Lịch sử về các Đức Phật và các chư Bồ Tát sẽ được tìm thấy ở đây. Các bài thuyết pháp cũng sẽ được post lên đây để các Phật tử cùng chia sẽ. Hy vọng mọi người có thể học hỏi và mở mang thêm kiến thức về Phật Pháp.
Friday, February 11, 2011
Kinh Diệu Pháp Liên Hoa giảng giải part 25 (pham11 Hien Bao Thap)
PHẨM 11
HIỆN BẢO THÁP
Như tôi đã nói mục đích Phật nói kinh Pháp Hoa là để khai thị cho chúng sanh ngộ nhập Tri kiến Phật. Phẩm Tựa nói tổng quát trọn bộ kinh. Từ phẩm Phương Tiện đến phẩm Pháp Sư là phần “khai” Phật tri kiến. Những phẩm này Phật dùng những phương tiện thực tế, cũng như các đệ tử Phật dùng những thí dụ cụ thể nói lên chỗ nhận hiểu của các ngài, để minh chứng rằng các ngài đã tin nhận nơi mình có sẵn Tri kiến Phật. Trước tiên là ngài Xá-lợi-phất, kế đến là bốn vị Đại Ca-diếp, Mục-kiền-liên, Tu-bồ-đề, Ca-chiên-diên... sau nữa gồm năm trăm vị A-la-hán, và cuối cùng thì có những vị hữu học vô học như ngài A-nan, La-hầu-la... Phật tùy theo cơ duyên mà thọ ký cho, phần này là phần khai, tức là mở ra cái hướng để nhìn và đi vào.
Phẩm Hiện Bảo Tháp là phần “thị” Phật tri kiến. “Thị” là chỉ cho người thấy (ngộ), “thị” và “ngộ” không rời nhau. Tri kiến Phật tướng trạng như thế nào mà có thể chỉ được? Tri kiến Phật là Tánh giác có sẵn nơi mỗi người, hằng sáng soi mà không hình không tướng, nên khó chỉ khó nhận. Giống như không khí tối cần thiết cho lẽ sống của sanh vật, nhưng không hình không tướng nên khó chỉ; khó chỉ không phải là không có. Vì vậy mà phải mượn những hình ảnh biểu trưng để chỉ cho chúng ta ngầm nhận ra Tri kiến Phật, nên phẩm Hiện Bảo Tháp, phẩm Đề-bà-đạt-đa... nêu lên những hình ảnh biểu trưng cho Tri kiến Phật có sẵn muôn thuở không mất ở nơi mỗi người, khi người tin nhận thì nó hiện tiền. Ở đây mang tính cách giải bày nêu ra phần khai, thị, ngộ, nhập, kỳ thật toàn bộ kinh đều chỉ cho mọi người nhận ra nơi thân năm uẩn này có sẵn Tri kiến Phật chớ không ở nơi nào khác.
CHÁNH VĂN:
1.- Lúc bấy giờ, trước Phật có tháp bằng bảy báu, cao năm trăm do-tuần, ngang rộng hai trăm năm mươi do-tuần, từ dưới đất nổi lên trụ ở giữa hư không; các món vật báu trau dồi, năm nghìn bao lơn, nghìn muôn phòng nhà, vô số tràng phan để nghiêm sức đó, chuỗi ngọc báu rủ xuống, muôn nghìn linh báu treo trên tháp. Bốn mặt đều thoảng đưa ra mùi hương gỗ ly cấu, chiên-đàn khắp cùng cả cõi nước.
Các phan lọng đều dùng bảy thứ báu: vàng, bạc, lưu-ly, xa-cừ, mã não, trân châu và mai khôi hiệp lại thành, cao đến ngang cung trời Tứ thiên vương, trời Đao-lợi rưới hoa mạn-đà-la cúng dường tháp báu.
Các trời khác và rồng, dạ-xoa, càn-thát-bà, a-tu-la, ca-lâu-la, khẩn-na-la, ma-hầu-la-dà, nhân, phi nhân v.v... nghìn muôn ức chúng đều đem tất cả hoa, hương, chuỗi ngọc, phan, lọng, kỹ nhạc mà cúng dường tháp báu, đồng cung kính tôn trọng ngợi khen.
