CHÁNH VĂN:
6.- Phật bảo các Tỳ-kheo:
- Lúc đức Đại Thông Trí Thắng Phật được quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, trong mười phương, mỗi phương đều năm trăm muôn ức các cõi nước Phật sáu điệu vang động. Trong các cõi nước đó chỗ tối tăm ánh sáng của nhựt nguyệt không soi tới được mà đều sáng rỡ, trong đó chúng sanh đều được thấy nhau, đồng nói rằng: “Trong đây tại sao bỗng sanh ra chúng sanh?”
Lại trong các cõi đó cung điện của chư thiên cho đến Phạm cung sáu điệu vang động, hào quang lớn soi cùng khắp đầy cõi nước, sáng hơn ánh sáng của trời.
GIẢNG:
Khi đức Đại Thông Trí Thắng thành Phật thì năm trăm muôn ức cõi Phật ở mỗi phương trỗi lên sáu điệu vang động. Trong cõi nước chỗ nào tối tăm, ánh sáng mặt trời mặt trăng không đến được, nay nhân Phật thành đạo, hào quang của Phật bủa khắp cả mười phương, chỗ tối tăm người ta không thấy nhau bây giờ được thấy. Do đó, các chúng sanh mới lần theo ánh sáng tìm đến chỗ Phật ngự. Khi đến nơi, ra mắt Phật, tán thán Phật, cúng dường Phật và cuối cùng thỉnh Phật chuyển pháp luân. Phần này, đứng về mặt sự thì Trí tuệ Phật là cái hằng sáng soi khắp tất cả chỗ, được dụ như mặt trời không chỗ nào là soi chẳng đến. Tại sao? Vì do công phu Thiền định sâu nên khi giác ngộ thì giác ngộ viên mãn. Do giác ngộ viên mãn nên trí tuệ trùm khắp cả mười phương. Đứng về lý thì Trí tuệ Phật không sanh, không diệt không bị hạn cuộc ở thời gian như đã trình bày ở đoạn trước, và ở đây thì nói Trí tuệ Phật không hình, không tướng nên không bị hạn cuộc bởi không gian. Trong kinh thường ví Trí tuệ Phật rộng lớn như hư không, phàm cái gì có hình tướng là có giới hạn, còn hư không không hình tướng nên không ngằn mé, không giới hạn, bởi không giới hạn nên trùm khắp cả mười phương, vì vậy mà đâu đâu cũng thấy được ánh sáng Phật.
Khi chúng sanh còn mê thì Trí tuệ Phật bị hạn cuộc trong thân năm uẩn, bị giới hạn bởi ý niệm thời gian. Khi đã giác ngộ rồi, hết vô minh phiền não thì Trí tuệ Phật bủa khắp tất cả chỗ. Sự kiện này người giác ngộ thì tự biết. Bây giờ chúng ta chỉ lý luận để tạm hiểu chớ chưa phải là thấy thật. Do đó phải nỗ lực tu hành để nhận ra lẽ thật ấy.
CHÁNH VĂN:
7.- Bấy giờ, phương Đông, năm trăm muôn ức các cõi nước, cung điện của trời Phạm thiên ánh sáng soi chói gấp bội hơn ánh sáng thường ngày, các Phạm thiên vương đều tự nghĩ rằng: “Hôm nay cung điện sáng suốt từ xưa chưa từng có, vì nhân duyên gì mà hiện điềm tốt này?” Lúc đó các vị Phạm thiên vương liền đi đến nhau để chung bàn việc đó. Trong chúng có một vị Phạm thiên vương lớn tên Cứu Nhứt Thiết vì các Phạm chúng mà nói kệ rằng:
Các cung điện chúng ta
Sáng suốt chưa từng có
Đây là nhân duyên gì
Phải nên chung nhau tìm
Là trời Đại đức sanh
Hay là Phật ra đời
Mà ánh sáng lớn này
Khắp soi cả mười phương.
