Tiến sâu hơn, chúng ta không nhắm vào nắm tay nữa, mà nói từng ngón tay, mỗi ngón tay có thật hay không? Có đủ hai nghĩa thường nhất và chủ tể hay không? Mỗi ngón tay cũng là tướng duyên hợp do xương gân máu thịt hợp thành, nên không có đủ hai nghĩa thường nhất và chủ tể. Một ngón tay không thường nhất và không chủ tể, năm ngón tay cũng thế, huống là nắm tay. Ngón tay là đơn vị hợp thành nắm tay, chính mỗi ngón tay ấy cũng là một hợp thể, cũng là tướng duyên hợp tạm bợ không thật, không cố định.
Đức Phật đi thẳng vào từng uẩn một của thân năm uẩn, soi thấy mỗi uẩn đều không cố định nên gọi là soi thấy năm uẩn đều không, liền qua hết thảy khổ ách. Làm sao qua được khổ ách? Khổ ách gốc từ đâu mà có? Nếu hỏi ai khổ thì trả lời tôi khổ, tôi bị tai nạn. Tôi là gì? Là bản ngã, là cái tôi trước sau như một, là cái tôi làm chủ. Nếu cái tôi trước sau như một, gặp điều gì trái sở thích gọi là khổ, gặp việc gì làm nó bị suy giảm gọi là nạn. Sở dĩ có khổ nạn là vì chấp bản ngã, nếu bản ngã không còn thì khổ nạn còn không? Bản ngã không còn không có nghĩa là không ngơ, mà có nghĩa là không cố định. Bởi bản ngã không cố định vì là tướng duyên hợp, bởi là tướng duyên hợp nên tạm bợ hư dối, đổi dời luôn luôn không dừng; không chủ tể, không thường nhất, đó là nghĩa “vô ngã”. Nếu ngay nơi năm uẩn, thấy rõ mỗi uẩn luôn luôn đổi dời không chủ tể và không thường nhất, thì cái thân do năm uẩn hợp lại làm sao có chủ tể và thường nhất được. Nên nói soi thấy năm uẩn đều không, tất cả khổ nạn theo đó liền dứt
Nếu chúng ta thấy rõ thân này, về sanh lý cũng như tâm lý đều là tướng duyên hợp đổi dời không cố định, thì mới biết thân này là hư dối không thật, cái ngã này là hư dối không thật. Và những gì đến với cái ngã hư dối không thật này, dù là tốt xấu hay vui buồn cũng đều hư dối không thật, thì còn gì gọi là khổ ách nữa. Nên nói soi thấy năm uẩn đều không, liền qua hết tất cả khổ nạn.
Người tu hành chỉ cần soi thấy năm uẩn đều không là qua hết khổ nạn, là được giải thoát. Nhưng chúng ta phải soi trong thời gian bao lâu mới thấy năm uẩn đều không? Bồ-tát Quán Tự Tại hành thâm Bát-nhã ba-la-mật-đa thời…Soi đây là hành, thâm là sâu xa đến bao giờ thâm nhập được trí tuệ Bát-nhã, khi ấy xem thấy năm uẩn đều không cố định nên tất cả khổ nạn đều qua.
Trên đường tu tập Bát-nhã, chúng ta soi thấy năm uẩn đều có rõ ràng, như vậy lời Phật dạy không đúng sao? Đó là vì chúng ta chưa hành thâm Bát-nhã, thâm đây không phải năm mười ngày, đôi ba tháng hay hai ba năm, thâm đây là thâm nhập sâu xa trí tuệ Bát-nhã, khi ấy xem thấy năm uẩn đều không cố định nên tất cả khổ nạn đều qua.
Sở dĩ chúng ta đau khổ là vì mê lầm về bản thân nên sanh chấp ngã. Với trí tuệ Bát-nhã chúng ta thấy đúng như thật thân tâm này là tướng hư dối, luôn luôn biến chuyển không cố định, nên không còn mê chấp nữa. Không mê lầm chấp ngã nên hết khổ nạn. Giả sử có ai gọi tên ta và xỉ vả đủ điều, nếu chúng ta dùng trí tuệ Bát-nhã thấy đúng như thật thân tâm là tướng hư dối, không còn chấp ngã thì các đau khổ liền dứt. Người học Phật phải thấy đúng như vậy, vì đó là căn bản của sự tu hành.
Xá-lợi tử, sắc bất dị không, không bất dị sắc, sắc tức thị không, không tức thị sắc. Thọ, tưởng, hành, thức diệc phục như thị.
Này Xá-lợi-phất, sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc, sắc tức là không, không tức là sắc. Thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như thế.
Đến đây Phật đi vào chi tiết, bảo ngài Xá-lợi-phất: Sắc uẩn chẳng khác với không, không chẳng khác với Sắc uẩn. Không đây chẳng phải là không ngơ, hay trống không như hư không. Không đây là không Tự tánh tức là không cố định. Sắc uẩn là phần thân tứ đại, thân tứ đại này là tướng duyên hợp đổi dời không cố định. Chính bản chất thân tứ đại này không cố định, nên không khác với không. Nếu thân tứ đại là cố định tức khác với không rồi. Cho nên nói Sắc uẩn chẳng khác với cái không cố định và cái không cố định chẳng khác với Sắc uẩn.
Ví dụ cái bàn là tướng duyên hợp nên không cố định, như vậy cái không cố định chẳng khác với cái bàn. Vì sao? Vì ngay nơi cái bàn tự nó đổi dời sanh diệt nên không cố định, và cái không cố định là sẵn nơi cái bàn và ngay nơi cái bàn. Sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc là như vậy
Sắc tức là không, không tức là sắc.
Trong đoạn trước còn so sánh, thấy dường như hai, sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc. Đến đây Phật chỉ thẳng chính Sắc uẩn là không cố định, không cố định chính là Sắc uẩn. Nghĩa là thân tứ đại này là tướng biến đổi không cố định, không cố định là thân tứ đại này. Nếu thân tứ đại cố định thì không diệt, nhưng thân bị sanh diệt tức bản chất nó không cố định.
Như cái bàn này là không cố định, cái không cố định tức là cái bàn này, không phải rời cái bàn này có cái không cố định ở ngoài.
Nhiều người cho rằng sắc là sắc, không là không, vì sao lại nói sắc tức là không, không tức là sắc? Phải hiểu chữ không đây là không cố định, là sanh diệt đổi dời.
Thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như thế.
Nghĩa là Thọ uẩn, Tưởng uẩn, Hành uẩn, Thức uẩn, bốn uẩn này cũng lại như thế. Thọ uẩn chẳng khác với không cố định, không cố định chẳng khác với Thọ uẩn, Thọ uẩn tức là không cố định, không cố định tức là Thọ uẩn. Tưởng uẩn, Hành uẩn, Thức uẩn cũng đều như vậy, chẳng khác với không cố định và tức là không cố định.
Xá-lợi tử, thị chư pháp không tướng, bất sanh bất diệt, bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm.
Này Xá-lợi-phất, tướng không của các pháp, không sanh không diệt, không nhơ không sạch, không thêm không bớt.
Tướng không của các pháp tức là tướng không cố định của các pháp sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Tướng không cố định ấy chẳng sanh chẳng diệt, chẳng nhơ chẳng sạch, chẳng thêm chẳng bớt. Vì sao? Vì là không cố định. Nếu nói sanh tức là cố định mất rồi, nếu nói diệt tức là cố định mất rồi; nếu sanh thì đâu có diệt, nếu diệt làm sao có sanh? Cho nên nói tướng không cố định không phải sanh, không phải diệt, là như vậy. Nó không phải nhơ, không phải sạch, vì nếu là nhơ tức không bao giờ đổi thành sạch được , nếu là sạch tức không bao giờ biến thành nhơ được. Nên nói tướng không cố định không phải nhơ, không phải sạch. Cũng như vậy, tướng không cố định của các pháp không phải thêm, không phải bớt.
Nói tóm lại, tướng không cố định của các pháp không phải sanh, không phải diệt, không phải nhơ, không phải sạch, không phải tăng, không phải giảm. Tướng không cố định ấy không phải tất cả những tướng đối đãi. Vì sao? Vì nếu nó là cái này hay là cái kia tức là nó cố định mất rồi. Vì tướng không cố định, nên sanh có thể biến thành diệt, nhơ biến thành sạch, tăng biến thành giảm, hoặc diệt biến thành sanh v.v… Tướng của các pháp tùy duyên đổi thay nên không cố định. Vì tùy duyên đổi thay nên không thể xác nhận nó là cái gì được. Tỉ dụ chúng ta có một ly nước đang trong sạch, nếu đem bỏ đất vào thì ly nước biến thành nhơ đục mất rồi. Như vậy ly nước không cố định phải là sạch hay là nhơ mà tùy duyên, tức là từ sạch do duyên đổi, biến thành nhơ. Nếu là cố định, khi sạch phải sạch mãi không nhơ, khi nhơ phải nhơ mãi không sạch, mà thật ra nó tùy duyên thay đổi làm sao gọi là cố định! Đó là ý nghĩa tướng không cố định của các pháp, nó không phải là cái gì hết vì nó là tướng tùy duyên.
Thị cố không trung vô sắc, vô thọ, tưởng, hành, thức; vô nhãn, nhĩ, tỹ, thiệt, thân, ý; vô sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp; vô nhãn giới nãi chí vô ý thức giới.
Cho nên trong tướng không không có sắc, không có thọ, tưởng, hành, thức; không có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý; không có sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp; không có nhãn giới cho đến không có ý thức giới.
Ở đây Phật dạy tướng không cố định không phải là năm uẩn, không phải là sáu căn, không phải là sáu trần, không phải là mười tám giới. Nếu nó là cái nào tức là cố định rồi. Vì nó không phải là cái nào hết, nên nó mới tùy duyên không cố định. Nên nhớ chữ Vô ở đây là không phải: không phải sắc, không phải thọ, tưởng, hành, thức v.v… vì căn cứ trên tướng không cố định mà nói như vậy.
Khi chúng ta chấp nặng Sắc thân, đức Phật dùng tứ đại để phá chấp; khi chấp nặng phần tâm lý, đức Phật dùng ngũ uẩn để phá chấp. Khi chúng ta chấp về căn thân và trần cảnh, đức Phật dùng Thập nhị xứ để phá chấp; khi chấp căn, trần và thức, đức Phật dùng Thập bát giới để phá, cho nên nói không phải nhãn giới cho đến không phải ý thức giới. Nói tóm lại, trong cái không cố định không phải là sáu căn, không phải là mười hai xứ, không phải là mười tám giới, nghĩa là cái không cố định không phải là tất cả pháp thế gian.
No comments:
Post a Comment