Friday, February 18, 2011

Kinh Diệu Pháp Liên Hoa giảng giải part 29 (An Lac Hanh)

PHẨM 14

AN LẠC HẠNH

An lạc hạnh là công hạnh tu hành đúng như lời Phật dạy, để việc tự lợi lợi tha được an vui không có chướng nạn. Vì ở trước các hàng Bồ-tát phát nguyện sau khi Phật niết-bàn, các ngài sẽ đem kinh Pháp Hoa giáo hóa cho người sau, dù có gặp khó khăn chướng ngại cũng không thối chuyển, các ngài xả thân vì đạo Vô thượng Bồ-đề.


CHÁNH VĂN:

1.- Lúc bấy giờ, ngài Văn-thù-sư-lợi đại Bồ-tát bạch Phật rằng:

- Thế Tôn! Các vị Bồ-tát này rất là ít có, vì kính thuận Phật nên phát thệ nguyện lớn: “Ở nơi đời ác sau, hộ trì đọc nói kinh Pháp Hoa này.”

Thế Tôn! Các vị đại Bồ-tát ở đời ác sau, thế nào mà có thể nói kinh này?

Phật bảo ngài Văn-thù-sư-lợi:

- Nếu vị đại Bồ-tát ở đời ác sau muốn nói kinh này, phải an trụ trong bốn pháp
.

GIẢNG:

Bồ-tát Văn-thù tán thán những vị Bồ-tát thuận theo Phật, nguyện ở đời ác sau hộ trì giảng nói kinh Pháp Hoa. Kế đó, Ngài nêu lên câu hỏi: Các vị đại Bồ-tát ở đời ác sau, làm thế nào có thể nói kinh Pháp Hoa? Phật dạy ở đời ác sau muốn nói kinh này phải trụ trong bốn pháp.


CHÁNH VĂN:

2.- Một, an trụ nơi “Hành xứ” và nơi “Thân cận xứ” của Bồ-tát, thời có thể vì chúng sanh mà diễn nói kinh này. Văn-thù-sư-lợi! Thế nào gọi là chỗ “Hành xứ” của đại Bồ-tát? Nếu vị đại Bồ-tát an trụ trong nhẫn nhục hòa dịu khéo thuận mà không vụt chạc, lòng cũng chẳng kinh sợ, lại ở nơi pháp không phân biệt mà quán tướng như thật của các pháp cũng chẳng vin theo, chẳng phân biệt, đó gọi là chỗ “Hành xứ” của Bồ-tát.

Thế nào gọi là chỗ “Thân cận” của đại Bồ-tát? Vị đại Bồ-tát chẳng gần gũi Quốc vương, vương tử, đại thần, quan trưởng, chẳng gần gũi các ngoại đạo Phạm chí, Ni-kiền-tử v.v... và chẳng gần những kẻ viết sách thế tục ca ngâm; sách ngoại đạo cùng với phái “Lộ-già-da-đà” phái “Nghịch Lộ-già-da-đà”, cũng chẳng gần gũi những kẻ chơi hung hiểm đâm nhau, đánh nhau và bọn Na-la v.v... bày các cuộc chơi biến hiện.
Lại chẳng gần gũi bọn hàng thịt và kẻ nuôi heo, dê, gà, chó, săn bắn, chài lưới, hạng người sống với nghề ác, những người như thế hoặc có lúc lại đến thời Bồ-tát vì nói pháp không có lòng mong cầu.

Lại chẳng gần gũi những Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di hạng người cầu quả Thanh văn, cũng chẳng thăm hỏi, hoặc ở trong phòng, hoặc chỗ kinh hành, hoặc ở trong giảng đường chẳng cùng ở chung, hoặc có lúc những người đó lại đến, Bồ-tát theo cơ nghi nói pháp không lòng mong cầu.

