Nếu thiên chấp về tâm, Phật dạy thân này do ngũ uẩn hòa hợp, tức là ngoài Sắc uẩn chỉ cho thân, còn có bốn uẩn thuộc phần tâm lý là: thọ, tưởng, hành, thức.
Thọ là cảm giác, lãnh thọ. Ví dụ khi mắt nhìn thấy cảnh đẹp, mình nhận đây là cảnh đẹp, rồi vui thích gọi là thọ lạc của mắt, khi nhìn cảnh xấu, mình nhận đây là cảnh xấu và cảm thấy chán ghét gọi là thọ khổ của mắt. Khi tai nghe tiếng nhạc hay tiếng khen, mình cảm thấy vui thích gọi là thọ lạc của tai, nếu nghe tiếng dở và tiếng chê, mình cảm thấy ghét giận gọi là thọ khổ của tai. Như vậy khi mắt tai mũi lưỡi thân ý tiếp xúc với sáu trần bên ngoài, khi cảm thấy vừa ý và vui thích gọi là thọ lạc, khi cảm thấy trái ý và chán ghét gọi là thọ khổ. Cảm nhận sự vui buồn thương ghét gọi là thọ uẩn, tức thuộc phần tâm lý hay tâm thức.
Tưởng là những nghĩ tưởng về các cảnh đã thấy, như khi chúng ta tưởng lại các cảnh đã thấy ở thành phố hay núi non, thì các cảnh ấy hiện ra với mình. Hoặc khi chúng ta tưởng đến việc vị lai, thì những việc ấy hiện ra với mình. Như vậy những nghĩ tưởng trở về quá khứ hay hướng đến tương lai là thuộc về tinh thần hay tâm thức.
Hành là những suy tư tiếp nối miên man sanh diệt chẳng dừng ở một điểm. Như khi chúng ta đang suy nghĩ một vấn đề gì, tâm tư chúng ta luôn luôn nghĩ từ việc này sang việc khác liên tục không ngừng, như người bộ hành đi đường, bước này tiếp nối bước kia không dừng. Hành cũng thuộc về tâm thức.
Thức là cái phân biệt. Ví dụ mắt thấy sắc, phân biệt là đẹp là xấu, tai nghe tiếng, phân biệt là hay là dở v.v… Phân biệt gọi là thức, thuộc về tinh thần.
Thọ, tưởng, hành, thức bốn uẩn này thuộc về tâm. Vì tâm do bốn uẩn kết hợp không thể là thường nhất, cũng không có chủ tể, vì không uẩn nào là chủ. Tại sao năm thứ đều gọi là uẩn? Uẩn nghĩa là chứa nhóm hay tích tụ. Sắc chứa nhóm bốn đại hay tích tụ bốn đại, thọ chứa nhóm sáu thọ của sáu căn…
Trong thời sơ kỳ Phật giáo tức là thời kỳ nguyên thủy, Phật thuyết pháp vô ngã để phá bệnh chấp ngã về thân và tâm. Con người chúng ta là tướng duyên hợp do tứ đại hay ngũ uẩn kết hợp không thật, nên không thường nhất và không chủ tể. Vô ngã là không có một cái ngã thường nhất và chủ tể.
Nhiều người hiểu lầm nghĩa vô ngã, cho rằng vô ngã là không ngơ tức là không có mình, không có thân này. Nếu không có thân này thì ai đang sống đây, ai đang hoạt động, ai đang thọ khổ thọ vui? Có thân này nên chúng ta mới có cảm giác nóng lạnh, đau nhức hay êm dịu; có tâm này nên chúng ta mới cảm nhận, suy tư hay phân biệt. Nhưng thân và tâm này là do duyên hợp tạo thành, nên không thường nhất và không chủ tể, gọi là vô ngã.
Lại có nhiều người nghĩ lầm thân tâm mình, từ xưa đến nay là một không biến đổi, mình làm chủ mình hoàn toàn, mình được tự tại, không ai có quyền làm chủ mình. Nhưng thật sự thể xác và tinh thần chúng ta, từ xưa đến nay đã đổi thay không biết bao nhiêu lần và chúng ta thật sự có bao giờ làm chủ chúng ta đâu! Nếu chúng ta nhận không đúng lẽ thật mà khăng khăng bám chặt vào quan niệm sai lầm, gọi là chấp. Có một quan niệm sai lầm về thân và tâm là thường nhất và có chủ tể, gọi là chấp ngã. Và chấp ngã là nguyên nhân của tất cả khổ đau trong cuộc đời.
Đến giai đoạn thứ hai là thời trung kỳ Phật giáo, đức Phật không còn nói thân này không thật, do tứ đại hay ngũ uẩn duyên hợp giả có, mà đức Phật đi thẳng vào năm uẩn, soi thấy từng uẩn một đều không cố định. Vì mỗi uẩn không có tánh cố định, luôn luôn biến chuyển và đổi dời nên không thường nhất, không chủ tể, còn gọi là không Tự tánh. Năm uẩn còn không cố định huống là cái hợp thể do năm uẩn hợp lại tức là thân, là bản ngã của chúng ta làm sao cố định được.
Lấy một ví dụ cho dễ hiểu là bàn tay chúng ta. Năm ngón tay co lại hợp thành nắm tay, nắm tay này không cố định, nếu cố định thì đâu đợi năm ngón co lại mới hợp thành? Nếu xòe bàn tay chia ra từng ngón một thì đâu có nắm tay. Năm ngón co lại thành nắm tay, thử hỏi ngón tay nào là chủ của nắm tay? Trong năm ngón không có ngón nào làm chủ, nên nghĩa chủ tể của nắm tay không thành được. Nắm tay do năm ngón co lại nên không thường nhất, nếu thường nhất thì đâu đợi năm ngón co lại mới thành, nếu thường nhất thì khi xòe bàn tay ra từng ngón một, nắm tay ở đâu? Cái thường nhất có còn không?
Như vậy nghĩa thường nhất của nắm tay cũng không. Nắm tay trước không có, do duyên hợp tạm có, duyên tan thì mất, không thường nhất, không chủ tể, nên gọi là không cố định.
No comments:
Post a Comment