Bấy giờ, trong tháp báu vang tiếng lớn ra khen rằng:
- Hay thay! Hay thay! Đức Thích-ca Mâu-ni Thế Tôn! Có thể dùng huệ lớn bình đẳng vì đại chúng nói kinh Giáo Bồ-tát Pháp Phật Sở Hộ Niệm Diệu Pháp Liên Hoa. Đúng thế! Đúng thế! Đức Thích-ca Mâu-ni Thế Tôn! Như lời Phật nói đó, đều là chân thật.
GIẢNG:
Tới đây Phật nêu lên hình ảnh một tháp bằng bảy báu, từ dưới đất nổi lên trụ giữa hư không, rồi từ trong tháp đó vang ra tiếng khen Phật Thích-ca nói kinh Pháp Hoa là đúng là chân thật. Tháp bảy báu là tượng trưng cho cái thân hình thành bằng thất đại: đất, nước, gió, lửa, không, thức, kiến. Khi “ngộ”, nhận ra Tri kiến Phật thì nó thanh tịnh trở thành thất bảo, nếu còn mê Tri kiến Phật, tâm uế trược thì nó là thất đại. Tại sao tháp bảy báu này nổi lên trụ ở giữa hư không mà không trụ ở mặt đất? Ở phẩm Pháp Sư, Phật có nói người giảng kinh Pháp Hoa phải có đủ ba điều kiện là từ bi, nhẫn nhục và trí tuệ rõ biết tất cả pháp Không. Trụ trong hư không là ngồi tòa Như Lai, với Trí tuệ Bát-nhã thấy tất cả các pháp Tự tánh là Không. Thấy được như thế mới chuyển thất đại thành thất bảo. Ngay trong thất đại có sẵn Tri kiến Phật, đoạn sau biểu trưng bằng Phật Đa Bảo, nếu gặp duyên khai mở thì nó hiện ra rỡ ràng, nên nói ở trong tháp bảy báu vang ra tiếng khen Phật Thích-ca nói kinh Pháp Hoa đúng và chân thật. Kinh Pháp Hoa chính là Tri kiến Phật, chư Phật đời quá khứ cũng ngộ Tri kiến Phật, chư Phật đời hiện tại, đời vị lai cũng ngộ Tri kiến Phật không khác.
CHÁNH VĂN:
2.- Bấy giờ, bốn chúng thấy tháp báu lớn trụ trong hư không, lại nghe trong tháp vang tiếng nói ra, đều được pháp hỉ, lấy làm lạ chưa từng có, liền từ chỗ ngồi đứng dậy cung kính chấp tay rồi đứng một bên.
Lúc đó, có vị đại Bồ-tát tên Đại Nhạo Thuyết, biết lòng nghi của tất cả trời, người, a-tu-la v.v... trong thế gian mà bạch Phật rằng:
- Bạch Thế Tôn! Do nhân duyên gì mà có tháp này từ đất nổi lên, lại ở trong tháp vang ra tiếng như thế?
Lúc đó, Phật bảo ngài Đại Nhạo Thuyết Bồ-tát:
- Trong tháp báu này có toàn thân Như Lai, thời quá khứ về trước, cách đây vô lượng nghìn muôn ức vô số cõi nước ở phương Đông, có nước tên Bảo Tịnh, trong nước đó có Phật hiệu là Đa Bảo, đức Phật đó tu hành đạo Bồ-tát phát lời thệ nguyện lớn rằng: “Nếu ta được thành Phật sau khi diệt độ trong cõi nước ở mười phương có chỗ nào nói kinh Pháp Hoa, thời tháp miếu của ta vì nghe kinh đó mà nổi ra nơi trước để làm chứng minh khen rằng: Hay thay!”
Đức Phật đó thành Phật rồi lúc sắp diệt độ ở trong đại chúng, trời, người, bảo các Tỳ-kheo rằng: “Sau khi ta diệt độ muốn cúng dường toàn thân của ta thời nên dựng một tháp lớn.”