Bấy giờ, năm trăm muôn ức cõi nước, các vị Phạm thiên vương cùng chung với cung điện mỗi vị đều lấy đãy đựng các thứ hoa trời, đồng đi đến phương Tây suy tìm tướng sáng đó. Thấy đức Đại Thông Trí Thắng Như Lai ngồi tòa sư tử ở nơi đạo tràng dưới cội bồ-đề, hàng chư thiên, Long vương, càn-thát-bà, khẩn-na-la, ma-hầu-la-dà, nhân và phi nhân... cung kính vây quanh đức Phật, và thấy mười sáu vị vương tử thỉnh Phật chuyển pháp luân; tức thời các vị Phạm thiên vương đầu mặt lạy chưn Phật đi quanh trăm nghìn vòng, liền lấy hoa trời mà rải trên đức Phật.
Hoa của mấy ông rải nhóm như núi Diệu Cao, cùng để cúng dường cây bồ-đề của Phật, cây bồ-đề đó cao mười do-tuần. Cúng dường hoa xong, mỗi vị đem cung điện dâng lên đức Phật mà thưa rằng: “Xin đức Phật đoái thương lợi ích cho chúng con, cung điện dâng cúng đây xin nạp ở.”
Lúc đó, các vị Phạm thiên vương liền ở trước Phật một lòng đồng tiếng dùng kệ khen rằng:
Thế Tôn rất ít có
Khó thể gặp gỡ được
Đủ vô lượng công đức
Hay cứu hộ tất cả
Thầy lớn của trời người
Thương xót ở trong đời
Mười phương các chúng sanh
Khắp đều nhờ lợi ích.
Chúng con cùng theo đến
Năm trăm muôn ức nước
Bỏ vui Thiền định sâu
Vì để cúng dường Phật
Chúng con phước đời trước
Cung điện rất tốt đẹp
Nay đem dưng Thế Tôn
Cúi xin thương nạp thọ.
Bấy giờ, các vị Phạm thiên vương nói kệ khen đức Phật rồi đều thưa rằng: “Cúi xin Thế Tôn chuyển pháp luân, độ thoát chúng sanh mở đường Niết-bàn.”
Khi ấy, các vị Phạm thiên vương một lòng đồng tiếng mà nói kệ rằng:
Thế Hùng Lưỡng Túc Tôn
Cúi xin diễn nói pháp
Dùng sức từ bi lớn
Độ chúng sanh khổ não.
Lúc đó, đức Đại Thông Trí Thắng Như Lai lắng yên nhận lời đó.
8.- Lại nữa các Tỳ-kheo! Phương Đông Nam năm trăm muôn ức cõi nước các vị Phạm thiên vương đều tự thấy cung điện mình ánh sáng chói lòa từ xưa chưa từng có, vui mừng hớn hở sanh lòng hi hữu, liền cùng đến nhau chung bàn việc đó.
Lúc ấy trong chúng đó có một vị Phạm thiên vương tên là Đại Bi, vì các Phạm chúng mà nói kệ rằng:
Việc đó nhân duyên gì
Mà hiện tướng như thế?
Các cung điện chúng ta
Sáng suốt xưa chưa có
Là trời Đại đức sanh
Hay là Phật ra đời?
Chưa từng thấy tướng này
Nên chung một lòng cầu
Quá nghìn muôn ức cõi
Theo luồng sáng tìm đó
Phần nhiều Phật ra đời
Độ thoát khổ chúng sanh.
Bấy giờ, năm trăm muôn ức các vị Phạm thiên vương cùng chung với cung điện, lấy đãy đựng các thứ hoa trời, đồng đến phương Tây Bắc suy tìm tướng đó. Thấy đức Đại Thông Trí Thắng Như Lai ngồi tòa sư tử nơi đạo tràng dưới cội bồ-đề, các hàng chư thiên, Long vương, càn-thát-bà, khẩn-na-la, ma-hầu-la-dà, nhân cùng phi nhân v.v... cung kính vây quanh, và thấy mười sáu vị vương tử thỉnh Phật chuyển pháp luân.
Khi ấy, các vị Phạm thiên vương đầu mặt lạy chưn Phật, đi quanh trăm nghìn vòng... liền lấy hoa trời mà rải trên Phật. Hoa rải đó nhóm như núi Diệu Cao, cùng để cúng dường cây bồ-đề của Phật. Cúng dường hoa xong, đều đem cung điện dâng lên đức Phật mà thưa rằng: “Xin Phật thương xót lợi ích cho chúng con, những cung điện dâng đây cúi xin nhận ở.”