Văn-thù-sư-lợi! Lại vị đại Bồ-tát chẳng nên ở nơi thân người nữ có niệm tưởng hay sanh dục nhiễm và vì nói pháp, cũng chẳng ưa thấy. Nếu vào nhà người chẳng cùng với gái nhỏ, gái trinh, gái góa v.v... chung nói chuyện, cũng lại chẳng gần năm giống người bất nam để làm thân hậu.

Chẳng riêng mình vào nhà người, nếu lúc có nhân duyên cần riêng mình vào thời chuyên một lòng niệm Phật.

Nếu vì người nữ nói pháp thời chẳng hở răng cười, chẳng bày hông, ngực, nhẫn đến vì pháp mà còn chẳng thân hậu, huống lại là việc khác.

Chẳng ưa nuôi đệ tử Sa-di ít tuổi và các trẻ nhỏ, cũng chẳng ưa cùng chúng nó đồng một thầy. Thường ưa ngồi thiền ở chỗ vắng tu nhiếp tâm mình.

Văn-thù-sư-lợi! Đó gọi là “chỗ thân cận ban đầu
”.

GIẢNG:

Bốn pháp Phật dạy Bồ-tát ở đời sau phải an trụ để nói kinh Pháp Hoa là:
Một là an trụ nơi “Hành xứ” và “Thân cận xứ”. An trụ nơi Hành xứ là nhẫn nhục hòa dịu, khéo thuận mà không vụt chạc, lòng cũng chẳng kinh sợ, lại ở nơi pháp không phân biệt mà quán tướng như thật của các pháp, chẳng vin theo chẳng phân biệt.
Trước, tôi nói về hạnh nhẫn nhục hòa dịu không nóng nảy, không kinh sợ. Thí dụ như: Tối, đến giờ chỉ tịnh, thầy Hương đăng sửa soạn đóng cửa chùa. Có người đến ngăn cản, nói những câu trái ý nghịch lòng, làm cho thầy Hương đăng bực bội, thầy lộ ra cử chỉ thô tháo, đóng cửa mạnh tay, gây tiếng động rầm rầm. Đó là thiếu nhẫn nhục, thiếu hòa dịu, vụt chạc. Khi thầy Hương đăng có thái độ vụt chạc không hòa dịu là do tự tâm thầy đã bất an phiền não, nên mới phát lộ ra làm phiền lòng người đối diện và mọi người chung quanh. Khi thấy một sự việc xảy ra, hay nghe một câu nói bất bình, tâm khởi niệm bực bội liền tỉnh giác buông ngay, không tiếp tục nghĩ suy nữa, tâm liền được an ổn. Và tự tâm mình đã an ổn thì mọi người trong cộng đồng sống chung với mình cũng được an vui. Vì vậy muốn được an lạc thì phải tu hạnh nhẫn nhục nhu hòa.

Kế đó là phải có lòng can đảm không sợ sệt. Vì trong đời sau Phật niết-bàn, người ác nhiều, người hiền ít. Khi nói đạo lý thì người hiền nghe, người ác lại ghét, nên họ hăm dọa phá phách. Nếu vì sự hăm dọa phá phách của họ, mà mình không dám giảng nói thì mình không thực hành được hạnh Bồ-tát. Vì vậy, vừa nhẫn nhục nhu hòa lại vừa can đảm, chớ không phải nhẫn nhục nhu hòa, rồi việc gì cũng vâng dạ tuân theo lệnh của bạo lực, thì không thể xiển dương được chánh pháp. Nhớ là nhẫn mà không nhu nhược.
Thứ đến là ở nơi các pháp không phân biệt, không vin theo, mà quán tướng như thật của các pháp. Đối cảnh tâm không khởi cái này đẹp cái kia xấu, cái này hơn cái kia thua... đó là ở nơi các pháp không phân biệt. Đúng ra, quán tướng như thật của các pháp trước, rồi mới không khởi phân biệt sau. Hàng Nhị thừa thấy tuớng như thật của các pháp là ngay nơi con người, hiện đang trẻ trung cường tráng, thấy rõ thân năm uẩn đang bị luật vô thường làm cho biến hoại, dần đưa đến bệnh hoạn già nua rồi chết mất, đó là khổ và không. Còn với hàng Bồ-tát thì ngay nơi thân năm uẩn này, thấy rõ nó do duyên hợp tạm có, không có Thật thể cố định. Duyên hợp có hình hài con người thì nói là sanh, duyên ly tán hình hài con người rã tan thì nói là tử. Thành hoại hay sanh tử là do duyên tụ hay tán, rõ ràng nó không thật có. Như vậy thì có gì mà phân biệt tốt xấu hơn thua?