Đức Phật đó dùng sức nguyện thần thông nơi nơi chỗ chỗ trong mười phương cõi nước, nếu có nói kinh Pháp Hoa, thời tháp báu đó đều nổi ra nơi trước, toàn thân Phật ở trong tháp khen rằng: “Hay thay! Hay thay!”
Đại Nhạo Thuyết! Nay tháp của Đa Bảo Như Lai vì nghe nói kinh Pháp Hoa nên từ dưới đất nổi lên khen rằng: “Hay thay! Hay thay!”
GIẢNG:
Từ trước những người đứng ra thưa hỏi là những vị Thanh văn, La-hán có trong lịch sử. Tới đây là phần “thị” Phật tri kiến dùng hình ảnh biểu trưng để chỉ, nên người đứng ra thưa hỏi cũng là vị Bồ-tát biểu trưng tên là Đại Nhạo Thuyết. Ngài đứng ra thưa hỏi nguyên do nào tháp nổi lên trụ giữa hư không và vang ra tiếng như vậy?
Ngài được đức Phật giải thích rằng, trong tháp báu ấy có toàn thân Như Lai. Thời quá khứ xa xưa, về phương Đông có cõi nước tên là Bảo Tịnh, Phật hiệu Đa Bảo tu hạnh Bồ-tát, có lời thệ nguyện là sau khi Ngài diệt độ, nơi nào nói kinh Pháp Hoa thì tháp Ngài sẽ nổi lên ở trước để nghe kinh và chứng minh. Đây lại nêu lên hình ảnh tượng trưng nữa. Phật đã thành Phật mà còn nghe pháp là chuyện thừa, vì đã là bậc vô học rồi đâu còn cần nương pháp để học để tu. Tại sao Phật Đa Bảo đã niết-bàn rồi mà còn nguyện nghe pháp và chứng minh pháp hội đó? Rõ ràng là ý nghĩa biểu trưng! Đa Bảo là nhiều báu, Bảo Tịnh là của báu trong sạch, nước Phật và hiệu Phật đều là quí báu, những món quí báu đều chỉ cho Tri kiến Phật. Tri kiến Phật thanh tịnh, sáng suốt không bị thời gian không gian chi phối, rất tôn quí nên nói là báu. Ở đây Phật Đa Bảo là chỉ cho Tri kiến Phật, hay Phật pháp thân, mà Phật pháp thân thì thanh tịnh ở ngay nơi thân thất đại của mỗi người, nên tượng trưng bằng cõi nước Bảo Tịnh. Thí dụ con người chúng ta tâm đang bị phiền não chi phối, thường tạo những ác nghiệp nên thường lộ ra dáng vẻ tối tăm nặng nề, nếu tâm thường an vui sáng suốt, thường tạo nghiệp lành thì lộ ra dáng vẻ tươi sáng thanh tịnh. Vì vậy ở đây nói tâm thanh tịnh thì hiện ra thân cũng thanh tịnh, nên nói là báu.
CHÁNH VĂN:
3.- Bấy giờ, ngài Đại Nhạo Thuyết Bồ-tát do sức thần của đức Như Lai mà bạch Phật rằng:
- Bạch Thế Tôn! Chúng con nguyện muốn thấy thân của đức Phật đó.
Phật bảo ngài Đại Nhạo Thuyết Bồ-tát Ma-ha-tát:
- Phật Đa Bảo đó có nguyện sâu nặng: “Nếu lúc tháp báu của ta vì nghe kinh Pháp Hoa mà hiện ra nơi trước các đức Phật, có Phật nào muốn đem thân ta chỉ bày cho bốn chúng, thời các vị Phật của Phật đó phân thân ra nói pháp ở các cõi nước trong mười phương đều phải nhóm cả một chỗ, vậy sau thân của ta mới hiện ra.”
Đại Nhạo Thuyết! Các vị Phật của ta phân thân nói pháp ở các cõi nước trong mười phương nay nên sẽ nhóm lại.