Lúc đó, các vị Phạm thiên vương liền ở trước Phật một lòng đồng tiếng nói kệ khen rằng:
Thánh Chúa vua trong trời
Tiếng ca-lăng-tần-già
Thương xót hàng chúng sanh
Chúng con nay kính lễ.
Thế Tôn rất ít có
Lâu xa một lần hiện
Một trăm tám mươi kiếp
Luống qua không có Phật
Ba đường dữ dẫy đầy
Các chúng trời giảm ít.
Nay Phật hiện ra đời
Làm mắt cho chúng sanh
Chỗ qui thú của đời
Cứu hộ cho tất cả
Là cha của chúng sanh
Thương xót làm lợi ích
Nhờ phước lành đời trước
Nay được gặp Thế Tôn.
Khi đó, các vị Phạm thiên vương nói kệ khen Phật xong đều thưa rằng: “Cúi xin đức Thế Tôn thương xót tất cả chuyển pháp luân cho, để độ thoát chúng sanh.”
Lúc ấy, các vị Phạm thiên vương một lòng đồng tiếng mà nói kệ khen rằng:
Đại Thánh chuyển pháp luân
Chỉ bày các pháp tướng
Độ chúng sanh đau khổ
Khiến được rất vui mừng
Chúng sanh nghe pháp này
Được đạo hoặc sanh thiên
Các đường dữ giảm ít
Bậc nhẫn thiện thêm nhiều.
Khi đó, đức Đại Thông Trí Thắng Phật lặng yên nhận lời.
9.- Lại nữa các Tỳ-kheo! Năm trăm muôn ức cõi nước ở phương Nam các vị Đại Phạm vương đều tự thấy cung điện mình ánh sáng chói lòa từ xưa chưa có, vui mừng hớn hở sanh lòng hi hữu liền đến cùng nhau chung bàn việc đó. Vì nhân duyên gì cung điện của chúng ta có ánh sáng chói này?
Trong chúng đó có một vị Phạm thiên vương lớn tên là Diệu Pháp, vì hàng Phạm chúng mà nói kệ rằng:
Các cung điện chúng ta
Quang minh rất oai diệu
Đây không phải không nhân
Tướng này phải tìm đó
Quá hơn trăm nghìn kiếp
Chưa từng thấy tướng này
Là trời Đại đức sanh
Hay đức Phật ra đời?
Bấy giờ, năm trăm muôn ức Phạm thiên vương cùng cung điện chung, mỗi vị dùng đãy đựng các thứ hoa trời đồng đến phương Bắc suy tìm tướng đó. Thấy đức Đại Thông Trí Thắng Như Lai ngồi tòa sư tử nơi đạo tràng dưới cội cây bồ-đề, hàng chư thiên, Long vương, càn-thát-bà, khẩn-na-la, ma-hầu-la-dà, nhân và phi nhân v.v... cung kính vây quanh, cùng thấy mười sáu vị vương tử thỉnh Phật chuyển pháp luân.
Khi đó, các vị Phạm thiên vương, đầu mặt lễ Phật đi quanh trăm nghìn vòng, liền lấy hoa trời mà rải trên đức Phật. Hoa rải đó nhóm như núi Diệu Cao và để cúng dường cây bồ-đề của Phật. Cúng dường hoa xong, mỗi vị đều đem cung điện dâng lên đức Phật mà thưa rằng: “Xin đức Phật đoái thương lợi ích chúng con, cung điện của chúng con dâng đây cúi xin nạp xử.” Bấy giờ, các vị Đại Phạm thiên vương liền ở trước Phật một lòng đồng tiếng nói kệ khen rằng:
Thế Tôn rất khó thấy
Bậc phá các phiền não
Hơn trăm ba mươi kiếp
Nay mới thấy một lần
Hàng chúng sanh đói khát
Nhờ mưa pháp đầy đủ
Xưa chỗ chưa từng thấy
Đấng vô lượng trí huệ
Như hoa ưu-đàm-bát
Ngày nay mới gặp gỡ
Cung điện của chúng con
Nhờ hào quang được đẹp
Thế Tôn đại từ mẫn
Cúi xin thương nhận ở.