Nghe nói vậy quí vị đừng tưởng mình ở ngoài cái tụ tán đó, thật ra mình không ở ngoài cũng không ở trong. Tụ tán là tứ đại tụ tán, mà tứ đại là vô tri, còn mình là hữu tri, “cái biết” đâu có tụ tán. Tứ đại tụ lại, có thân bằng xương bằng thịt này gọi là sanh, tứ đại ly tán, thân bằng xương bằng thịt này rã tan gọi là tử. Chớ “cái biết” đâu có sanh tử. Nên tôi nói “gá thân mộng”. Thân này là mộng “cái biết” gá vào thân, thân tứ đại không phải là mình. Vì “cái biết” gá vào thân nên có sanh hoạt hằng ngày gọi đó là cuộc sống tạm. Như vậy, nếu nhìn trên Thật tướng thì thấy thân này là một khối tứ đại đất, nước, gió, lửa hợp thành, sanh là tứ đại hợp, tử là tứ đại tan. Tỉ dụ chúng ta hít vô bao nhiêu không khí, khi thở ra cũng bấy nhiêu khí, mượn vô bao nhiêu gió thì trả ra bấy nhiêu, đất (thức ăn), nước mượn vô bao nhiêu rồi cũng phải trả ra bấy nhiêu . Và ngay thân tứ đại này là bao nhiêu khi rã tan cũng rã tan bấy nhiêu. Tứ đại tụ tán chớ Tri kiến Phật đâu có tụ tán hay sanh tử. Từ người rồi nhìn ra sự vật cũng vậy, duyên tụ thì sự vật thành, duyên tán thì sự vật hoại. Các pháp thành hoại là do duyên tụ tán, không có pháp nào là chân thật chắc bền, nên không vin theo không phân biệt. Đó là chỗ Hành xứ của Bồ-tát. Sở dĩ vin theo các pháp để phân biệt là vì thấy các pháp thật đẹp thật quí... nên ưa pháp này chán pháp kia. Nếu thấy các pháp do duyên hợp tạm có, nó không có Thật thể cố định thì vin vào đâu mà đeo đuổi dính mắc? Vậy Hành xứ của Bồ-tát là tâm nhu hòa nhẫn nhục và thấy các pháp đúng như thật. Thường thì chúng ta dễ mắc kẹt trên giả tướng giả danh, một vị Tỳ-kheo tu khoảng vài chục năm được gọi là Thượng tọa. Nếu có ai không biết gọi là Đại đức, thì khó chịu không vui, đó là do chấp ngã quá nặng, tu càng lâu ngã càng lớn, động tới là nổi sân, đó là do không thấy các pháp đúng như thật, nên ngã chấp càng lớn phiền não thêm dày. Tất cả chỉ là giả danh giả tướng mà người ta không thấy cứ vin vào đó mà chấp, rồi thành bệnh.