Ngài Đại Nhạo Thuyết bạch Phật rằng:
- Thưa Thế Tôn! Chúng con cũng nguyện muốn thấy các vị Phật của Thế Tôn phân thân để lễ lạy cúng dường.
GIẢNG:
Đến đây, chúng ta càng thêm sáng tỏ là, đức Phật Đa Bảo có nguyện rằng khi tháp Ngài hiện ra trong hội nghe kinh Pháp Hoa, đức Phật giảng kinh Pháp Hoa trong thời đó, muốn cho tứ chúng thấy được thân của Ngài thì, các Hóa thân của Phật đó đang phân đi giáo hóa ở khắp nơi phải tụ hội về một chỗ, ngồi yên lại, mở tháp ra mới thấy được thân của Ngài. Nếu mà phân thân Phật đi làm Phật sự chưa tụ hội về thì không thể mở tháp được, và cũng không thấy toàn thân của Phật Đa Bảo được. Lời nguyện này có ý nghĩa gì? Phật pháp thân tức là Phật Đa Bảo, Phật báo thân là chỉ cho thân Phật Thích-ca giáng sanh ở Ấn Độ, Phật hóa thân hay Ứng thân là những thân Phật phân ra đi nói pháp ở các cõi trong mười phương. Muốn thấy được Phật Đa Bảo thì các Hóa thân phải cùng qui hội về nhập Pháp thân là thấy rõ toàn thân Ngài. Đoạn sau sẽ nói rõ ý này.
CHÁNH VĂN:
4.- Bấy giờ, Phật phóng một lằn sáng nơi lông trắng giữa chặng mày, liền thấy năm trăm muôn ức na-do-tha hằng hà sa cõi nước ở phương Đông. Các cõi nước đó đều dùng pha lê làm đất, cây báu, y báu để làm đồ trang nghiêm, vô số nghìn muôn ức Bồ-tát đầy dẫy trong nước đó. Khắp nơi giăng màn báu, lưới báu phủ trên, đức Phật trong nước đó đều dùng tiếng lớn tốt mà nói các pháp, và thấy vô lượng nghìn muôn ức Bồ-tát khắp đầy trong nước đó vì chúng sanh mà nói pháp. Phương Nam, Tây, Bắc, bốn phía trên dưới chỗ tướng sáng lông trắng chiếu đến cũng lại như thế.
Lúc đó, các Phật ở mười phương đều bảo chúng Bồ-tát rằng: “Thiện nam tử! Ta nay phải qua thế giới Ta-bà, chỗ của đức Thích-ca Mâu-ni Phật, cùng để cúng dường tháp báu của Đa Bảo Như Lai.”
5.- Lúc bấy giờ, cõi Ta-bà liền biến thành thanh tịnh, đất bằng lưu-ly, cây báu trang nghiêm, vàng ròng làm dây để giăng ngăn tám đường, không có các tụ lạc làng xóm, thành ấp, biển cả, sông ngòi, núi sông cùng rừng. Đốt hương báu lớn, hoa mạn-đà-la trải khắp cõi đất, dùng lưới màn báu giăng trùm ở trên, treo những linh báu, chỉ lưu lại chúng trong hội này, dời các trời người để ở cõi khác.
Lúc đó, các đức Phật đều đem theo một vị Bồ-tát lớn để làm Thị giả qua cõi Ta-bà đều đến dưới cây báu, mỗi mỗi cây báu cao năm trăm do-tuần, nhánh lá bông trái thứ lớp rất trang nghiêm. Dưới các cây báu đều có tòa sư tử cao năm do-tuần cũng dùng đồ báu tốt mà trau dồi đó.
Khi ấy, các đức Phật đều ngồi xếp bằng trên tòa này, như thế lần lựa đến khắp đầy cả cõi tam thiên đại thiên mà ở nơi thân của đức Thích-ca Mâu-ni Phật phân ra trong một phương vẫn còn chưa hết.
Bấy giờ, đức Thích-ca Mâu-ni vì muốn dung thọ các vị Phật của mình phân thân, nên ở tám phương lại biến thành hai trăm muôn ức na-do-tha cõi nước, đều làm cho thanh tịnh, không có địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh cùng a-tu-la, lại cũng dời các hàng trời người để ở cõi khác.
