng nhiệm mầu đó, là vì Ngài sắp nói pháp Đại thừa. Và Bồ-tát Văn-thù xác nhận là Ngài đã từng gần gũi các đức Phật đời quá khứ, nên Ngài biết mỗi khi Phật hiện điềm lành là Phật sắp nói pháp Đại thừa nghĩa lý rất sâu xa, người đời không thể tin nổi. Thông thường, với con mắt người phàm chỉ tin những gì mắt thấy tai nghe được. Còn Tri kiến Phật mà Phật sắp nói ở đây là Diệu pháp không hình không tướng nên khó tin. Bởi pháp khó tin, nên trước khi nói Phật phải hiện những tướng lạ để cho người tin, Ngài mới nói pháp chân thật tuyệt đối, thì khả dĩ họ mới tin.
CHÁNH VĂN:
20.- Các thiện nam tử! Như vô lượng vô biên a-tăng-kỳ kiếp về trước. Bấy giờ, có đức Phật hiệu Nhựt Nguyệt Đăng Minh Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn, diễn nói chánh pháp. Ban đầu, giữa, rốt sau ba chặng đều lành, nghĩa lý rất sâu xa, lời lẽ khéo mầu, thuần một không tạp, đầy đủ cả tướng phạm hạnh thanh bạch.
GIẢNG:
Bồ-tát Văn-thù nói: Vô lượng vô biên a-tăng-kỳ kiếp về trước, có đức Phật tên là Nhật Nguyệt Đăng Minh (Nhật là mặt trời, Nguyệt là mặt trăng, Đăng là đèn, Minh là sáng). Phật có trí tuệ sáng suốt như mặt trời, mặt trăng và đèn. Tất cả ánh sáng thế gian đều phát ra từ mặt trời, mặt trăng và đèn. Nói cách khác là Trí tuệ Phật sáng suốt viên mãn không khiếm khuyết. Vì vậy, tượng trưng cho trí tuệ viên mãn của Phật là Nhật Nguyệt Đăng. Mười hiệu của Phật hàm ý nghĩa sau:
- Như Lai: Như là như như bất động bất biến, chỉ cho Tâm thể chân thật có sẵn ở mỗi người, tượng trưng là Bồ-tát Văn-thù. Lai là tùy duyên, tu khi viên mãn công hạnh, đầy đủ Trí sai biệt, thì tùy duyên giáo hóa chúng sanh, tượng trưng là Bồ-tát Phổ Hiền.
- Ứng Cúng: Xứng đáng cho người, trời cúng dường.
- Chánh Biến Tri: Biết chân chánh khắp giáp tất cả.
- Minh Hạnh Túc: Đầy đủ công hạnh, tức là đủ Tam minh và Lục thông.
- Thiện Thệ: Khéo qua biển sanh tử đến Niết-bàn.
- Thế Gian Giải: Thấu suốt tất cả các pháp thế gian.
- Vô Thượng Sĩ: Kẻ sĩ cao tột không ai hơn.
- Điều Ngự Trượng Phu: Bậc trượng phu có khả năng điều phục được tất cả mọi người từ trí đến ngu.
- Thiên Nhân Sư: Bậc thầy của trời, người.
- Phật Thế Tôn: Bậc giác ngộ mà người đời cung kính, tôn trọng.
Người giác ngộ thể nhập được Trí tuệ viên mãn thì gọi là Phật. Khi đã thành Phật thì những lời Phật nói ra rất sâu xa nhiệm mầu, ba thời quá khứ, hiện tại, vị lai đều như một không sai trái, giúp cho người tu được thanh tịnh sáng suốt nên được coi là chân lý. Chẳng hạn Phật nói: Các pháp thế gian là vô thường, chúng sanh thì đau khổ. Xưa, con người sanh ra, lớn lên rồi phải già, bệnh, chết. Ngày nay, con người sanh ra cũng không tránh khỏi lão, bệnh, tử. Và mai kia, nếu con người có mặt ở cõi đời này cũng chẳng thoát khỏi nỗi khổ của sanh, già, bệnh, chết. Như vậy, điều Phật nói cách nay trên hai ngàn năm trăm năm, trải qua ba thời quá khứ, hiện tại, vị lai đều như một, không biến dịch. Không phải chân lý là gì? Ngày nay, chúng ta vì chưa được Trí tuệ Phật, thấy biết không đúng lẽ thật, nên nói ra điều gì mới nghe qua thấy hợp lý, nhưng ít tháng sau hoặc ít năm sau thì không còn đúng nữa, nên không được coi là chân lý.