Khi đó, các vị Phạm thiên vương nói kệ khen đức Phật rồi đều bạch rằng: “Cúi mong đức Thế Tôn chuyển pháp luân làm cho tất cả thế gian các hàng trời, ma, Phạm, Sa-môn, Bà-la-môn đều được an ổn mà được độ thoát.”
Lúc ấy, các vị Phạm thiên vương một lòng đồng tiếng nói kệ rằng:
Cúi mong Thiên Nhân Tôn
Chuyển pháp luân Vô thượng
Đánh vang pháp cổ lớn
Mà thổi pháp loa lớn
Khắp rưới pháp vũ lớn
Độ vô lượng chúng sanh
Chúng con đều qui thỉnh
Nên nói tiếng sâu xa.
Khi đó, đức Đại Thông Trí Thắng lặng yên nhận lời đó.
10.- Phương Tây Nam nhẫn đến phương dưới cũng lại như thế.
Bấy giờ, năm trăm muôn ức cõi nước ở Thượng phương, các vị Đại Phạm thiên vương thảy đều tự thấy cung điện của mình ở ánh sáng chói rực từ xưa chưa từng có, vui mừng hớn hở sanh lòng hi hữu, liền đi đến nhau để chung bàn việc đó. Vì nhân duyên gì cung điện của chúng ta có ánh sáng này? Lúc đó, trong chúng có một vị Đại Phạm thiên vương tên là Thi-khí vì hàng Phạm chúng mà nói kệ rằng:
Nay vì nhân duyên gì
Cung điện của chúng ta
Ánh sáng oai đức chói
Đẹp đẽ chưa từng có
Tướng tốt như thế đó
Xưa chưa từng nghe thấy
Là trời Đại đức sanh
Hay là Phật ra đời?
Bấy giờ, năm trăm muôn ức các vị Phạm thiên vương cùng cung điện chung, mỗi vị đều dùng đãy đựng các thứ hoa trời đồng đến phương dưới suy tìm tướng sáng đó. Thấy đức Đại Thông Trí Thắng Như Lai ngồi tòa sư tử nơi đạo tràng dưới cội bồ-đề, hàng chư thiên, Long vương, càn-thát-bà, khẩn-na-la, ma-hầu-la-dà, nhân và phi nhân v.v... cung kính vây quanh và thấy mười sáu vị vương tử thỉnh đức Phật chuyển pháp luân.
Lúc đó, các vị Phạm thiên vương đầu mặt lạy Phật đi quanh trăm nghìn vòng, liền lấy hoa trời rải trên đức Phật. Hoa rải nhóm như núi Diệu Cao và để cúng dường cây bồ-đề của Phật. Cúng dường hoa xong, đều đem cung điện dâng lên đức Phật mà bạch rằng: “Xin đoái thương lợi ích chúng con. Cung điện dâng đây cúi mong Phật nhận ở.”
Lúc đó, các vị Phạm thiên vương liền ở trước Phật một lòng đồng tiếng dùng kệ khen rằng:
Hay thay! Thấy các Phật
Đấng Thánh Tôn cứu thế
Hay ở ngục tam giới
Cứu khỏi các chúng sanh
Thiên Nhân Tôn trí khắp
Thương xót loài quần manh
Hay khai môn cam lồ
Rộng độ cho tất cả.
Lúc xưa vô lượng kiếp
Luống qua không có Phật
Khi Phật chưa ra đời
Mười phương thường mờ tối
Ba đường dữ thêm đông
A-tu-la cũng thạnh
Các chúng trời càng bớt
Chết nhiều đọa ác đạo
Chẳng theo Phật nghe pháp
Thường làm việc chẳng lành
Sắc, lực, cùng trí huệ
Các việc đều giảm ít
Vì tội nghiệp nhân duyên
Mất vui, cùng tưởng vui
Trụ trong pháp tà kiến
Chẳng biết nghi tắc lành
Chẳng nhờ Phật hóa độ
Thường đọa trong ác đạo.