Thế nào là chỗ thân cận của đại Bồ-tát? Một là Bồ-tát không gần gũi với những người có thế lực như Quốc vương, vương tử, đại thần, quan trưởng. Hai là không gần gũi với ngoại đạo. Ba là không gần gũi với những người viết sách thế tục. Bốn là không gần gũi hạng người ca hát. Năm là không gần gũi với người sống bằng những nghề ác. Nếu những hạng người đó có đến mong cầu nghe pháp thì Bồ-tát vì họ nói pháp với tâm không mong cầu. Thường tình, thì người nói pháp hay có bệnh mong cầu lợi dưỡng muốn cho người cúng dường, thậm chí tụng kinh chẳng những mong cầu cúng dường mà còn ra giá trước nữa. Phật dạy người tu chúng ta phải có một đời sống cao thượng, nếu đối với năm hạng người đó nói pháp thì tùy cơ mà nói, lòng không mong cầu họ thù đáp bất cứ một thứ gì. Như thế mới là người nói pháp chân chánh.

Phật lại dạy Bồ-tát không nên thân cận với Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di cầu quả Thanh văn. Nếu những người này cầu pháp thì vì họ nói pháp, tâm không khởi niệm mong cầu bất cứ điều gì.

Đến đây, Phật dạy rất tỉ mỉ, nếu hạng người nữ cầu pháp thì không nên nhìn trên thân họ mà sanh tâm dục nhiễm, chỉ một bề nói pháp giáo hóa họ. Chẳng vì hàng gái tơ gái nhỏ mà nói chuyện, cũng chẳng thân cận với người bán nam bán nữ, vì những người này có nhiều chướng tật, gần họ thì lôi thôi lắm. Không nên một mình vào nhà người, đây là lời Phật dạy chớ không phải qui chế của Thiền viện tự đặt ra. Nếu có duyên sự đặc biệt mà vào nhà người thì phải niệm Phật. Niệm Phật là nhớ đến công hạnh Phật mà không khởi niệm ác, chớ không phải ngồi lâm râm niệm Nam-mô A-di-đà Phật. Phật còn dạy khi nói pháp cho người nữ, chớ cười hở răng hoặc để lộ hông ngực. Vì quấn y theo tu sĩ Nam tông Ấn Độ nếu bất cẩn thì để lộ thân ra coi kỳ, nên phải dè dặt tối đa, tránh được những cái đó thì sẽ không có chướng nạn, việc nói pháp mới tốt.

Phật lại còn cẩn thận dạy không nên nuôi đệ tử Sa-di ít tuổi, và không cùng chúng đồng thầy. Tại sao giáo hóa mà hạn cuộc như vậy? Theo tinh thần thừa kế, tức là nối tiếp ngọn đèn chánh pháp, nếu không nuôi dưỡng người trẻ nhỏ thì lấy ai mà kế thừa Phật pháp? Các chú nhỏ thì khờ dại chưa biết tu hành, ham ăn, ham ngủ, ham chơi, ngỗ nghịch. Nếu nuôi là phải dạy dỗ, mà dạy dỗ thì phải rầy la răn phạt, nếu răn phạt nhiều lần mà nó không nghe thì sanh bực bội, mà bực bội là chướng đạo, ở đây Phật dạy không nên nuôi Sa-di ít tuổi. Và tại sao Phật dạy không cùng với chúng đồng thầy? Thông thường những người tu có cái tình chấp là người cùng thầy, người tu sau gọi người tu trước là Sư huynh. Giả sử như tôi đã nhận những đệ tử bốn năm mươi tuổi, tu cũng mấy mươi năm chẳng hạn như Đắc Pháp, bây giờ tôi nhận chú tiểu chừng mười hai tuổi làm đệ tử. Bấy giờ chú gọi Đắc Pháp là Sư huynh có được không, trong khi Đắc Pháp đã có đệ tử ngoài ba mươi tuổi? Nếu gọi Đắc Pháp là Sư huynh thì gọi đệ tử Đắc Pháp là gì? Chẳng lẽ đệ tử Đắc Pháp ngoài ba mươi tuổi gọi chú tiểu mười hai tuổi bằng Sư chú! Sư chú gì mà Phật pháp chưa thông, giới hạnh chưa nghiêm túc còn đùa giỡn nghịch ngợm? Như thế chỉ làm rối loạn trong đạo. Theo tôi, người thọ Cụ túc giới thì gọi bằng thầy, còn là Sa-di thì gọi bằng chú, chớ Sư thúc Sư bá Sư huynh Sư đệ... không khéo sẽ bị kẹt vào tình chấp chướng đạo!