CHÁNH VĂN:
Phật, vì người cầu đạo Thanh văn, nói pháp Tứ đế thoát khỏi sanh, già, bịnh, chết cứu cánh Niết-bàn. Vì hạng cầu quả Duyên giác, nói pháp Mười hai nhân duyên. Vì hàng Bồ-tát nói Sáu pháp ba-la-mật làm cho chứng được quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác thành bậc Nhứt thiết chủng trí.
GIẢNG:
Vì Phật có đủ Trí sai biệt, biết rõ hạnh nguyện của người tu, nên tùy duyên ứng hóa làm lợi ích cho tất cả. Nếu người muốn thoát khổ cầu đạo Thanh văn, Phật nói pháp Tứ đế độ cho thoát khỏi sanh, già, bệnh, chết, được cứu kính Niết-bàn. Nếu người trí tuệ khá hơn, cầu quả Duyên giác, Phật sẽ nói pháp Mười hai nhân duyên. Nếu là hàng Bồ-tát, Phật sẽ nói Sáu pháp ba-la-mật làm cho chứng được quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, thành bậc Nhất thiết chủng trí tức là thành Phật. Tùy theo căn cơ cao thấp mà Phật nói pháp có sai biệt để hết thảy người tu đều đạt được sở nguyện của mình.
CHÁNH VĂN:
Kế lại có đức Phật cũng hiệu Nhựt Nguyệt Đăng Minh. Lại có đức Phật cũng hiệu Nhựt Nguyệt Đăng Minh. Như thế đến hai muôn đức Phật đều đồng một tên, hiệu Nhựt Nguyệt Đăng Minh, lại cùng đồng một họ, họ Phả-la-đọa.
GIẢNG:
Tất cả chư Phật có đến hai muôn đều đồng một hiệu là Nhật Nguyệt Đăng Minh. Tại sao Phật nhiều như thế mà chỉ cùng một hiệu? Như trước đã nói, Nhật Nguyệt Đăng Minh là chỉ cho trí tuệ sáng suốt viên mãn; tất cả chư Phật khi thành Phật đều có trí tuệ sáng suốt viên mãn như nhau, vì vậy mà đồng một hiệu Nhật Nguyệt Đăng Minh.
CHÁNH VĂN:
Di-lặc nên biết! Đức Phật trước, đức Phật sau đều đồng một tên, hiệu Nhựt Nguyệt Đăng Minh, đầy đủ mười hiệu, những pháp được nói ra đầu, giữa, sau đều lành.
Đức Phật rốt sau cả, lúc chưa xuất gia có tám vị vương tử: Người thứ nhất tên Hữu Ý, thứ hai tên Thiện Ý, thứ ba tên Vô Lượng Ý, thứ tư tên Bửu Ý, thứ năm tên Tăng Ý, thứ sáu tên Trừ Nghi Ý, thứ bảy tên Hướng Ý, thứ tám tên Pháp Ý.
GIẢNG:
Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh lúc chưa xuất gia là chỉ cho chúng sanh khi chưa tu. Theo kinh Lăng-già thì mọi chúng sanh đều có Như Lai tàng, nhưng vì quên (mê) Như Lai tàng nên biến thành Tàng thức. Khi biến thành Tàng thức rồi thì có bảy thức thân theo. Tám vương tử là tượng trưng cho tám thức; còn Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh là chỉ cho Như Lai tàng hay là Phật tánh. Chúng sanh có Phật tánh mà quên (mê) Phật tánh nên biến thành thức. Mà thức thì hay phân biệt nên đây để tên là Ý. Do thức hay phân biệt nên lưu chuyển trong lục đạo, sanh tử luân hồi.
No comments:
Post a Comment