Phật là mắt của đời
Lâu xa mới hiện ra
Vì thương các chúng sanh
Nên hiện ở trong đời
Siêu việt thành Chánh giác
Chúng con rất mừng vui
Và tất cả chúng khác
Mừng khen chưa từng có.
Cung điện của chúng con
Nhờ hào quang nên đẹp
Nay đem dưng Thế Tôn
Cúi mong thương nhận ở.
Nguyện đem công đức này
Khắp đến cho tất cả
Chúng con cùng chúng sanh
Đều đồng thành Phật đạo.
Khi đó, năm trăm muôn ức các vị Phạm thiên vương nói kệ khen đức Phật rồi, đều bạch Phật rằng: “Cúi mong đức Thế Tôn chuyển pháp luân, nhiều chỗ an ổn, nhiều chỗ độ thoát.” Lúc ấy, các vị Phạm thiên vương đồng nói kệ rằng:
Thế Tôn chuyển pháp luân
Đánh trống pháp cam lồ
Độ chúng sanh khổ não
Mở bày đường Niết-bàn
Cúi mong nhận lời con
Dùng tiếng vi diệu lớn
Thương xót mà nói bày
Pháp tu vô lượng kiếp.
GIẢNG:
Phật vì muốn đưa mình và chúng sanh ra khỏi khổ luân hồi sanh, lão, bệnh, tử, mới xuất gia tu hành. Khi thành Phật rồi sao Ngài không đi giáo hóa cứu độ chúng sanh hết khổ, mà đợi khuyến thỉnh mới ra nói pháp? Thái độ này không riêng gì đức Đại Thông Trí Thắng Như Lai mà ngay cả đức Thích-ca cũng vậy, Phật có thiếu từ bi chăng? Theo tâm lý thông thường thì những gì mà người đời không ưa thích, chưa biết giá trị, dù vật có quí giá đem cho, họ vẫn không trọng. Hơn thế nữa, Phật pháp cao siêu vượt ngoài sự hiểu biết thông thường của con người, nên khó nói, khó hiểu, khó nhận. Cái cao quí, khó nói khó hiểu khó nhận, nếu đem cho một cách dễ dàng thì sẽ bị khinh thường, khi đã khinh thường thì người không cố gắng tu học để được lợi ích. Phật sẵn sàng cho nhưng người nhận phải thiết tha mong cầu. Đã thiết tha mong cầu thì khi nhận mới chịu áp dụng tu hành, có tu mới lợi ích. Vì vậy khi Phật thành đạo, đợi mấy phen thưa thỉnh Ngài mới chuyển pháp luân.
Trí tuệ Phật trùm khắp tất cả chỗ, chúng sanh trong mười phương được soi sáng, nên tìm đến để cúng dường hương hoa cùng cung điện, xin Phật nạp thọ và cung thỉnh Phật chuyển pháp luân.
Trong phần này có đề cập đến những chúng sanh không theo Phật nghe pháp, thường làm việc ác nên sắc, lực cùng trí tuệ đều suy giảm. Tại sao? Vì người tạo nghiệp ác là do thiếu trí tuệ nên tâm không sáng, vì tâm không sáng nên hiện ra tướng bên ngoài u tối, và sức lực yếu kém, do quả báo sát sanh hại vật chiêu cảm mà nên. Đồng là người sanh ra trong cõi đời mà người thì sắc diện trí tuệ sáng suốt, sức lực khỏe mạnh, kẻ thì sắc diện tối, sức lực yếu kém, đó là kết quả do tạo nghiệp ác hay nghiệp lành mà nên.
“Vì tội nghiệp nhân duyên, mất vui cùng tưởng vui.” Tội nghiệp đây không có nghĩa là thương xót theo tình cảm thông thường của chúng ta mà là thân, khẩu, ý tạo nghiệp gây tội, do nghiệp và tội đó là nhân là duyên cho nên “mất vui cùng tưởng vui”. Mất vui cùng tưởng vui là sao? Vì nhân duyên gây tạo nghiệp xấu ác nên có tội, vì có tội nên không được hưởng thú vui ở thế gian, không được vui mà lòng vẫn ham muốn, do lòng ham muốn nên cứ mơ tưởng đến lạc thú. Đó là do tội nghiệp mà ra vậy.
“Trụ trong pháp tà kiến, chẳng biết nghi tắc lành, chẳng nhờ Phật hóa độ, thường đọa trong ác đạo.” Có những chúng sanh thấy biết lệch lạc sai lầm, không biết điều thiện việc lành, cái không đáng nghĩ cứ nghĩ, việc không nên làm cứ làm, không có duyên với Phật nên không được Phật hóa độ. Vì vậy mà đọa trong đời ác. Phật là bậc trí tuệ dẫn dắt đưa chúng sanh ra khỏi chỗ mê lầm tối tăm nên nói Phật là mắt của đời.
Tóm lại, mười sáu vị vương tử cho đến mười phương tất cả Phạm thiên đều đến cúng dường tán thán Phật, và cầu thỉnh Phật thương xót chuyển pháp luân độ cho chúng sanh được thành Phật.
CHÁNH VĂN:
11.- Lúc bấy giờ, đức Đại Thông Trí Thắng Như Lai nhận lời thỉnh của các Phạm thiên vương và mười sáu vị vương tử tức thời ba phen chuyển pháp luân mười hai hành hoặc là Sa-môn, Bà-la-môn, hoặc là trời, ma, Phạm và các thế gian khác đều không thể chuyển được, nói: đây là khổ, đây là khổ tập, đây là khổ diệt, đây là đạo diệt khổ.
Và rộng nói pháp Mười hai nhân duyên: vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc, danh sắc duyên lục nhập, lục nhập duyên xúc, xúc duyên thọ, thọ duyên ái, ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sanh, sanh duyên lão, tử, ưu bi, khổ não.
Vô minh diệt thời hành diệt, hành diệt thời thức diệt, thức diệt thời danh sắc diệt, danh sắc diệt thời lục nhập diệt, lục nhập diệt thời xúc diệt, xúc diệt thời thọ diệt, thọ diệt thời ái diệt, ái diệt thời thủ diệt, thủ diệt thời hữu diệt, hữu diệt thời sanh diệt, sanh diệt thời lão, tử, ưu bi, khổ não diệt.
Đức Phật ở trong đại chúng trời, người khi nói pháp đó có sáu trăm muôn ức na-do-tha người do vì không thọ tất cả pháp mà ở các lậu tâm được giải thoát, đều được Thiền định sâu mầu, ba món minh, sáu món thông, đủ tám giải thoát.
Lúc nói pháp lần thứ hai, lần thứ ba, lần thứ tư, có nghìn muôn ức hằng hà sa na-do-tha chúng sanh cũng bởi không thọ tất cả pháp mà nơi các lậu tâm được giải thoát. Từ đây nhẫn sau các chúng Thanh văn nhiều vô lượng vô biên, không thể tính kể được.
GIẢNG:
Đức Phật Đại Thông Trí Thắng ở thời xa xưa khi bắt đầu giáo hóa cũng dùng phương tiện nói pháp Tứ đế gọi là “Tam chuyển pháp luân, Thập nhị hành”. Tam chuyển pháp luân là Thị chuyển, Khuyến chuyển, Chứng chuyển. Thị chuyển là Phật chỉ rõ bốn lẽ thật có tánh cách khách quan: đây là khổ, đây là khổ tập, đây là khổ diệt, đây là đạo diệt khổ. Khuyến chuyển là Phật khuyên năm vị Tỳ-kheo xưa chưa từng nghe, nay cần phải biết hãy chánh tư duy để phát sanh trí tuệ: đây là khổ các ông phải biết, đây là tập các ông phải đoạn, đây là diệt các ông phải chứng, đây là đạo các ông phải tu. Chứng chuyển, Phật nói đối với pháp Tứ đế Ngài đã biết, đã tu, đã đoạn và đã chứng. Đây là khổ ta đã biết, đây là khổ tập ta đã đoạn, đây là khổ diệt ta đã chứng, đây là khổ đạo ta đã tu. Phật nói về Tứ đế ba lần là Thị chuyển, Khuyến chuyển, Chứng chuyển mỗi lần đều lặp lại bốn đế, ba lần lặp lại, thành muời hai. Nên nói Thập nhị hành. Lần thứ nhất chưa hiểu nói cho hiểu, lần thứ hai hiểu rồi phải tu, lần thứ ba tu rồi để chứng.
Đức Phật thuyết pháp rất cụ thể, mỗi khi Ngài nói điều gì thì điều đó Ngài đã biết rõ, đã thực hành và được lợi ích, khuyên người nên làm để được lợi ích như Ngài, nên lời Phật dạy rất có giá trị được coi là chân lý. Chúng ta ngày nay nói pháp, chỉ lý thuyết suông thiếu cụ thể, có khi lại mâu thuẫn nữa. Vì vậy tốn công rất nhiều mà kết quả rất ít. Điều mình dạy người mà chính bản thân mình chưa thực hành được thì làm sao có đủ kinh nghiệm, đủ lòng tin, để hướng dẫn người? Trên đây là Phật chuyển pháp luân, chúng ta chớ lầm lối chuyển luân xa của ngoại đạo là dẫn điện chạy từ rún qua xương cùng, rồi theo xương sống chạy lên đầu xuống rún trở lại, dẫn điện chạy vòng vòng trong người gọi là chuyển luân xa. Hiện tại có nhiều người mang hình thức tu sĩ Phật giáo đầu tròn áo vuông vẫn tin và tu theo, thật là một việc đáng tiếc! Danh từ Phật giáo bị ngoại đạo lợi dụng, thế mà người tu Phật không biết lại thực hành theo!
Kế đến là Phật nói pháp Mười hai nhân duyên là vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc, danh sắc duyên lục nhập... cho tới sanh duyên lão tử, ưu bi khổ não, đó là chiều lưu chuyển. Còn chiều hoàn diệt là vô minh diệt thì hành diệt, hành diệt thì thức diệt... cho tới sanh diệt thì lão tử diệt, ưu bi khổ não không còn. Căn cứ vào Mười hai pháp nhân duyên thì đầu mối của luân hồi sanh tử là vô minh. Từ vô minh dẫn tới hành rồi thúc đẩy thức đi thọ sanh, khi có bào thai thì có danh sắc, có danh sắc thì có lục nhập... Cứ như vậy tạo nghiệp rồi trở lại sanh, liên miên không cùng tận. Muốn dứt vòng luân hồi đó là phải diệt vô minh, làm cho trí tuệ bừng sáng thì hết tạo nghiệp tức là hành diệt, nếu hết tạo nghiệp thì thức không còn đi thọ sanh, nên thức diệt... Nhưng mà vô minh gốc, thuộc về quá khứ không thể diệt, phải đoạn vô minh hiện tại là ái, thủ, hữu; nếu ái, thủ, hữu dứt thì vô minh gốc cũng không còn. Vậy làm thế nào phá vô minh? Mọi nguời ai cũng thấy thân này là thật, thấy vọng tưởng là thật, thấy cảnh vật là thật. Dùng trí Bát-nhã quán chiếu thấy thân này do duyên hợp tạm có, vọng tưởng cũng là tướng duyên hợp chợt hiện chợt mất, cảnh vật cũng là tướng duyên hợp không thật. Khi thấy thân này không thật, vọng tưởng không thật, cảnh vật không thật thì ái, thủ, hữu theo đó mà dứt. Như vậy vô minh diệt thì hành diệt ngay trong đời này. Đó là dùng trí tuệ phá dẹp vô minh để thoát khỏi luân hồi sanh tử. Nhưng từ đâu mà thắp sáng trí tuệ? Kinh A-hàm Phật có dạy chư Tỳ-kheo: “Các ông hãy tự thắp đuốc lên mà đi, thắp đuốc lên với chánh pháp.” Chánh pháp Phật dạy được kết tập lại thành Tam tạng giáo điển, chúng ta học hiểu và thực hành theo lời Phật dạy bằng cách giữ giới luật, tu Thiền quán, trí tuệ bừng sáng, không còn thấy biết mê mờ, không tạo nghiệp dẫn đi trong luân hồi sanh tử, đó là tự thắp đuốc lên với chánh pháp để phá vô minh. Đạo Phật chủ trương phát huy trí tuệ để dẹp vô minh, vì vậy trong tất cả thời khóa tụng niệm ở trong chùa đều có tụng Bát-nhã Tâm Kinh. Bát-nhã Tâm Kinh là kinh dạy cho chúng ta dùng trí thấy đúng như thật về thân, về tâm, về pháp. Bất cứ pháp tu nào cũng phải có trí tuệ, để phá vô minh mới dứt luân hồi sanh tử. Trước tự mình tu, sau là giáo hóa cho người tu, hết vô minh thoát ly sanh tử luân hồi. Đó là mồi đuốc chánh pháp, hay nói theo tinh thần Thiền tông là truyền đăng tục diệm.