Trước Phật dạy những chỗ cần phải xa lánh. Kế, Phật bảo thường ưa ngồi thiền ở chỗ vắng tu nhiếp tâm. Chỗ này có nhiều nhà phê bình kinh Pháp Hoa là kinh Đại thừa, chỉ thẳng chỗ cứu kính, mà cũng vẫn còn mang tinh thần Tiểu thừa. Nếu quan niệm như thế là sai lầm. Vì người đem kinh Pháp Hoa ra giáo hóa tức là đem mạng mạch Phật pháp trao lại cho đời, đó là trách nhiệm rất lớn. Nếu người đem trách nhiệm lớn lao trao cho người khác, mà không đủ tác phong uy tín để cho người tin, thì người không quí, không quí thì không thực hành theo. Vì vậy muốn làm được việc lớn khó làm, thì trước hết phải tự tu chỉnh tâm mình cho thanh tịnh, giới tướng cho nghiêm minh, điều mình giảng dạy mới có giá trị, người đời mới kính tin và chấp nhận mà tiến tu dễ dàng. Nếu người giảng nói chưa đủ uy tín, thì dù là của báu đem cho, họ cũng không nhận, chỉ làm chuyện vô ích. Tuy là hình tướng bên ngoài nhưng cũng là điều cần thiết để giáo hóa người.

Hiện tại có một số Tăng Ni trẻ mang tinh thần Đại thừa quá sớm, cho những tu sĩ gìn giữ giới luật là Tiểu thừa, cố chấp, không hiểu nam nữ bình đẳng, Phật tánh đồng nhất..., kẻ đó là bệnh. Tuy đứng về Tánh mà nói Tri kiến Phật không có nam nữ, không có lớn nhỏ sai biệt. Nhưng chúng sanh nhìn người hướng đạo là nhìn theo Nghiệp tướng hay nhìn theo Thể tánh? Đứng trên mặt giáo hóa lợi tha, chúng sanh phàm phu đa số là nhìn người hướng đạo theo Nghiệp tướng, nếu làm trái với cái thấy biết của họ là họ không tin, họ không tin thì làm sao hướng dẫn họ tu? Vì vậy người giáo hóa lợi tha chẳng những có được tâm hồn cao thượng thanh tịnh, mà còn phải khéo giữ giới tướng cho nghiêm minh thì việc lợi tha mới hữu hiệu. Đối với chúng sanh, chỉ vài hành động sơ suất cũng đủ đánh mất lòng kính tin của họ, thì những điều cao quí mình không đem ra chỉ dạy được. Nên phẩm An Lạc Hạnh, Phật dạy chúng ta muốn làm được việc dễ dàng vui vẻ, thì phần Giới tướng đừng để cho người phàm tục nghi ngờ, cho đến giữ gìn hành vi nhỏ nhiệm để dễ dàng chỉ bày lý cao tột cứu kính cho người tin nhận. Đức Phật rất cẩn thận, sự không rời lý, lý không bỏ sự, lý sự viên dung. Chúng ta thường thì chấp lý bỏ sự, cứ nói làm gàn bướng, khiến cho người khinh chê phỉ báng Tam Bảo, rốt rồi chẳng giáo hóa được ai. Chỗ này phải hiểu cho thật kỹ kẻo lầm ý Phật dạy, cho rằng Phật dạy hàng Thanh văn không phải dạy cho Bồ-tát.

No comments:

Post a Comment