Friday, November 26, 2010

Ý nghĩa thần chú Đại Bi - Câu 37-41 of 84

Giảng giải từng câu của HT Tuyên Hóa
Credits to www.chudaibi.com


37. Thất na thất na

Câu chú này được dịch là “Đại trí tuệ”, cũng dịch là “Hoằng thệ nguyện”. Đây là Bảo cảnh thủ nhãn ấn pháp. Bảo cảnh được ví như Đại viên cảnh trí của chư Phật.

Đại trí huệ là gì? Đó là khi chúng sanh không còn dính mắc vào vọng tưởng nữa. Có đại trí huệ, thì mỗi niệm đều là biểu hiện của trí bát nhã, mỗi tâm niệm đều lưu xuất từ Đại Quang Minh. Nếu quý vị có trí huệ chân chính thì sẽ có được Quang Minh. Còn nếu chưa thể nhập trí tuệ tự tánh, thì vẫn còn trong màn tối tăm của vô minh.
Quang minh là ánh sáng dương, còn bóng tối vô minh là âm. Tại sao người ta ngủ tối? Bởi vì lực âm trồi lên quá mạnh. Do đâu người ta có trí tuệ sáng suốt? Bởi vì ánh sáng dương lớn mạnh hơn.

Những người có trí tuệ không có lối suy nghĩ như những kẻ phàm phu. Họ có khả năng phân biệt rõ ràng chính tà. Họ không cần phải hỏi người khác, họ biết mọi điều ngay nơi tự thân của mình. Họ không đi vào con đường tẻ, họ bước đi vào ngay chính lộ và hạ thủ công phu. Trong khi hành trì, trước tiên quý vị phải đạt được trí tuệ. Rồi quý vị phải biết rõ ràng chính tà để rồi mới tiến vào con đường chánh lộ và tránh con đường tà vậy.

Nhưng quý vị không thể nào biết rõ việc làm nào hư ngụy nên cứ mãi khăng khăng tạo nghiệp ác. Quý vị không thể nào biết được rõ ràng thế nào là phạm giới, nên cứ thế mà làm, ráng hết sức để làm cho được, cứ muốn nhìn cho được dù thực sự đó là những thứ chướng ngại. Những hành vi như thế là sự ngu muội tột cùng, biểu lộ hoàn toàn sự non yếu trí tuệ.

Ồ! Không – Quý vị có thể phản đối – Tôi là người có trí tuệ, tôi chỉ sai lầm trong nhất thời thôi!

Chỉ sai lầm một lần thôi cũng có nghĩa là vô minh, không có trí tuệ rồi. Người có đại trí tuệ không hề có tư tưởng sai lầm. Thế nên Tôn giả A Nan đã phát nguyện:

Tiêu ngã ức kiếp điên đảo tưởng
Bất lịch tăng kỳ hoạch pháp thân.

Nghĩa là:
“Giúp cho con tiêu trừ vọng tưởng sai lầm trong muôn ức kiếp”.
Khiến con chẳng cần trải qua a tăng kỳ kiếp mà chứng ngộ được pháp thân”.

Tôn giả đã phát nguyện tiêu trừ vọng tưởng không những chỉ một, hai, ba, bốn, năm hay một trăm kiếp nhưng trong vô số kiếp.

Nhưng tại sao trong tâm ta lại có quá nhiều vọng tưởng như thế? Khi một vọng tưởng đi qua, vọng tưởng khác kế tiếp theo, và khi vọng tưởng ấy tiêu mất, vọng tưởng sau lại sinh khởi tiếp nối. Giống như sóng trên mặt biển. Quý vị cứ nghĩ rằng đại dương là vật vô tình, nhưng thực sự nó chẳng phải là thứ ở ngoài tâm quý vị mà có. Biển cả cũng được lưu xuất từ trong tâm niệm của chúng sanh. Sóng biển không ngừng nổi lên rồi chìm xuống, cũng hoàn toàn giống như vọng tưởng của chúng sanh chẳng bao giờ ngừng. Nó liên tục mãi. Vọng tưởng trước vừa biến mất, vọng tưởng sau liền tiếp nối, vọng tưởng này tiếp nối vọng tưởng kia, xoay vần tương tục, nối theo nhau không dứt, như dòng thác không bao giờ ngừng. Không có vọng tưởng nào muốn rơi lại đằng sau cả, chúng đều hoàn toàn muốn phóng vọt lên phía trước. Vì sao mà quý vị lại mắc phải quá nhiều vọng tưởng như vậy? Chỉ vì không có trí tuệ. Nếu quý vị có trí tuệ, thì chẳng còn mảy may vọng tưởng và sóng cũng không còn xao động nữa. Như trong câu thơ:

Thanh phong đồ lai
Thủy ba bất hưng

Nghĩa là:
“Gió trong lành thổi đến,
Biển không còn sóng xao”.

Khi trong công phu mà quý vị đạt được định lực, cũng như sóng biển đã lặng yên. Khi có được định lực thì nước trí tuệ hiển hiện, không còn một gợn sóng, chẳng còn một niệm vọng tưởng nào nữa. Lúc đó là thanh tịnh chân thực. Đó là lúc:

“Nhất trần bất nhiễm
Vạn lự giai không”

Thực vậy, khi một người không còn bị vướng dù chỉ một hạt bụi vô minh thì chẳng còn phải lo nghĩ một điều gì nữa cả, mọi thứ trên đời này đều là không. Đó chính là biểu hiện của đại trí tuệ.

Người có trí tuệ thường thành công trong bất kỳ mọi việc, còn người thiếu trí tệu thường bị thất bại trong bất kỳ việc gì mà họ nhúng tay vào. Do vậy nên trí tuệ là vô cùng quan trọng.

Ngu muội là gì? Vô minh chính là ngu muội. Ngu muội cũng chỉ là từ vô minh mà ra. Khi vô minh sinh khởi, con người hoàn toàn bị mất sáng suốt. Quý vị hãy hỏi một người vừa mới làm một việc sai lầm xong thì rõ:

- Tại sao anh lại làm việc đó?

Họ sẽ trả lời:
- Tôi không rõ nữa …

Đó chính là do ngu muội, do sự thiếu sáng suốt, thiếu trí tuệ. Nhưng dù họ hành động mê lầm do vô minh, nhưng họ lại không chịu từ bỏ vô minh. Họ lại khăng khăng:

- Tôi biết chứ. Tôi biết nó sai mà!

Thật là quái lạ. Con người mê muội chỉ do vì không có trí tuệ, không đạt được Đại viên cảnh trí, vì họ không chịu công phu hành trì Bảo cảnh thủ nhãn ấn pháp. Nếu họ tu tập ấn pháp này, thì sẽ không còn ngu muội nữa; bất luận chuyện gì xảy ra. Đó là khi:
Phùng quỷ sát quỷ
Phùng Phật sát Phật

Đây cũng như việc cầm một cây dao thật bén, chặt ngay mọi vọng tưởng vừa lóe lên. Đại trí tuệ cũng như một con dao bén hay còn được ví như thanh gươm.

Quý vị có thể nói: “Gươm trí tuệ rất nặng, không, không dễ gì cầm kiếm ấy được”! Đó là vì quý vị chưa từng cầm nó. Thực ra, sử dụng kiếm này chẳng cần sử dụng chút sức lực nào cả. Nếu quý vị chưa từng cầm nó lên thì thấy nó quá nặng. Nếu quý vị đã cầm lên rồi, thì thấy nó nhẹ. Nếu quý vị không chịu cầm lên, thì nhẹ biến thành nặng. Nếu quý vị chịu cầm lên, thì nặng biến thành nhẹ. Sao vậy? Vì quý vị đã cầm lên rồi!

Nếu quý vị nói: “Tôi biết rằng gươm trí tuệ rất quan trọng, nhưng quá nặng. Tôi không thể nhấc lên nổi”. Và quý vị không sờ tới gươm. Thế nên gươm trí tuệ càng nặng thật. Nhưng một khi quý vị đã sờ vào kiếm, đã vung gươm lên rồi thì mọi sự hiểu biết đều bén nhọn như lưỡi gươm, chẳng còn một chút rắc rối nào nữa cả. Thế nên tôi thường nói với quý vị rằng:

“Mọi việc đều tốt đẹp cả”. Chính là phát xuất từ đạo lý này. Nếu quý vị gặp nhiều việc rắc rối, là vì quý vị không có thanh gươm trí tuệ. Nếu quý vị có được thanh kiếm trí tuệ ấy, thì sẽ chẳng còn chuyện gì rắc rối nữa cả. Màu nhiệm là ở điểm này.
Núi sông đất liền, lâu đài nhà cửa, thế giới y báo cũng như chánh báo đều không vượt ra ngoài tâm niệm hiện tiền của chúng ta.

Cái gì là thế giới ý báo? Núi sông, đất liền, lâu đài nhà cửa gọi là thế giới y báo. Thế giới chánh báo là thân tâm của chúng ta, chính là nơi mà con người chúng ta thọ nhận sự báo ứng. Nếu quý vị đã hiểu được sự báo ứng khi chính mình thọ nhận, nghĩa là quý vị không còn vô minh nữa. Không còn vô minh nghĩa là có trí tuệ. Điều này được ví như tấm gương:

Vật lai tắc ánh
Vật khứ tắc không.

Nghĩa là:
“Vật đến liền chiếu.
Vật biến hoàn không”.

Tấm gương chẳng lưu giữ dấu vết gì cả. Kẻ trí thường thản nhiên với mọi chuyện và cứ để nó trôi qua mà lòng chẳng còn vướng bận điều gì.

Mặc dù kẻ trí chẳng lưu giữ điều gì lại trong lòng, nhưng mọi vật thường tự hiển bày. Và mặc dù nó thường tự hiển bày nhưng chẳng hề bị vướng mắc.

Chúng ta là hàng phàm phu, chưa có được đại trí tuệ, phải nỗ lực vượt bậc để thường nhớ trì tụng chú Đại Bi, hoặc thường niệm câu: “Y hê, y hê, thất na, thất na”.

Khi đã tụng một lần rồi là không còn quên nữa, đã tụng được hai, ba lần, vài trăm lần rồi thì chẳng thể nào quên được nữa. Đó là phải cố gắng để ghi nhớ. Còn khi quý vị chỉ cần nhìn hoặc nghe lướt qua một lần rồi nhớ mãi không quên, chẳng cần phải dụng công ghi nhớ nữa, đó là khi trí tuệ của quý vị chiếu sáng như một đài gương trong.

Người có trí tuệ đều biết rằng mọi hiện tượng đều lưu xuất từ tự tâm của mình. Nếu quý vị hiểu được điều này thì mình sẽ không còn tham, sân, si, mạn, nghi nữa. Sao vậy? Vì mọi sự việc đều lưu xuất từ tâm mình, nên những thứ vui buồn giận ghét đều là sở hữu của chính mình. Dù nó tốt hay xấu, cũng chẳng có vấn đề gì cả.

Mặc dù nói về cảnh giới ấy thì rất dễ, nhưng tiếp xúc với cảnh giới ấy không phải dễ dàng gì, cần phải có công phu mới tiếp xúc được với cảnh giới ấy. Những người không có công phu sẽ nói:

“Đối với tôi, chẳng có vấn đề gì rắc rối cả”.

Bên ngoài thì như thế, nhưng vấn đề rắc rối đang phát sinh và chống đối với nhau ở bên trong. Những người có trí tuệ chân chính thì rất hiếm.

Quý vị cũng nên phân biệt rõ trí tuệ thế gian và trí tuệ xuất thến gian. Trí tuệ thế gian còn gọi là Thế trí biện thông, là có thể nhào nặn ngay ra một đạo lý khi nào cần đến. Nơi nào không có đạo lý, họ có thể tạo dựng ra, khiến mọi người nghe rất hợp lý. Những kẻ mê muội nghe họ nói liền nghĩ rằng:

“Ồ! Họ đề cập đến những đạo lý rất đúng”.

Thực ra, nếu quý vị có được trí tuệ chân chính, quý vị sẽ không bị đắm chìm trong mớ lý luận ngu muội của họ. Người ta thường nói: “Trong dương có âm”.

Cũng vậy, trong trí tuệ cũng có sự ngu muội – sự ngu muội một cách trí tuệ. Mặt khác, trong âm có dương. Bên trong sự ngu muội ẩn chứa một trí tuệ. Chẳng hạn như quý vị có thể thấy một người chẳng nói năng gì cả, dường như là kẻ quê mùa dốt nát, nhưng anh ta làm những việc chân chính. Anh ta có thể hiện thân một kẻ hồ đồ mê muội, nhưng luôn luôn ứng xử khế hợp với đạo lý. Có rất nhiều người như vậy.

Khi quan sát người khác, quý vị sẽ tự chiêm nghiệm ra chính tự thân mình có được trí tuệ sáng suốt hay không. Nếu quý vị có trí tuệ chân chính, thì quý vị không bị người khác sai sử, dẫn dắt đến chỗ sai lầm. Còn nếu quý vị không có trí tuệ, quý vị sẽ bị người khác xui khiến làm điều xằng bậy.

Trí tuệ và ngu muội có một mối quan hệ trực tiếp. Đó là hai mặt của một chỉnh thể. Vắng bóng vô minh thì trí tuệ hiển bày. Và vô minh sinh khởi khi thiếu vắng trí tuệ. Trong vô minh có trí tuệ và chính trong trí tuệ có bóng dáng của vô minh. Sao lại như thế? Vì trí tuệ và vô minh là một. Nếu quý vị biết vận dụng, thì đó là trí tuệ. Còn nếu không biết vận dụng thì đó là vô minh. Chẳng hạn như khi quý vị nâng thanh gươm trí tuệ lên thì đó chính là trí tuệ; còn khi quý vị buông thanh gươm ấy xuống thì đó là vô minh. Đó không phải là hai mà chỉ là một. Thế nên quý vị đừng bao giờ nói rằng mình đang đi tìm kiếm trí tuệ và đang xua đuổi vô minh. Không ai làm được việc ấy bao giờ. Chủ yếu chỉ là sự “hồi đầu”.

Có thể lấy ví dụ của bàn tay để biểu tượng cho trí tuệ và mặt kia là biểu hiện cho vô minh. Nếu quý vị muốn cầm nắm một đồ vật bằng mặt kia của bàn tay thì không thể nào làm được cả, nhưng nếu quý vị dùng chính bàn tay của mình thì mới lấy được đồ vật. Việc không lấy được đồ vật là biểu tượng cho vô minh và việc sử dụng bàn tay để lấy được vật là biểu tượng cho trí tuệ. Đó là hai khía cạnh của chỉ một ý nghĩa chung nhất, tùy thuộc vào sự vận hành của quý vị.

Có người lại nói: “Nay tôi đã hiểu rồi. Vô minh và trí tuệ chính là bàn tay của tôi”. Lại sai lầm nữa! Bàn tay chỉ là ví dụ. Đừng nên cho rằng trí tuệ và vô minh chính là bàn tay. Cũng giống như ví dụ ngón tay và mặt trăng (trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm). Đức Phật lấy ví dụ dùng ngón tay để chỉ cho người thấy mặt trăng. Đừng nhầm lẫn ngón tay chính là mặt trăng.

Thất na thất na là “đại trí tuệ” và còn có nghĩa là “hoằng thệ nguyện” – là phát nguyện rộng lớn. Khi muốn hoàn thành một việc gì, phải phát thệ nguyện làm cho đến cùng. Như đức Phật A Di Đà trước khi thành chánh giác, khi đang tu tập nhân địa với hình tướng của một Tỳ kheo, Ngài đã phát 48 lời nguyện rộng lớn. Bồ tát Phổ Hiền cũng đã phát 10 Đại nguyện Vương. Bồ tát Quán Thế Âm cũng phát vô số lời nguyện cũng như các vị Tổ sư đã từng phát nguyện. Tôi đang giảng cho quý vị nghe về việc phát đại nguyện. Còn có lập nguyện được hay không là do ở quý vị. Tôi đưa đề tài này ra giảng vì tôi đoán chắc là quý vị chưa được thông hiểu. Nhưng không phải là tôi bắt buộc quý vị phải phát nguyện. Nay quý vị đang tu học Phật pháp, mỗi người nên tự mình lập hạnh nguyện, càng lớn càng tốt. Lập nguyện càng lớn thì sự thành tựu càng cao. Hiện nay chúng ta đều đang tu nhân và chưa ai thành Phật cả, chúng ta nên phát lời nguyện ở nơi nhân địa mà tu hành. Mỗi người nên viết ra lời nguyện của mình thật chi tiết. Đừng phát nguyện một cách hời hợt, qua loa, cho có nguyện mà phải thiết thực như: “Con nguyện cứu độ tất cả mọi loài chúng sanh”.

Thật chứ? Làm sao quý vị có thể độ chúng sanh được khi suốt ngày quý vị cứ tìm mọi cách để được ăn ngon, mặc đẹp, ở nơi xa hoa tráng lệ. Việc cứu độ chúng sanh trước hết là độ chúng sanh nơi cái miệng chuyên nói lời vọng ngôn của quý vị, độ cái bụng ham ăn, độ cái thân ham thích sung sướng của chính mình trước đã. Cho nên quý vị phải thẳng thắn và minh bạch trong khi phát nguyện. Hiện tại mình phát nguyện gì? Tương lai sẽ ra sao? Như ở trong quá khứ, chúng ta có thể quên lãng những gì đã từng ứng dụng tu hành. Nhưng trong tương lai chúng ta sẽ thực hành điều gì? Mỗi người Phật tử đều phải nên có lời phát nguyện. Nay ở trong nhân địa, lời phát nguyện càng lớn thì trong tương lai, kết quả sẽ càng cao. Nếu quý vị đặt tất cả nguyện lực của mình vào một lỗ chân lông, thì quý vị có thể phát một thệ nguyện lớn ngay từ trong lỗ chân lông.

Phát nguyện là một lời hứa thiêng liêng mà mọi người Phật tử đều nên thực hiện. Phát nguyện rất quan trọng, vì không có nó cũng như không có người hướng dẫn. Giống như đi đường mà không biết mình sẽ đi hướng nào, chẳng biết nên rẽ phải hay nên quẹo trái để đến đích. Nếu quý vị phát nguyện, cũng như khi du lịch có người hướng dẫn đường đi và nơi đến.

Tại sao chư Phật và chư Bồ tát đều phát nguyện khi tu đạo? Vì khi đã phát nguyện rồi, mình mới tự mình hành động tương ứng với nguyện đã lập. Ví dụ như Bồ tát Địa Tạng khi tu hành ở nhân địa, Ngài đã phát lời nguyện vĩ đại:

…“Địa ngục vị không
Thệ bất thành Phật
Chúng sanh độ tận
Phương chứng Bồ đề”.

Nghĩa là:
“Chúng sanh độ hết
Mới chứng Bồ đề
Địa ngục nếu còn
Con chưa thành Phật”.
Nguyện lực này cực kỳ vĩ đại. Chúng ta cũng nên phát nguyện. Mỗi quý vị nên phát một hạnh nguyện phù hợp với những việc hằng ngày quý vị thích làm.


38. A ra sam Phật ra xá lợi

A ra sam dịch là “Chuyển luân pháp vương”, tức là vị Đại Pháp Vương thường chuyển cỗ xe đại pháp, thường tuyên thuyết diệu nghĩa Đại thừa. Giáo nghĩa này thậm thâm vi diệu, không ai có thể diễn nói tường tận được, nhưng hiện nay quý vị đang được nghe giảng từng chi tiết rõ ràng.

Đó là ý nghĩa của câu chú này. Đây là “Chưởng thượng hóa Phật ấn thủ nhãn ấn pháp”. Quý vị nên hành trì ấn pháp này. Khi thành tựu rồi, đời đời khi được sinh ra liền thân cận bên Phật để học hỏi giáo pháp.

Có rất nhiều cách để giảng giải chú Đại Bi. Chẳng hạn có một vị pháp sư khác giảng mỗi thủ nhãn này là danh hiệu của một vị Bồ tát. Chẳng hạn vị ấy cho rằng: Chưởng thượng hóa Phật thủ nhãn này là Chưởng thượng hóa Phật Bồ tát. Đây chính là trường hợp sai một ly đi một dặm. Sao vậy? Ở đây hoàn toàn chẳng có một vị Bồ tát nào cả. Quý vị có thể đọc hết cả Tam tạng kinh điển nếu quý vị muốn nhưng sẽ chẳng thấy vị Bồ tát nào có danh hiệu là Chưởng thượng hóa Phật Bồ tát cả.

Có thể nói như thế này: Chưởng thượng hóa Phật thủ nhãn ấn pháp là pháp tu của chư vị Bồ tát, chứ không thể gọi đó là Chưởng thượng hóa Phật Bồ tát. Nếu gọi như thế là một sai lầm.

Nên khi nói Bảo bát thủ nhãn ấn pháp quý vị có thể hiểu rằng: Bảo Bát ấn pháp là pháp tu của chư vị Bồ tát. Còn Bảo Bát không phải là danh hiệu của một vị Bồ tát. Mới đây tôi được xem qua bộ “Đại Bi Kinh giảng nghĩa” ở Hồng Kông gửi sang, trong kinh này họ đã giảng bốn mươi hai thủ nhãn ấn pháp là danh hiệu của bốn mươi hai vị Bồ tát. Đó hoàn toàn sai lầm. Bốn mươi hai thủ nhãn ấn pháp trong kinh là các pháp tu của hàng Bồ tát. Người học Phật pháp nên ghi nhớ kỹ điểm này, không nên xác tín mà không căn cứ trên sự thực hiển nhiên. Trong khi giải thích Phật pháp cho người nghe, quý vị phải có một lập trường vững chãi, chính xác về những gì mình đưa ra, còn không quý vị sẽ phạm sai lầm.

A ra sam là Chưởng thượng hóa Phật thủ nhãn ấn pháp mà các vị Bồ tát đều phải tu hành.

Quý vị lại hỏi: “Bồ tát nào?”

Đây chẳng phải là một vị Bồ tát nào riêng biệt cả. Bất kỳ người nào hành trì bốn mươi hai thủ nhãn ấn pháp thì người ấy chính là Bồ tát. Bất luận người nào không tu tập bốn mươi hai ấn pháp thì người ấy không phải là Bồ tát. Nếu quý vị tu tập bốn mươi hai thủ nhãn ấn pháp được thành tựu thì có thể minh chứng rõ ràng quý vị đã dự vào hàng Bồ tát rồi.

Phật ra xá lợi dịch là “giác thân tử”. Đây là Sở châu thủ nhãn ấn pháp hoặc là Niệm châu ấn pháp, là pháp môn của chư vị Bồ tát tu tập. Khi Bồ tát tu tập thủ nhãn này thành tựu, thì chư Phật trong mười phương nhiếp thọ và tiếp dẫn hành giả đến các thế giới Phật khắp trong mười phương.


39. Phạt sa phạt sâm


Phạt sa, phạt sâm dịch là “Hoan ngữ hoan tiếu”. Có nghĩa là rất hoan hỷ khi giảng nói. Còn dịch nghĩa là “Đại trượng phu” và “Vô thượng sĩ”.

Đây là Bảo cung thủ nhãn ấn pháp. Khi hành trì thành tựu ấn pháp này, nếu là người tại gia thì có thể được làm quan cận thần, người xuất gia có thể chứng được quả vị A la hán.


40. Phật ra xá da


Ở câu trên, Phật ra xá lợi. “Xá lợi”dịch nghĩa là “Giác thân tử”. Còn trong câu Phật ra xá da, “xá da” dịch là “Tượng”: con voi. Nghĩa là khi quý vị đã giác ngộ rồi, thì tâm thể quý vị được ví như một con voi chúa, còn được gọi là Pháp vương tử. Quý vị có thể là Pháp vương tối cao trong tất cả các pháp môn. Nói chung, ý nghĩa của câu chú này là: Tâm giác ngộ như một tượng vương cao quý.

Phật ra xá da là nói về bổn thể của đức Phật A Di Đà. Đức Phật A Di Đà là bổn sư của Bồ tát Quán Thế Âm. Vì Bồ tát Quán Thế Âm tỏ lòng tôn kính đức bổn sư của mình nên Bồ tát đã đảnh lễ đức Phật A Di Đà trong khi tuyên thuyết chú Đại Bi. Nên đức Phật A Di Đà phóng hào quang để tiếp độ cho người trì chú này.

Phật ra xá da là Tử liên hoa thủ nhãn ấn pháp. Trong bốn mươi hai thủ nhãn, có Bạch liên hoa thủ nhãn, Thanh liên hoa thủ nhãn, Hồng liên hoa thủ nhãn ấn pháp. Khi hành trì thành tựu các ấn pháp này, hành giả sẽ được diện kiến mười phương chư Phật. Vì vậy Tử liên hoa thủ nhãn ấn pháp rất trọng yếu.


41. Hô lô hô lô ma ra

Hô lô hô lô ma ra. Hán dịch là “Tác pháp như ý”. Cũng dịch là “Tác pháp mạc ly ngã”.

Đây là Kim trọc ngọc hoàn thủ nhãn ấn pháp. Trong bốn mươi hai ấn pháp, khi hành giả hành trì bốn mươi hai thủ nhãn ấn pháp này được gọi là “tác pháp”. “Như ý” nghĩa là tùy theo tâm nguyện đều được như ý. Khi hành giả tu tập thành tựu ấn pháp này rồi, thì mọi việc đều được như tâm nguyện nên gọi là “Như ý”.

Còn “Tác pháp mạc ly ngã” có nghĩa chính hành giả là người tu tập, không phải người nào khác. Nên khi hành giả tác pháp này, thì ấn pháp không rời khỏi hành giả và hành giả không rời khỏi ấn pháp. Pháp và ngã là một. Thế nên chẳng có pháp và cũng chẳng có ngã, pháp chấp và ngã chấp đều không. Đó là ý nghĩa của “Tác pháp mạc ly ngã”.

Hành trì “Kim trọc ngọc hoàn ấn pháp”. Có thể khiến tất cả chúng sanh đều vâng theo sự giáo hóa của hành giả. Dạy họ tu pháp gì, họ đều tu theo pháp môn ấy không sai lệch.

No comments:

Post a Comment