Sau đây Phật lại dạy: “Do không thọ tất cả pháp mà ở các lậu tâm được giải thoát, đều được Thiền định sâu mầu ba món minh, sáu món thông, đủ tám giải thoát.” Không thọ tất cả các pháp là sao? Kinh Phạm Động trong Trường A-hàm có ghi lại giai đoạn Phật đi du hóa gặp hai người Phạm chí, thầy thì dùng đủ cách để chê Phật, trò cũng dùng đủ cách để khen Phật. Khi về tinh xá Phật dạy các Tỳ-kheo: Nếu gặp người hủy báng Phật, Pháp, Tăng, các ngươi chớ sanh oán giận, hoặc có ác ý với người ta, vì như vậy sẽ bị hãm nịch. Và khi gặp người khen ngợi tán thán Phật, Pháp, Tăng, các ngươi lấy đó làm vui mừng kiêu hãnh cũng bị hãm nịch. Vì khi vui mừng kiêu hãnh hay oán giận có ác ý thì không thấy đúng lẽ thật, mờ tối không có trí tuệ nên bi ưu khổ não bủa vây.
Phật lại nói tiếp, người chỉ căn cứ vào hình thức giới tướng như ăn một ngày một bữa, mặc chỉ ba y, đêm thức nhiều ngủ ít, hành hạnh khất thực... Phật nói người khen Ngài như vậy là chưa hiểu Ngài. Chỗ đáng khen của Ngài chỉ có các bậc A-la-hán mới biết để khen là: “Ngài biết tất cả pháp mà không thọ.” Thế nào là không thọ? Sáu căn mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, tiếp xúc với sáu trần sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp không thọ nhận. Mắt thấy cảnh, thấy người biết là cảnh là người, chớ không thấy cảnh đẹp người đẹp thì ưa thích, thấy cảnh xấu người xấu thì ghét bỏ, đó là không thọ. Hoặc tai nghe tiếng khen biết là khen, nghe tiếng chê biết là chê, không nhận tiếng khen khởi tâm vui mừng, không nhận tiếng chê sanh tâm buồn giận, đó là không thọ. Nếu thấy cảnh đẹp người đẹp hay nghe tiếng khen mà sanh lòng ưa thích đó là thọ lạc. Hoặc thấy cảnh xấu người xấu hay tiếng chê mà sanh buồn giận đó là thọ khổ. Tắng ái sở dĩ có là do thọ khổ thọ lạc mà ra. Nếu không có tắng ái làm gì có thủ và hữu đời sau? Nên nói không thọ tất cả là nhân giải thoát.
Nhưng làm sao không thọ? Mắt thấy vật thấy người, biết đẹp biết xấu, tai nghe tiếng khen tiếng chê, biết là khen là chê. Nhưng đẹp xấu khen chê, dùng trí tuệ biết rõ nó là tướng duyên hợp không thật. Đẹp trên tướng giả, xấu trên tướng giả, khen trên tướng giả, chê trên tướng giả. Thấy đúng lẽ thật của các pháp không lầm, không lầm thì không thọ, không thọ thì không nhiễm trước do đó mà được vô lậu giải thoát. Chúng ta vì si mê nên lầm chấp các pháp, chấp các pháp là thọ nên tự trói buộc, sanh vô số phiền não khổ đau, đi mãi trong luân hồi sanh tử.
No comments:
Post a Comment