Friday, December 3, 2010

Ma-ha Bát-nhã Ba-la-mật-đa Tâm Kinh giảng giải part 1

HT Thích Thanh Từ giảng giải
Credits to www.thuong-chieu.org


I- GIẢNG ĐỀ KINH.

Bài Bát-nhã Tâm Kinh do ngài Huyền Trang đời Đường dịch vào năm 649 dương lịch, tại chùa Từ Ân. Toàn bài kinh gồm hai trăm sáu mươi chữ.

Bát-nhã Tâm Kinh nói đủ là Ma-ha Bát-nhã Ba-la-mật-đa Tâm Kinh, gồm một phần chữ Phạn phiên âm là Ma-ha Bát-nhã Ba-la-mật-đa và một phần chữ Hán là Tâm Kinh.

Ma-ha, Trung Hoa dịch là đại, nghĩa là lớn. Bát-nhã là trí tuệ. Ba-la-mật-đa là đáo bỉ ngạn, nghĩa là đến bờ kia, gần đây dịch là cứu kính. Ma-ha Bát-nhã Ba-la-mật-đa là trí tuệ rộng lớn cứu kính.

Tâm Kinh là kinh nói về tâm. Nếu hiểu rõ thì Ma-ha Bát-nhã Ba-la-mật-đa tức là Tâm Kinh. Vì sao? Vì trí tuệ rộng lớn cứu kính, còn gọi là trí tuệ Bát-nhã, tức là Tâm vậy.

Trong kinh Bát-nhã có nói: Bát-nhã vô tri vô sở bất tri, nghĩa là Bát-nhã không biết mà không chỗ nào chẳng biết. Không biết tức Bát-nhã đối với cảnh không khởi vọng thức phân biệt. Không chỗ nào chẳng biết vì Bát-nhã là trí tuệ hằng sáng hằng giác dụ như gương sáng, tất cả cảnh vật hoặc người qua lại đều hiện rõ ràng không thiếu sót. Biết mà không khởi vọng thức phân biệt là cái biết của Tâm.


II- GIẢNG VĂN KINH.


Quán Tự Tại Bồ-tát hành thâm Bát-nhã ba-la-mật-đa thời, chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách.

Khi Bồ-tát Quán Tự Tại hành sâu Bát-nhã ba-la-mật-đa, Ngài soi thấy năm uẩn đều không, liền qua hết thảy khổ ách.

Trong đây khó nhất là chữ Không. Toàn bộ Đại Bát-nhã gồm sáu trăm quyển, rất rộng rất nhiều, ở đây vì bài kinh rút quá gọn, nên người đọc khó nhận ra được ý nghĩa.

Soi thấy năm uẩn đều không bằng cách nào? Chữ Không ở đây là soi thấy năm uẩn đều không có Tự tánh, chớ không phải là không ngơ hay là chân không .

Không ngơ là không có gì hết, tức là chấp không. Hiểu chữ Không như vậy là sai lầm, không đúng tinh thần Bát-nhã là phá chấp, phá chấp có và phá chấp không.

Không nếu hiểu là chân không lại không ổn, vì chân không không thể giải thích bằng ngôn ngữ văn tự được.

Để hiểu rõ chữ Không, chúng ta cần biết qua ba thời kỳ Phật giáo:

1. Sơ kỳ Phật giáo: Giải thích pháp Tứ đế, Thập nhị nhân duyên, cho đây là chân lý. Như thế là còn nằm trên hình thức, nói về tướng hoặc có, hoặc không, hoặc thiện, hoặc ác v.v…

2. Trung kỳ Phật giáo: Nói về lý Tánh không tức là lý Bát-nhã.

3. Hậu kỳ Phật giáo: Nói về lý Chân không diệu hữu.

Chữ Không trong Bát-nhã là không Tự tánh, hay Không tánh. Học Bát-nhã là học về lý Tánh không. Tánh không là gì ? Tánh là danh từ chỉ cái gì cố định, bất di bất dịch. Tánh không chỉ tất cả pháp thế gian này đều không có cái gì cố định, bất di bất dịch, nghĩa là hằng đổi dời, không thật. Tinh thần Bát-nhã chống lại nghĩa Tánh hữu, tức là các pháp đều có Tự tánh, đều cố định, đều là thật. Quan niệm Tánh hữu là không đúng theo lý Bát-nhã.

Các pháp thế gian không cố định nên không phải là thật, do duyên hợp nên không phải là không ngơ.

Soi thấy năm uẩn đều không tức là soi thấy năm uẩn đều không có tính cách cố định. Khi soi thấy năm uẩn đều không cố định, nên qua hết tất cả khổ nạn. Vì sao? Vì tất cả chúng sanh từ vô thủy đến nay bị bệnh chấp ngã.

Bệnh thứ nhất của chấp ngã là chấp thường nhất. Chấp thường nhất là mỗi người đều chấp thân tâm mình thật có, tức là thường còn thường nhất không thay đổi. Thử hỏi trong chúng ta, ai thấy được con người mình luôn luôn thay đổi? Từ thuở bé đến ngày nay khôn lớn bốn, năm mươi tuổi, con người mình khi trước và ngày nay là một hay là hai? Nếu nhận thấy nó không khác, là thường nhất, gọi là chấp ngã. Nhưng kiểm lại xem con người mình về tâm sanh lý từ lúc bé thơ đến tuổi già nua có thật là thường nhất, có thật là không thay đổi, có thật là một chăng? Nhận xét như vậy mới biết chấp ngã là một quan niệm sai lầm của con người.

Bệnh thứ hai của chấp ngã là chấp chủ tể. Chấp chủ tể tức là chấp mình làm chủ trọn vẹn con người mình về cả hai mặt sanh lý và tâm lý. Ai cũng thầm nghĩ thân này là của tôi, tức là tôi làm chủ nó trọn vẹn, cũng như tôi có cái nhà và bàn ghế trong nhà, tôi làm chủ trọn vẹn tức là tôi có trọn quyền sử dụng nó không ai ngăn cản hay sửa đổi được.

Nhưng tôi có thật sự làm chủ con người tôi hay không? Về mặt sanh lý, tôi luôn luôn muốn cho thân thể được khỏe mạnh hồng hào, nhưng đôi khi nó cũng bị đau yếu nhức nhối, đòi hỏi phải thuốc thang chữa trị. Như vậy tôi đâu có thật làm chủ thân tôi. Về mặt tâm lý, tôi không làm chủ được tư tưởng của tôi. Như trong lúc ngồi thiền tôi suy nghĩ miên man hết việc này đến việc khác, tôi muốn tâm thanh tịnh mà có mấy khi được như vậy.

Hai quan niệm chấp ngã: ngã là thường nhất và ngã là chủ tể, là hai quan niệm sai lầm và lệch lạc. Do bệnh chấp sai lầm này nên chúng ta đau khổ. Nếu chúng ta nhận thấy rõ con người mình không thường nhất và không có chủ tể là chúng ta phá được bệnh chấp ngã.

Trong thời sơ kỳ Phật giáo, để phá bệnh chấp ngã, đức Phật bảo thân này do tứ đại hòa hợp là cho những người thiên chấp về vật chất, thân này do ngũ uẩn hòa hợp là cho những người thiên chấp về tinh thần.
Nếu thân này đã do tứ đại hòa hợp, tức là đất nước gió lửa hòa hợp, thì thân này không có nghĩa là thường nhất được. Trong bốn đại, không đại nào làm chủ, nên biết thân này không có chủ tể.

No comments:

Post a Comment