Những nước của Phật biến hóa ra đó cũng dùng lưu-ly làm đất, cây báu trang nghiêm cao năm trăm do-tuần, nhánh lá bông trái đều có thứ lớp tốt đẹp, dưới cây đều có tòa báu sư tử cao năm do-tuần, dùng các thứ báu để trau dồi. Những nước đó cũng không có biển cả sông ngòi và các núi lớn: núi Mục-chân-lân-đà, núi Thiết Vi, núi Đại Thiết Vi, núi Tu-di v.v... thông làm một cõi nước Phật, đất báu bằng thẳng, các báu xen lẫn nhau làm màn trùm khắp ở trên, treo các phan lọng, đốt hương báu lớn, các hoa trời báu trải khắp trên đất.
Đức Thích-ca Mâu-ni Phật vì các Phật sẽ đến ngồi, nên ở nơi tám phương lại đều biến thành hai trăm muôn ức na-do-tha cõi nước, đều làm cho thanh tịnh, không có địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh và a-tu-la, lại dời các hàng trời người để ở cõi khác. Những nước biến hóa ra đó cũng dùng lưu-ly làm đất, cây báu trang nghiêm, cao năm trăm do-tuần, nhánh, lá, bông, trái thứ tự tốt đẹp, dưới cây đều có tòa sư tử bằng báu cao năm do-tuần, cũng dùng chất báu tốt mà trau dồi đó.
Những nước này cũng không có biển cả sông ngòi và các núi lớn: núi Mục-chân-lân-đà, núi Đại Mục-chân-lân-đà, núi Thiết Vi, núi Đại Thiết Vi, núi Tu-di v.v... thông lại làm một cõi nước Phật đất báu bằng thẳng, các báu đương xen lẫn nhau thành màn trùm khắp ở trên, treo các phan lọng, đốt hương báu tốt, các thứ hoa trời báu trải khắp trên đất.
Bấy giờ, ở phương Đông, các đức Phật trong trăm nghìn muôn ức na-do-tha hằng hà sa cõi nước của đức Thích-ca Mâu-ni Phật phân thân ra, thảy đều nói pháp đến nhóm ở cõi này. Tuần tự như thế, các đức Phật trong cõi nước ở mười phương thảy đều đến nhóm ngồi ở tám phương. Bấy giờ, mỗi mỗi phương các đức Như Lai ngồi khắp đầy trong bốn trăm muôn ức na-do-tha cõi nước.
GIẢNG:
Đức Phật Thích-ca được đại chúng yêu cầu họp các Hóa thân Phật của Ngài về, để chúng chiêm ngưỡng và được thấy đức Phật Đa Bảo ở trong tháp. Bấy giờ Phật Thích-ca từ giữa chặng mày phóng ra một luồng hào quang sáng qua vô số cõi nước ở phương Đông, Nam, Tây, Bắc... Các Hóa thân Phật thấy hào quang liền biết Phật muốn mình qui hội về, tuần tự các ngài rủ nhau về. Khi vô số Hóa thân Phật đều qui hội về thì cõi Ta-bà này được dẹp hết các loài trời, người, a-tu-la, súc sanh, ngạ quỉ, địa ngục, chỉ còn một cõi thanh tịnh, hiện ra các tòa báu để cho Hóa thân Phật an trụ. Khi Hóa thân Phật an trụ xong thì Phật mới mở cửa tháp cho đại chúng thấy Phật Đa Bảo. Chúng ta phải hiểu như thế nào về ba đức Phật này? Trong kinh Pháp Bảo Đàn, Lục Tổ có nói về ba thân Phật như sau:
Pháp thân khởi niệm; Pháp thân là Tự tánh pháp thân, khởi niệm là Hóa thân. Khi khởi niệm mà không dính không kẹt hai bên có không, tà chánh v.v... là Báo thân thanh tịnh. Thân tuy nói là ba nhưng cùng một Thể. Pháp thân là chỉ cho Tự tánh thanh tịnh của chính mình, Báo thân là chỉ cho tâm thanh tịnh lìa chấp hai bên, còn niệm tưởng dấy từ tâm gọi là Hóa thân. Như chúng ta mỗi ngày khởi vô số nghĩ tưởng hết chuyện xưa đến chuyện nay, hết chuyện thiện tới chuyện ác, hết chuyện bên Đông tới chuyện bên Tây... Đó là Hóa thân của chúng ta, vì chúng ta là phàm phu nên Hóa thân không đi giáo hóa chúng sanh, mà là đi phá phách chọc ghẹo chúng sanh, chớ không làm được điều gì hay. Ví dụ như đang tu, bỗng dưng khởi lên những niệm rất trần tục đó là phá phách chớ gì? Chư Phật đã giác ngộ thấy nơi nào chúng sanh có duyên liền khởi nguyện đến giáo hóa. Phật khởi niệm, khởi trong giác ngộ chớ không khởi trong mê mờ như chúng sanh. Do đó chúng sanh có vô số phiền não, Phật cũng có vô số Hóa thân để giáo hóa. Bây giờ muốn thấy được Pháp thân Phật thì Hóa thân phải qui về với Báo thân và phải ngồi yên, nghĩa là những Hóa thân tức là những vọng tưởng chạy Đông chạy Tây khắp cả mười phương phải dừng, phải định thì Pháp thân Phật mới hiển hiện, nếu còn vọng tưởng rối loạn thì Pháp thân Phật không hiển hiện. Chúng ta tu hành lúc nào cũng vậy, nếu muốn được giác ngộ thì phải định, tức là sạch hết mọi loạn tưởng rồi mới phát tuệ, tức là nhận ra Tri kiến Phật sẵn có nơi mình. Đây là những hình ảnh biểu trưng, chúng ta chớ kẹt trên danh tướng mà không thấu được lý kinh, rồi không ứng dụng tu hành được.
Đến đây chúng ta thấy có cái gì mâu thuẫn: Tại sao cõi Ta-bà của Phật Thích-ca không thanh tịnh, nào là núi sông, gò nổng, sỏi cát... lộn xộn đủ thứ, còn các cõi phân thân Phật đến giáo hóa thì thanh tịnh trang nghiêm toàn là bảy báu? Như vậy phân thân do Phật hóa ra có giá trị hơn chính Báo thân Phật Thích-ca sao? Như trên đã nói Hóa thân là những vọng tưởng chạy khắp mười phương nghĩ về người, về trời, về thú, về địa ngục... đó là đang đi trong lục đạo. Tất cả những vọng tưởng đó đều bất tịnh. Khi mà dừng hết mọi vọng tưởng bất tịnh chạy Đông chạy Tây đó, thì tâm thanh tịnh an định, nên cõi nước cũng thanh tịnh, mà khi tâm thanh tịnh thì Phật hiện tiền. Nhưng muốn dừng hết mọi vọng tưởng không chạy Đông chạy Tây, hay nói theo trong kinh là gom hết Hóa thân Phật về một nơi thì trước tiên phải có trí tuệ không kẹt hai bên. Người đối với cảnh khởi niệm phân biệt hai bên, tốt xấu, hay dở, phải trái... rồi sanh ưa ghét, niệm khởi rồi diệt, diệt rồi sanh, sanh sanh diệt diệt, vô số vọng niệm chạy khắp sáu đường không dừng nghỉ, nên phiền não trần lao cũng vô số. Đó là người thấy một bên không có trí tuệ. Nếu người có trí tuệ đối với các pháp thấy đúng như thật, do duyên hợp tạm có, không có tự thể cố định nên không chấp thế này là tốt thế kia là xấu, không khởi niệm ưa chán tìm cầu hay ghét bỏ, nên không bị phiền não chi phối, tâm được an định. Như vậy là người có trí không kẹt hai bên. Trí không kẹt hai bên ở đây tượng trưng bằng hình ảnh hào quang phát ra ở giữa chặng mày.
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment